Ngày xuân, nghĩ về tín ngưỡng nghề nông

Thứ hai - 16/01/2023 21:52
Nghề nông là nghề căn bản của người Việt Nam, nhất là đối với người dân miền Tây Nam Bộ, nên loại hình tín ngưỡng nghề nông rất phổ biến ở các địa phương Tây Nam Bộ, trong đó có Tiền Giang. Sự tín ngưỡng nghề nông thể hiện qua việc thờ cúng thần Nông tại các miễu điền hoặc đàn thần Nông trong khuôn viên đình. Thần Nông vốn thuộc tín ngưỡng dân gian và vào thời kỳ phong kiến, để củng cố thần quyền, giai cấp thống trị phong kiến đưa tín ngưỡng nghề nông vào hệ thống kinh điển và thờ thần Nông tại đàn thần Nông ở ba cấp triều đình, tỉnh, thành và xã.

Thần Nông chủ quản việc bảo hộ nghề nông, mà nghề nông có liên quan mật thiết với đất đai và lúa thóc, nên thần Nông thường được thờ cúng song song với thần Xã tắc. Theo Địa chí Tiền Giang, thần Nông là vị vua trong huyền thoại có công dạy dân cày cấy, sách vở xưa gọi là Tiên nông. Xã (hay Hậu) là thần Đất, Tắc là thần Lúa. Thần Nông đại vương, Xã Tắc đại vương là hai vị thần riêng biệt.
 
Thời Nguyễn, ở Kinh đô và các tỉnh, thành đều có hai đàn thờ riêng biệt ở hai hướng khác nhau. Riêng một số nơi ở Tiền Giang như đình Mỹ Hóa (xã Mỹ Phong, thành phố Mỹ Tho) đàn thờ ở hai ngăn có cả hai vị thần này. Đình Tân Hương (huyện Châu Thành) có đàn thờ Hậu Tắc. Còn tất cả các đình khác đều có đàn Xã Tắc nhưng lại thờ thần Nông.
 
Ở miền Trung, thần Nông được thờ trong miếu cất ở giữa đồng (không bắt buộc phải ở trong đình làng). Ở Tiền Giang, xã Hòa Định (huyện Chợ Gạo) và một số làng ở miệt vườn cũng có tục lệ ấy. Tiền Giang có truyền thống nông nghiệp lúa nước thì đàn thần Nông chiếm vị trí quan trọng, nên đặt ngay giữa sân đình.
 
Lễ vật cúng thần Nông khá đơn giản, thường là mâm xôi, gà luộc; nhưng đặc biệt lúc nào cũng có một thúng lúa, có nơi cầu kỳ hơn thì kết một cái cộ bằng cọng chuối để bên cạnh thúng lúa[1] với ý nghĩa là tạ ơn thần Nông theo truyền thống “uống nước nhớ nguồn” và “ăn trái nhớ người trồng cây”. Trong văn tế thần Nông có câu:

Tuyên ngũ cốc bá thực, hưng dân lợi, túc y túc thực, vạn thế kỳ công.

Ngưỡng lại Thần ân dư huệ, khánh phò toàn xã vô cùng.

Nghĩa là:

Bày ra năm giống, dạy dân trồng tỉa, hưng điều lợi cho dân, đủ quần áo đủ ăn, công ơn để lại muôn đời.

Dựa vào ơn thừa của thần ban cho, cầu mong thần Đất phù trợ cho dân đến vô cùng[2].
 
Đó là tín ngưỡng nông nghiệp đối với cư dân nông nghiệp trồng lúa nước. Riêng đối với những hộ chăn nuôi thì mỗi khi cất chuồng trại, bắt đầu và kết thúc một vụ nuôi thường cúng ông Chuồng bà Chuồng để cầu khẩn được phù hộ hay tạ ơn. Dân gian quan niệm rằng ông Chuồng bà Chuồng là những người khuất mặt cai quản các chuồng nuôi gia súc như chuồng heo, chuồng trâu,... Những người chăn nuôi heo, gà,… thường có tục cúng ông Chuồng bà Chuồng lúc xuất chuồng. Trong quá trình chăn nuôi, người nuôi gia súc, gia cầm thường cầu khẩn ông Chuồng bà Chuồng phù hộ, trong lời cầu khẩn họ hứa sẽ đưa ra lễ vật để dâng cúng cho ông Chuồng bà Chuồng nếu việc chăn nuôi của họ thành công. Lễ vật cúng tế cũng khá đa dạng như: cháo gà, cháo vịt, hoa, quả,… Việc cúng tế này được xem là việc đáp lễ của người chăn nuôi với ông Chuồng bà Chuồng, đồng thời hy vọng ông Chuồng bà Chuồng sẽ phù hộ cho đàn vật nuôi của mình luôn phát triển tốt và công việc chăn nuôi của mình được như mong muốn trong tương lai.

Đối với những nhà nuôi trâu cày, hàng năm vào ngày mồng ba Tết đều cúng ra mắt ông Chuồng bà Chuồng. Lễ vật gồm có: hương, hoa, trà, rượu, một con gà luộc và bánh tét nhân ngọt. Cúng xong, gia chủ thường cho trâu mấy bó cỏ non, cho trâu đực một chút rượu, trâu cái một chút trà rồi dán giấy đỏ lên sừng trâu, lên cột chuồng để chúc Tết cho trâu và chuồng trại,...

Tín ngưỡng nông nghiệp phản ánh ước vọng của người dân làm nông nghiệp, cầu mong cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ, an lành, hạnh phúc.
 

[1] Trần Hoàng Diệu - Nguyễn Quang Ân (chủ biên) (2007), Địa chí Tiền Giang, tập 2, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm Unesco Thông tin Tư liệu Lịch sử và Văn hoá Việt Nam xb, tr.1074 - 1075.
 
[2] Việt Cúc (1969), Gò Công cảnh cũ người xưa, Tác giả xuất bản, tr. 90.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập267
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm249
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,157,717
  • Tổng lượt truy cập34,743,362
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây