Hiện nay, trước tình hình sâu bệnh phá hại lúa ngày càng nhiều nên nhu cầu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng tăng theo. Tuy nhiên, nông dân vẫn còn thói quen vứt vỏ thuốc, chai nhựa bừa bãi ngay tại các bờ ruộng hoặc bỏ xuống ao, kênh, rạch. Việc làm này để lại những hệ lụy xấu, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của cộng đồng, trong đó đất và nguồn nước là những yếu tố bị ảnh hưởng trực tiếp.
Ông Trần Văn Hiền, ấp Hòa Xuân, xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước) cho biết: “Mỗi năm canh tác 3 vụ lúa nên lượng bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật thải ra rất nhiều. Nhưng nếu thu gom về nhà thì không bán được, chôn xuống đất thì cũng còn ở đó do rác này khó phân hủy, còn đốt thì cháy rất lâu và mùi hôi rất khó chịu”.
Để khắc phục tình trạng trên, thời gian qua, Hội Nông dân xã Thạnh Hòa đã tranh thủ nguồn vốn từ Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tân Phước hỗ trợ trên 46 triệu đồng xây dựng 15 hố chứa rác trải đều khắp các ấp trên địa bàn xã, nhất là ở những khu vực thuận tiện để xe chuyên dụng của huyện chở đi tiêu hủy đúng quy định. Qua đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực về ý thức bảo vệ môi trường đối với nông dân.
Sau khi được tuyên truyền về tác hại rác thải thuốc bảo vệ thực vật đối với môi trường, hầu hết người dân địa phương đã tự giác thực hiện. Ông Nguyễn Văn Út, ấp Hòa Xuân, xã Thạnh hòa cho biết: “Trước đây, do không có bể chứa vỏ bao bì thuốc đã qua sử dụng nên tôi thường gom về nhà. Cái nào bán được thì bán ve chai, cái nào không bán được thì đốt bỏ. Từ khi có hố chứa, mỗi lần phun thuốc xong thì bao bì, rác thải thuốc bảo vệ thực vật mình bỏ vào túi đem đến điểm tập kết bỏ vào, vừa tiện lợi lại an toàn”.
Đánh giá về hiệu quả bước đầu trong công tác này, ông Nguyễn Tùng Đạt - Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Hòa nói: “Xã Thạnh Hòa có diện tích đất nông nghiệp khá cao, vì vậy việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật số lượng lớn, rác thải nhiều. Từ khi thực hiện xây dựng hầm chứa rác như thế này bà con đã có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường”.
Có thể thấy, mô hình thu gom rác thải thuốc bảo vệ thực vật đã phát huy hiệu quả, tạo sự chuyển biến về nhận thức bảo vệ môi trường trong nông dân. Do đó, mô hình này cần được phát huy và nhân rộng để hướng đến một nền nông nghiệp sạch, bền vững và thân thiện với môi trường.