Bên cạnh đó, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân năm 2015 cũng là cơ sở pháp lý quan trọng để tăng cường hiệu lực, hiệu quả chức năng giám sát của Hội đồng nhân dân, trong đó có hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Các văn bản Luật đã quy định rõ trách nhiệm của Thường trực, các Ban Hội đồng nhân dân trong công tác thẩm tra, trình tự xem xét báo cáo việc giải quyết kiến nghị cử tri của Uỷ ban nhân dân tỉnh; quy định nhiệm vụ giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri, chuẩn bị báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri và xây dựng dự thảo báo cáo việc giải quyết kiến nghị của cử tri trình Hội đồng nhân dân tỉnh xem xét; quy định việc theo dõi, đôn đốc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng như trách nhiệm của các ngành, các cấp trong việc giải quyết kiến nghị của cử tri.
Thực tế thời gian qua cho thấy, đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh đã thực hiện khá tốt nhiệm vụ, quyền hạn của mình trong hoạt động tiếp xúc cử tri và giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri. Thông qua hoạt động tiếp xúc cử tri đa số ý kiến, kiến nghị của cử tri liên quan đến nhiều lĩnh vực thuộc thẩm quyền Trung ương và địa phương, đều được các cơ quan chức năng và đại biểu đối thoại, giải trình đầy đủ, có phương hướng giải quyết cụ thể tại hội nghị tiếp xúc cử tri, số còn lại được tiếp thu, tổng hợp kịp thời, đầy đủ và báo cáo tại kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Và cũng thông qua ý kiến, kiến nghị của cử tri, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc khảo sát để nắm tình hình về những khó khăn, vướng mắc liên quan đến việc triển khai thực hiện nghị quyết theo thẩm quyền. Đồng thời, các ý kiến, kiến nghị của cử tri cũng làm cơ sở để đại biểu Hội đồng nhân dân lựa chọn một số nội dung thảo luận và đề nghị giải trình, chất vấn gửi đến kỳ họp Hội đồng nhân dân.
Cùng với những kết quả đạt được, hoạt động tiếp xúc cử tri, theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri của đại biểu Hội đồng nhân dân cũng còn một số hạn chế nhất định, cần có giải pháp khắc phục. Trước những mặt còn tồn tại, hạn chế như đã nêu ở trên, ngày 12/10/2023 vừa qua, Ban Văn hóa - Xã hội Hội đồng nhân dân tỉnh tổ chức Tọa đàm với chủ đề “Giải pháp nâng cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động tiếp xúc cử tri và theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri thuộc lĩnh vực Ban Văn hóa - Xã hội phụ trách”.
Tại buổi Toạ đàm các đại biểu đã tham gia phát biểu đi sâu phân tích, trao đổi những kỹ năng, kinh nghiệm thực tiễn, những vấn đề đặt ra hiện nay nhằm góp phần nâng cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân trong hoạt động tiếp xúc cử tri; đặc biệt để nâng cao trách nhiệm của đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp trong hoạt động tiếp xúc cử tri và theo dõi việc giải quyết kiến nghị cử tri thì nhất thiết mỗi đại biểu Hội đồng nhân dân luôn tích cực đúc kết kinh nghiệm mà đại biểu đã được chia sẻ từ các hội nghị do các đơn vị tổ chức cho đại biểu theo quy định của Luật Tổ chức chính quyền địa phương; phải thường xuyên nắm bắt những thông tin chính thống, chính xác về các vấn đề văn hóa - xã hội liên quan đến đời sống của cử tri nơi mình ứng cử, địa phương công tác và trên địa bàn tỉnh để xem xét những kiến nghị của cử tri có đúng thực tế không hay do chủ quan của cá nhân cử tri. Đối với lĩnh vực văn hóa xã hội có phạm vi rất rộng, đòi hỏi mỗi đại biểu phải luôn tự rèn luyện, nghiên cứu, tìm tòi, nhìn nhận bao quát vấn đề để có sự so sánh, đối chiếu, thẩm định kết quả giải quyết của các ngành liên quan có phù hợp với kiến nghị của cử tri; theo dõi việc giải quyết kiến nghị của cử tri mà các ngành giải quyết đã đến được trực tiếp cử tri hoặc là những giải quyết đó có hài hòa, sát thực tế, đúng luật định và đảm bảo lợi ích của cử tri.