Qua các báo cáo khoa học và thực tiễn đã xác định các nguyên nhân cơ bản dẫn đến xói lở bờ biển, bờ sông như sau: Lượng phù sa, bùn cát từ thượng nguồn sông Mê kông đổ về giảm mạnh. Điều này ngoài việc làm giảm độ phì của đất còn là nguyên nhân quan trọng dẫn đến sạt lở mạnh ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian vừa qua. Nền đất yếu, chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của chế độ bán nhật triều Biển Đông và tác động mạnh mẽ của sóng do ảnh hưởng của gió mùa Đông, Đông Bắc. Mật độ sông, rạch dày đặc với nhiều đoạn sông cong, nhiều ngã ba, ngã tư là những vị trí dễ bị sạt lở do dòng chảy đạp thẳng vào bờ. Xây dựng nhiều nhà ở, công trình hạ tầng quá gần bờ sông, bờ biển như đê, đường giao thông, bãi vật liệu xây dựng…, hoặc các công trình lấn chiếm lòng sông, kênh, rạch làm co hẹp, chuyển hướng dòng chảy, từ đó làm gia tăng nguy cơ sạt lở bờ…. Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển có xu thế ngày càng dâng cao. Trong 20 năm qua trung bình nước biển dâng cao từ 2 đến 3 mm/năm. Tuy nhiên, đáng lo ngại là tình trạng khai thác nước ngầm quá mức để lấy nước sinh hoạt, nuôi trồng thủy sản làm đất bị lún dần. Nghiên cứu gần đây của Viện địa chất Na Uy đã chỉ ra rằng mặt đất ở Đồng bằng sông Cửu Long bị lún trung bình 3 cm/năm trong 30 năm qua.
Để ứng phó với các tác động bất lợi do thiên tai gây ra như sạt lở bờ sông, ảnh hưởng hạn hán và xâm nhập mặn, trong điều kiện ngân sách của tỉnh còn nhiều khó khăn. Do đó, để đạt mục tiêu dự án và phát huy tối đa hiệu quả đầu tư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Tiền Giang đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư xem xét, đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư hỗ trợ bổ sung vốn từ nguồn ngân sách Trung ương cho tỉnh Tiền Giang đầu tư 7 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp với tổng kinh phí 1.748.000 triệu đồng để tạo điều kiện ứng phó tốt hơn với tình trạng xói lở bờ sông, bờ biển và xâm nhập mặn tiếp tục diễn ra trên địa bàn tỉnh.