Qua 05 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030

Thứ sáu - 04/08/2023 00:00
Quán triệt Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy khóa X về lãnh đạo phát triển TP. Mỹ Tho đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Thành ủy Mỹ Tho ban hành Chương trình 36-CTr/TU và Ủy ban nhân dân TP. Mỹ Tho đã ban hành Kế hoạch 2261/KH-UBND, ngày 27/4/2018 để triển khai thực hiện; trong đó, có phân công nhiệm vụ cho các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, giải pháp đặt ra trong Nghị quyết. Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tỉnh cũng đã tổ chức quán triệt nhằm tạo sự thống nhất về nhận thức, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU đạt kết quả tốt.
Thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có tác động đến nhận thức của các cấp, các ngành về tầm quan trọng của việc tập trung phát triển TP. Mỹ Tho với vị trí là đô thị trung tâm của tỉnh; tình hình kinh tế - xã hội Thành phố tiếp tục phát triển ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững; hạ tầng đô thị từng bước được hoàn thiện, diện mạo đô thị khang trang hơn; hoạt động văn hóa xã hội có chuyển biến tích cực, chất lượng ngày càng cao; đời sống nhân dân được nâng lên về mọi mặt; vai trò lãnh đạo của Đảng, hiệu lực quản lý nhà nước được bảo đảm, công tác vận động quần chúng dần đi vào chiều sâu; các nhiệm vụ, giải pháp được xác định tại Nghị quyết 13-NQ/TU phù hợp thực tiễn đã tạo động lực phát triển cho Thành phố. Triển khai kịp thời các giải pháp khắc phục khó khăn, duy trì sự phát triển ổn định của Thành phố, giữ vững vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Qua đó, TP. Mỹ Tho từng bước phát triển xứng tầm là đô thị trung tâm của tỉnh. Có thể thấy qua một số kết quả:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020 bình quân đạt 6,8%/năm (Nghị quyết 12 - 12,5%); tổng giá trị sản xuất tăng bình quân 7,4%/năm (Nghị quyết 11 - 13%). Giai đoạn 2018-2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tổng giá trị sản xuất bình quân 3,7%/năm.

- Cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016 - 2020 chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng khu vực phi nông nghiệp, giảm tỷ trọng khu vực nông nghiệp. Năm 2020, tỷ trọng khu vực I còn 6,2% (Nghị quyết 4,2%); khu vực II tăng lên 53,7% (Nghị quyết 50,9%); khu vực III tăng lên 40,1% (Nghị quyết 44,9%). Năm 2022, khu vực I chiếm 5,9%, khu vực II chiếm 53,4% và khu vực III chiếm 40,7%.

- Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 đạt 115,8 triệu đồng/năm (Nghị quyết 114,4 triệu đồng); năm 2022 đạt 131,8 triệu đồng.

- Thu ngân sách nhà nước giai đoạn 2016 - 2020 đạt 3.959 tỷ đồng (Nghị quyết 2.900 tỷ đồng); năm 2020 đạt 1.050 tỷ đồng (Nghị quyết 645 tỷ đồng). Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện 5.751 tỷ đồng (Nghị quyết 3.300 tỷ đồng); năm 2020 là 1.679 tỷ đồng (Nghị quyết 700 tỷ đồng).

- Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội giai đoạn 2016 - 2020 thực hiện đạt 46.141 tỷ đồng (Nghị quyết 49.300 tỷ đồng); năm 2022 thực hiện 12.335 tỷ đồng.

- Tỷ lệ đô thị hóa năm 2020 đạt 54,47% (Nghị quyết 75%);

- Hoàn thành 100% số xã đạt tiêu chí quốc gia về nông thôn mới; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2019.

Giai đoạn 2018-2022 có 1.437 doanh nghiệp thành lập mới, đến cuối năm 2022 có 2.283 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó khoảng 98% là doanh nghiệp vừa và nhỏ, khả năng tiếp cận, mở rộng thị trường và năng lực cạnh tranh còn hạn chế. Hoạt động thương mại dịch vụ trên địa bàn ổn định, hàng hóa phong phú, đáp ứng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng. Tổng mức hàng hóa bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm tăng trên 12%, bình quân chiếm 41,3%/tổng mức bán lẻ của cả tỉnh. Đã mời gọi đầu tư và đưa vào sử dụng Trung tâm thương mại GO Mỹ Tho và Trung tâm Thương mại Vincom Mỹ Tho; đến nay, Thành phố có 02 Trung tâm thương mại, 02 Trung tâm mua sắm, giải trí, 06 siêu thị, 18 siêu thị mini chuyên về máy tính, điện thoại, nhà sách, 16 chợ truyền thống.

Các ngành dịch vụ, du lịch thời gian qua tăng nhanh, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch Covid-19 từ năm 2020-2021 nên có giảm, đến nay đã có bước phát triển, phục hồi trở lại. Ngân sách tỉnh và ngân sách Thành phố đã đầu tư hơn 25 tỷ đồng hỗ trợ phát triển du lịch cù lao Thới Sơn gồm: mở rộng cầu, đường liên kết các khu, điểm du lịch; nạo vét rạch đò chèo; tăng cường công tác vệ sinh môi trường; trồng hoa, cây xanh; lắp đặt đèn chiếu sáng nghệ thuật. Đã đưa vào hoạt động Cảng du thuyền; Khách sạn Cửu Long, khách sạn Lạc Hồng theo chuẩn 3 sao; hiện Thành phố có hơn 80 cơ sở lưu trú du lịch với 1.825 phòng, 35 nhà hàng, quán ăn lớn phục vụ khách du lịch, 45 doanh nghiệp du lịch lữ hành đang hoạt động. Trong 5 năm qua, Thành phố đón trên 2,9 triệu lượt khách, trong đó khoảng 1,9 triệu lượt khách quốc tế; tổng doanh thu trên 31.180 tỷ đồng. Đang triển khai xây dựng khách sạn Central Plaza Mỹ Tho tiêu chuẩn 4 sao, Khu đón tiếp đường bộ cù lao Thới Sơn, Khu du lịch - Nhà hàng - Khách sạn Mekong Paradise, Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Lê Hà...; xây dựng Đề án nghiên cứu phát triển du lịch rạch Bà Ngọt và rạch Gò Cát nhằm phát triển tuyến du lịch sinh thái sông nước miệt vườn gắn với khu Quảng trường tỉnh - Điền lan thôn trang - chùa Vĩnh Tràng - làng nghề hủ tiếu Mỹ Tho - cù lao Thới Sơn để phát huy thế mạnh Thành phố là trung tâm du lịch của tỉnh. Các hoạt động lễ hội được thường xuyên tổ chức tại khu vực công viên Tết Mậu Thân thu hút đông đảo người dân trong và ngoài Thành phố tham gia tiến tới hình thành Phố đi bộ để tạo thêm sản phẩm du lịch của địa phương.

Triển khai xây dựng các khu dân cư đô thị nhằm đáp ứng nhu cầu nhà ở và chỉnh trang diện mạo đô thị. Dự án chung cư Victoria (Phường 3) quy mô 203 căn hộ đã hoàn thành đưa vào sử dụng; Khu dân cư dọc sông Tiền (giai đoạn 1) quy mô 7,3 ha đã đầu tư cơ bản; Dự án Khu dân cư An Hòa quy mô 9,28 ha đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng; Dự án Đường D7 và khu dân cư 2 bên đường quy mô 6,155 ha đang tiến hành công tác giải phóng mặt bằng, đã phê duyệt quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Đông Bắc của thành phố với quy mô 192 ha. Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định, tập trung nhiều doanh nghiệp sản xuất công nghiệp có quy mô khá, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài; thực hiện di dời các nhà máy, cơ sở sản xuất công nghiệp ô nhiễm ra khỏi đô thị, thu hút phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao. Khu công nghiệp Mỹ Tho, cụm công nghiệp Trung An và cụm công nghiệp Tân Mỹ Chánh đã lắp đầy 100% với tổng diện tích 120 ha, thu hút 60 dự án, tổng vốn đăng ký đầu tư 14,6 ngàn tỷ đồng. Đã di dời 10/29 cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ra khỏi khu dân cư; số còn lại đang tiếp tục thực hiện theo đề án.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản, đồng thời nghiên cứu ứng dụng các tiêu chuẩn sản phẩm an toàn cho cây trồng, trong nuôi trồng thủy sản với nhiều phương thức, mô hình nuôi hiệu quả cho ra được sản phẩm sạch đáp ứng được thị trường trong nước và quốc tế, giảm dần sản xuất lúa. Các mô hình sản xuất đã chuyển đổi theo hướng nông nghiệp đô thị, áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, tăng hiệu quả trên diện tích canh tác, nâng cao thu nhập và đời sống của nông dân, nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị như bưởi da xanh, dưa lưới,... mang lại hiệu quả cao. Các hợp tác xã được hỗ trợ để tổ chức lại sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, mô hình liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm theo hướng VietGAP. Triển khai hỗ trợ 04 dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; thực hiện 10 mô hình áp dụng Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn VietGAP; được cấp mã số vùng xuất khẩu bưởi sang Hoa Kỳ với quy mô 115 hộ/60,4 ha; thực hiện dự án “Xây dựng vùng sản xuất bưởi da xanh theo GAP gắn du lịch sinh thái” tại xã Tân Mỹ Chánh với quy mô 10 ha/20 hộ. Nghề trồng hoa, kiểng được khai thác tốt, xây dựng được thương hiệu hoa Mỹ Tho, hàng năm cung cấp trên một triệu giỏ hoa các loại phục vụ tết Nguyên đán; một số mô hình trồng hoa kết hợp du lịch mang lại hiệu quả cao như vườn hoa Thạch Thảo, Ao Sen Gò Me, vườn lan Thảo Nguyên. Tổng diện tích đất gieo trồng còn khoảng 3.755 ha, trong đó đất gieo trồng cây hàng năm 576 ha, đất gieo trồng cây lâu năm 3.179 ha (chủ yếu cây bưởi da xanh 956,5 ha; cây dừa 1.627 ha,...). Thành phố hiện có 248 phương tiện khai thác thủy sản, với tổng công suất 112.652 CV. Sản lượng khai thác và nuôi trồng tăng bình quân hàng năm từ 1% - 2%.

- Giáo dục: Thực hiện tốt việc quy hoạch, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia; xã hội hóa giáo dục mầm non. Đã đầu tư xây dựng được 20 trường đạt chuẩn quốc gia; trong đó, có 08 trường mầm non, 06 trường tiểu học và 06 trường trung học cơ sở. Các cơ sở giáo dục, giáo viên tích cực đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục thể chất cho học sinh, triển khai thực hiện nhiều mô hình, phương pháp giáo dục mới, mang hiệu quả cao như mô hình “Công trình giáo dục”, mô hình “Trường học hạnh phúc”, phương pháp “Tích hợp Steam trong Giáo dục mầm non, tiểu học”…; thành lập mới 03 trường mầm non tư thục và 22 nhóm trẻ; có 30 trường mầm non (21 trường công lập và 09 trường ngoài công lập) với 319 nhóm, lớp.


- Y tế: Nâng cao năng lực khám, chữa bệnh tại các trạm y tế phường, xã và chất lượng khám, chữa bệnh ở Trung tâm Y tế Thành phố. Xây dựng mới 07 Trạm Y tế và sửa chữa 04 Trạm Y tế. Trung tâm Y tế Thành phố được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ ngày càng tốt hơn yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân; triển khai thực hiện các kỹ thuật mới như: Siêu âm màu, Xquang kỹ thuật số, các xét nghiệm sinh hóa huyết học, đốt lazer…; hàng năm luôn hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu chuyên môn. Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng, chống dịch Covid-19. Hoàn thành việc lập Sổ sức khỏe điện tử cho 100% người dân trên địa bàn; triển khai dịch vụ tiếp nhận bệnh nhân đăng ký khám chữa bệnh qua tổng đài 1080; hoàn thiện phần mềm khám chữa bệnh nội trú, ngoại trú,… Có 35,15% bác sĩ có trình độ sau đại học; 100% phường, xã được bố trí bác sĩ; 100% Trạm y tế được công nhận Bộ Tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến nay đạt 89,1%.

- Văn hóa, thể dục - thể thao: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” tiếp tục được nâng chất. Tỷ lệ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” hàng năm từ 93 - 95,1%; 100% thiết chế văn hóa - thể thao đạt chuẩn; 100% phường, xã, khu phố, ấp có Nhà văn hóa/Trung tâm Văn hóa - Thể thao theo quy định. Đến cuối năm 2022, có 86 con đường văn hóa, 06 công viên văn hóa, 10 chợ văn hóa và 79 cơ sở thờ tự văn hóa. Phong trào rèn luyện thân thể, luyện tập thể dục, thể thao trong nhân dân được duy trì thường xuyên; tiếp tục thực hiện xã hội hóa, tạo điều kiện thuận lợi để toàn xã hội tham gia hoạt động và phát triển sự nghiệp thể dục thể thao.
Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn được giữ vững, tiềm lực quốc phòng - an ninh, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân thường xuyên được củng cố ngày càng vững chắc. Các nhiệm vụ quốc phòng - an ninh hàng năm đều đạt và vượt chỉ tiêu nghị quyết, kế hoạch đề ra. Hiện có 17/17 phường, xã đạt vững mạnh toàn diện; 17/17 phường, xã vững mạnh về quân sự - quốc phòng địa phương; 100% phường, xã được Quân khu công nhận trọng điểm về quốc phòng - an ninh.

Tội phạm về trật tự xã hội giảm theo từng năm; tuy nhiên, từng lúc, từng nơi, số vụ tội phạm về trật tự xã hội còn xảy ra nhiều, đặc biệt là tội phạm trộm cắp tài sản (chiếm trên 76% tổng số vụ). Đã chủ động triển khai thực hiện nhiều biện pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, trật tự công cộng; tuy nhiên, tai nạn giao thông vào một số thời điểm vẫn còn xảy ra ở mức cao. Công tác phòng, chống cháy, nổ được tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả.

Trong thời gian tới, đẩy nhanh tốc độ và nâng cao chất lượng đô thị hóa, chú trọng phát triển kết cấu hạ tầng của đô thị, nhất là hạ tầng kỹ thuật khung và hạ tầng xã hội thiết yếu được xây dựng và phát triển đồng bộ, hiện đại. Kinh tế khu vực đô thị tăng trưởng nhanh, hiệu quả và bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu. Chất lượng sống tại đô thị ở mức cao, bảo đảm đáp ứng cơ bản nhu cầu về nhà ở và hạ tầng xã hội cho cư dân đô thị. Phát triển kiến trúc đô thị hiện đại, xanh, thông minh, giàu bản sắc, các yếu tố văn hóa đặc trưng được giữ gìn và phát huy.

Tập trung phát triển Mỹ Tho thành trung tâm tổng hợp, chuyên ngành, trung tâm du lịch, thương mại - dịch vụ, logistics khu vực Bắc sông Tiền. Khai thác lợi thế của đô thị ven sông, xây dựng không gian xanh; phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của một đô thị có bề dày hình thành và phát triển; tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2026 - 2030 tăng 7,5 - 9%/năm. Ưu tiên phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là kết cấu hạ tầng giao thông tạo động lực phát triển đô thị; hoàn thiện các tiêu chí phân loại đô thị loại I; tập trung chuyển đổi số, hoàn thành xây dựng đô thị thông minh vào năm 2030; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2030 đạt ít nhất 75%.

BBT

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập191
  • Máy chủ tìm kiếm35
  • Khách viếng thăm156
  • Hôm nay41,936
  • Tháng hiện tại1,028,015
  • Tổng lượt truy cập34,613,660
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây