Trên sân khấu cải lương này, có biết bao nhiêu thế hệ nghệ sĩ cải lương đã khóc cười với khán giả, truyền đi những thông điệp “chân - thiện - mỹ” qua những vở cải lương vang bóng một thời. Nói đến cải lương, chúng ta không quên nhắc đến những đào kép cải lương trứ danh một thời là người Tiền Giang như: Cô Năm Phỉ, cô Bảy Phùng Há, cô Tư Sạng, kép Hai Giỏi, Năm Châu, Bảy Xê, Ba Du, Dương Ngọc Thạch... đây là những bậc tiền bối có công khai sáng nghệ thuật cải lương và tên tuổi của họ sẽ còn lưu truyền mãi trong lịch sử sân khấu cải lương, trong lòng người mộ điệu nhiều thế hệ qua những vở tuồng, những vai diễn, những bài ca bất hủ.
Mang trong tâm thức truyền thống nghệ thuật ấy, trong hơn một thế kỷ qua, các thế hệ nghệ sĩ của đất Tiền Giang luôn tỏa sáng rực rỡ bằng năng lực nghệ thuật của mình, tạo sự ngưỡng mộ sâu sắc trong lòng người mộ điệu nghệ thuật trong cả nước. Nhiều nghệ sĩ của tỉnh ta đã được Nhà nước xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ nhân ưu tú. Đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào của cá nhân, mà là niềm vinh dự chung của tỉnh, của ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VH-TT&DL) tỉnh nhà trong quá trình phát triển. Khoảng từ năm 1995 trở về sau này, cải lương đã bắt đầu suy thoái, sân khấu cải lương vắng khách và rạp hát Thầy Năm Tú cũng đóng cửa như nhiều rạp hát cải lương ở Nam bộ lúc bây giờ. Năm 2010, rạp hát Thầy Năm Tú được trùng tu và ngày 4-6-2012 rạp hát Thầy Năm Tú được Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang công nhận là di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh.
Để bảo tồn, phát huy nghệ thuật cải lương của tỉnh, tiếp tục phát huy công năng của rạp hát cải lương Thầy Năm Tú, từ giữa năm 2017, Sở VH-TT&DL đã tổ chức biểu diễn miễn phí định kỳ chương trình nghệ thuật “Dạ khúc tri âm”, gồm các trích đoạn, các vở cải lương nổi tiếng, kinh điển. Ngoài lực lượng diễn viên, nghệ sĩ của tỉnh, chương trình có sự góp mặt của nhiều tài danh sâu khấu cải lương như: Danh ca Minh Cảnh, Nghệ sĩ Nhân dân Minh Vương, Thanh Tuấn, Lệ Thủy, Bạch Tuyết; Nhgệ sĩ Ưu tú Thanh Điền, Thanh Kim Huệ, Kim Tiểu Long... nên thu hút khán giả, tạo nên “thương hiệu” của chương trình. Ai cũng biết nghệ thuật cải lương đang phải cạnh tranh quyết liệt với nhiều loại hình giải trí khác để giành lấy thị phần, nên nhiều nghệ sĩ cải lương nổi tiếng ở Thành phố Hồ Chi Minh khi được mời về biểu diễn ở rạp hát Thầy Năm Tú đều rất xúc động và bài tỏ sự vui mừng khi rạp hát vẫn sáng đèn trong suốt mấy năm qua. Qua chương trình này, Sở VH-TT&DL đã tạo thêm một địa chỉ sinh hoạt văn hóa định kỳ hàng tháng tại thành phố Mỹ Tho, góp phần đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, tạo môi trường sinh hoạt văn hóa lành mạnh, hiệu quả xã hội tích cực.
Kỷ niệm 105 năm ngày vở cải lương đầu tiên ra đời tại rạp hát Thầy Năm Tú, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh (thuộc Sở VH-TT&DL) sẽ tổ chức 03 đêm biểu diễn cải lương với sự tham gia của đơn vị nghệ thuật như: Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Tiền Giang; Nhà hát Trần Hữu Trang; Đoàn cải lương Long An; Đoàn Văn công Quân khu 9; Đoàn cải lương Hương Tràm; Đoàn cải lương Bến Tre; Nhà hát Tây Đô; Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật tỉnh Đồng Tháp. Mỗi đơn vị tham gia biểu diễn một trích đoạn cải lương, hoặc một chập cải lương, thời lượng từ 30 đến 45 phút. Đây là hoạt động có ý nghĩa, thiết thực, góp phần bảo tồn, phát huy giá trị của nghệ thuật cải lương - mà Tiền Giang là cái nôi cải lương của Nam bộ. Hoạt động này cần được quảng bá rộng rãi để phục vụ công chúng mộ điệu cải lương trong tỉnh.