Thầy Năm Tú với nghệ thuật cải lương

Thứ sáu - 07/10/2022 22:51
Thầy Năm Tú có tên thật là Châu Văn Tú, còn gọi là Pierre Tú, người làng Vĩnh Kim, quận Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Vĩnh Kim, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang). Ông xuất thân từ một gia đình hào phú, từng du học ở Pháp, là người Việt đầu tiên mua xe hơi ở nước ta (1907).
Thầy Năm Tú với nghệ thuật cải lương
Vốn sinh ra ở vùng đất có truyền thống âm nhạc, nên ông rất say mê nghệ thuật cải lương. Khoảng năm 1917, ông xuất tiền mua lại gánh “Xiếc và Ca ra bộ An Nam Trẻ” của André Thận do ông này kinh doanh nghệ thuật bị thua lỗ; và thành lập gánh hát thầy Năm Tú.

Để gánh hát có quy mô lớn, ông đã tuyển thêm đào kép mới, thuê họa sĩ  vẽ tranh phong cảnh để làm phông (fond), phỏng theo lối trang trí của các rạp hát Tây ở Sài Gòn và mua sắm y phục đẹp cho đào kép. Đồng thời, ông còn mời Trương Duy Toản, một nhà Nho yêu nước, từng hoạt động trong phong trào Duy Tân, soạn tuồng. Ông cũng xây dựng một rạp hát vào đầu năm 1918 ở gần chợ Mỹ Tho (hiện nay tọa lạc ở ngả ba đường Lý Công Uẩn và đường Nguyễn Huệ, Phường 1, thành phố Mỹ Tho) để gánh biểu diễn. Đây là rạp hát cải lương đầu tiên của nước ta. Trước kia các gánh hát thường biểu diễn ở đình, miếu hoặc che dựng tạm thời, hát xong dẹp bỏ. Rạp thầy Năm Tú có sân khấu rộng và cao; bố trí hệ thống ròng rọc để thay đổi phông màn; hai bên sân khấu có treo nhiều lớp cánh gà; có hệ thống ánh sáng theo sự điều khiển hàng đêm của thầy tuồng.

Do có điều kiện về kinh phí, trình độ quản lý chặt chẽ, thu hút được nhiều diễn viên giỏi (Tám Củi, Sáu Nhiêu, Tám Danh, Ba Du, Phùng Há, Tư Sạng, Năm Châu,…), tuồng tích đặc sắc; nên gánh hát của ông ngày càng nổi tiếng. Vì thế, theo yêu cầu của giới mộ điệu, cứ đến tối thứ bảy mỗi tuần, toàn gánh lên diễn ở rạp Eden (Chợ Lớn). Sau đó, ông lại thuê rạp Modern ở Sài Gòn để biểu diễn vào hai tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Sau khi rạp hát cải lương ra đời và nghệ thuật cải lương được công chúng đón nhận nồng nhiệt, ông đã nghĩ ra cách khuếch trương tên tuổi gánh hát, đồng thời quảng bá cải lương để bộ môn nghệ thuật này tiến xa hơn.

Khi đại diện hãng đĩa hát Pathé Phono của người Pháp đến rạp thầy Năm Tú xem cải lương, họ hài lòng trước cách tổ chức biểu diễn của ông. Chủ hãng dĩa đồng ý ký hợp đồng với thầy Năm Tú sản xuất dĩa hát cải lương. Hãng mời các diễn viên của gánh thầy Năm Tú thu dĩa các tuồng cải lương để kinh doanh. Các dĩa hát thời này đều được bắt đầu bằng câu giới thiệu: “Đây là gánh hát thầy Năm Tú ở Mỹ Tho hát tuồng … trên dĩa Pathé Phono nghe chơi”. Đồng thời, có thể cho dân chúng nghe đĩa một cách phổ biến, ông liên kết với các chủ sản xuất máy hát đĩa. Để phân biệt với máy hát của Pháp, ông cho in nhãn hiệu con chó trên máy, còn trên đĩa hát thì in hình con gà trống đỏ. Đây là loại đĩa hát tiếng Hoa và Việt. Dành cho người Hoa nghe thì ông làm đĩa nhạc Hoa hoặc hòa tấu, còn loại tiếng Việt ưu tiên cho cải lương.

Nhờ có máy hát đĩa và đĩa con gà trống đỏ mà nghệ thuật cải lương nhanh chóng được lan truyền và hưng thịnh. Giáo sư Tiến sĩ Âm nhạc học Trần Văn Khê nhận xét ông như sau: “Mặc dù thầy Năm Tú không phải là kép hát nhưng có công xây dựng một rạp hát đầy đủ phương tiện, là một cơ ngơi xứng đáng cho những buổi diễn lớn. Ông lại có công gắn liền tên gánh hát của mình vào đĩa hát Pathé Phono và đã phổ biến lối hát cải lương đến những nơi hẻo lánh; đồng thời tạo điều kiện cho những đào, kép giỏi có chỗ hành nghề, xây dựng tên tuổi. Các nghệ sĩ cải lương lừng danh đều coi thầy Năm Tú như một ân nhân, giúp họ bước chân vào nghề và tiến bộ trong nghệ thuật cải lương”.

Thầy Năm Tú là người có công lao to lớn trong việc gầy dựng lối hát cải lương vào buổi ban đầu, góp phần quan trọng cho sự phát triển nghệ thuật cải lương, để Tiền Giang được mệnh danh là “cái nôi” của bộ môn nghệ thuật độc đáo này.Mới đây, Rạp hát Thầy Năm Tú vinh dự nằm trong Top 100 các Kỷ lục Bất biến của Việt Nam được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam công bố. 

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập290
  • Máy chủ tìm kiếm68
  • Khách viếng thăm222
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,662,710
  • Tổng lượt truy cập40,032,086
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây