Thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội huyện Gò Công Tây đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng NTM; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội vùng nông thôn; tổ chức thực hiện tốt các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp nông dân phát triển các mô hình sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện; an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội được giữ vững; hệ thống chính trị có nhiều chuyển biến, tiến bộ và hoạt động có hiệu quả.
Tổng nguồn lực huy động thực hiện xây dựng nông thôn mới từ năm 2011 đến năm 2021 là: 2.617,909 tỷ đồng. Hạ tầng nông thôn được cải thiện rõ nét; diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có 32/37 trường học trên địa bàn được công nhận đạt chuẩn quốc gia, đạt tỷ lệ 86,48%; Có 100% đơn vị cấp xã, thị trấn duy trì và đạt chuẩn phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2, xóa mù chữ mức độ 2; mạng lưới y tế được củng cố và phát triển, 12/12 xã, thị trấn đạt chuẩn bộ tiêu chí quốc gia về y tế; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 94,56%; tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh đạt tiêu chuẩn về môi trường 100%. Trên địa bàn toàn huyện, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, hợp vệ sinh đạt 100%; tỷ lệ người trong độ tuổi lao động có việc làm thường xuyên đạt 90,79%; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 622 hộ, chiếm 1,7%. Sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả, giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập cho nông hộ; thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện là 57,13 triệu đồng/người/năm. Toàn huyện hiện có 12/12 xã đạt chuẩn nông thôn mới, 01 thị trấn đạt đô thị văn minh.
Huyện Gò Công Tây xây dựng cảnh quan, môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn với nhiều mô hình sống động, hiệu quả như Mô hình "Tuyến đường hoa", Mô hình “Dòng kênh thông thoáng”, Mô hình “Camera an ninh gắn với ánh sáng quang”, “Cổng rào phòng chống tội phạm”, Mô hình vận động quỹ xây dựng “Nhà ở cho hộ nghèo”...
Bà Huỳnh Thị Kim Huệ, Chủ tịch UBND xã Long Vĩnh chia sẻ: “Trong những năm qua, qua phát động của chính quyền địa phương trong thực hiện phong trào xây dựng NTM, rồi NTM nâng cao, người dân hưởng ứng rất cao. Qua phong trào đã mang lại lợi ích cho người dân rất lớn như tạo cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp - an toàn, nông thôn đổi mới, đời sống phát triển, tình làng nghĩa xóm cũng thắt chặt hơn”.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Gò Công Tây còn một số khó khăn trong thực hiện mục tiêu xây dựng NTM như: Xây dựng nông thôn mới dựa trên nền tảng phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, ngành nghề nông thôn phát triển chưa đa dạng, quy mô nhỏ, có hình thành liên kết theo chuỗi giá trị nhưng còn thiếu bền vững nên phần nào ảnh hưởng đến thu nhập người dân. Một số xã đã xác định được sản phẩm chủ lực để tập trung phát triển nhưng luôn bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, thị trường tiêu thụ.
Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tuy có nhiều tiến bộ, song tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế còn khá cao. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa diễn ra nhanh dẫn đến sự chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động, gây ra tình trạng thiếu hụt lao động tại các khu vực nông thôn. Do tác động của biến đổi khí hậu, hạn mặn xâm nhập sâu trên địa bàn huyện, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ngày càng diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của người dân.
Để hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM trong giai đoạn mới, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Gò Công Tây đã ban hành nghị quyết xây dựng NTM với mục tiêu tổng quát là xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; phát triển nông nghiệp bền vững theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân vùng nông thôn; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội và tăng cường xây dựng hệ thống chính trị ở vùng nông thôn.
Theo đồng chí Đinh Tấn Hoàng - Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây, để hoàn thành mục tiêu này, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền, vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò chủ thể và trách nhiệm của người dân trong xây dựng NTM, nhất là vai trò “dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, chính quyền địa phương cần phải đẩy mạnh phát huy dân chủ, công khai, minh bạch, tạo điều kiện để nhân dân bàn bạc, đóng góp ý kiến và quyết định những công việc liên quan đến lợi ích của dân trong xây dựng NTM. Phát huy tối đa trí tuệ, tâm huyết, công sức, nguồn vốn của mỗi người dân cùng với chính quyền địa phương trong thực hiện. Tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện những tiêu chí không cần vốn hoặc cần ít vốn xây dựng NTM. Đẩy mạnh nhân rộng các mô hình, các điển hình tiên tiến, sáng kiến kinh nghiệm hay về xây dựng NTM. Đồng thời tập trung huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cho xây dựng NTM; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.