Lễ hội Kỳ Yên Đình Long Trung diễn ra từ ngày 16, 17 tháng 11 âm lịch hàng năm tại chợ Ba Dừa, xã Long trung, huyện Cai lậy.
Phần lễ, thực hiện các nghi tiết như: dâng hương, đăng, trà, quả,… đọc văn tế, có lễ sinh (học trò lễ), nhạc lễ bài bản. Quan niệm của cư dân địa phương “Kỳ Yên” có nghĩa là “cầu an” nên khi đến lệ Kỳ Yên Đình thường mời các sư thầy ở Chùa Kim Cang tại xã Long Trung đến tung kinh cầu an cho bá tánh.
Lễ Khai Sắc Thần được thực hiện đúng 8 giờ ngày 16 tháng 11, Ban Khánh tiết đem Sắc Thần ra phơi nắng, đúng 12 giờ trưa Đoàn người mũ áo chỉnh tề với đầy đủ chiêng, trống, cờ lộng, long đình, cùng đội nhạc lễ, múa lân long trọng đưa Sắc Thần lên kiệu đi viếng chợ Ba Dừa để biểu hiện sự tôn kính, niềm vinh dự, lòng tự hào của người dân, với niềm tin tưởng Thần sẽ phò trợ cho quốc thái, dân an. Đến khoảng 13giờ 30 đám rước trở về Đình tiếp tục các nghi thức cúng lễ Túc Yên (cúng Tiên thường). Từ 19 giờ đến 20 giờ diễn ra các hoạt động như: hát bội, múa lân,...thu hút đông đảo Nhân dân tham dự.
Sáng 17 tháng 11 là lễ cúng chánh Kỳ Yên, Ban Khánh tiết tiến hành nghi thức đọc sớ văn và sau đó là nghi thức đón tiếp Ban Khánh tiết các Đình Thần lân cận trong vùng đến cúng viếng.
Phần hội, do cộng đồng cư dân địa phương tổ chức. Với các hoạt động như rước bà bóng đến múa bóng rỗi cúng miếu Bà bên cạnh đình, mời hát bội đến hát trong lễ cúng đình (hát xây chầu). Ngoài ra, còn tổ chức các trò chơi dân gian như: Cầu vọt, bắt vịt, nhảy bao, dập nồi,… trong ngày hội. Nhưng hiện nay việc rước bà bóng, tổ chức các trò chơi dân gian chưa được phục hồi, còn hát bội thì thỉnh thoảng mới mời được nên thay vào đó là việc tổ chức các hoạt động trưng bày những tác phẩm chưng kết, hoa kiểng, mâm ngũ quả,…là những nông sản của nhân dân địa phương làm ra.
Về giá trị kiến trúc, Đình Long Trung thuộc loại hình kiến trúc nghệ thuật cổ, có giá trị về lịch sử. Theo sắc phong của Triều Nguyễn vào năm 1811 (thời vua Thiệu Trị) phong cho Thần làng Mỹ Đông Trung là Thượng Đẳng Thần, gồm có 6 lá sắc thần, 03 lá Đại Càn thờ ở Miếu, 03 lá thờ ở đình.
Nhìn tổng thể kiến trúc, đình được xây dựng theo dạng chữ = gồm 3 dãy nhà ngang: Võ ca, Chánh điện, Hậu đường được xây dựng bằng các loại gỗ quí, gạch ngói và chất kết dính là hồ ô dước theo kỹ thuật truyền thống; kèo cột, xiên trích và bộ sườn của mái kết cấu với nhau bằng hệ thống mộng, chốt rất tinh vi và sắc xảo mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc, thể hiện qua kỹ thuật xây dựng, kết cấu vật liệu và các họa tiết trang trí bên trong, góp phần làm tăng nét uy nghiêm, lộng lẫy bên trong đình được trang trí các bao lam, hình võng, các tấm hoành phi, câu đối, các bàn thờ… được chạm trỗ công phu, tinh xảo, đặc sắc với các đề tài thể hiện sự trang nghiêm nơi thờ tự.Năm 1999, Đình Long Trung được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia.
Về giá trị văn hóa phi vật thể, nét văn hóa sinh hoạt đình làng vừa có ý thức cọi nguồn, vùa là dịp đoàn tụ, thắt chặt thêm tình đoàn kết, thể hiện tinh thần tự cường, sự phát triển trên chặn đường khai sinh thôn xóm, làng xã và cũng là dịp để người dân bày tỏ sự tri ân vối Thành Hoàng Bổn Cảnh đả phù hộ, độ trì cho ai cũng được bình an; cầu mong một năm thành công, được mọi điều tốt đẹp. đồng thời cũng là dịp để nhân dân trong vùng thành kính và tưởng nhớ đến các bậc tiền nhân đã có công khai khẩn vùng đất này, cũng như xây dựng những công trình phúc lợi công cộngcho cộng đồng. Với những giá trị văn hóa đó ngày 31/12/2019, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã Quyết định đưa Lễ hội Kỳ Yên Đình Long Trung, xã Long Trung, huyện Cai Lậy vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp tỉnh.