Xây dựng nông thôn mới, khởi đầu của một hành trình không hồi kết
Ngày 04/6/2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 800/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010-2020; đồng thời, phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” để tuyên truyền, vận động, huy động các cấp, các ngành, các thành phần trong xã hội và nhân dân cả nước chung tay, góp sức xây dựng nông thôn mới. Cùng với đó, khuôn khổ pháp luật từng bước được hoàn thiện với nhiều cơ chế, chính sách quan trọng tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.
Ngày 13/7/2011 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TU ngày 13/7/2011 về công tác lãnh đạo xây dựng nông thôn mới đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Tiền Giang; để lãnh đạo, thực hiện tốt Nghị quyết của Tỉnh, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã cụ thể hóa bằng Chương trình hành động số 23-CTr/HU ngày 17/10/2011; đồng thời, ban hành Nghị quyết số 101-NQ/HU ngày 11/6/2013 về lãnh đạo xây dựng xã nông thôn mới đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 với quan điểm xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, trong đó nội lực của cộng đồng và dân cư địa phương là chính; chỉ đạo Đảng bộ các xã xây dựng nghị quyết, kế hoạch, phát huy vai trò của Mặt trận tổ quốc và các tổ chức đoàn thể trong công tác phối hợp với chính quyền, các xã hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới.
Trong tiến trình xây dựng nông thôn mới, luôn luôn thay đổi không ngừng về nội dung, phương thức lãnh đạo, cũng như cách thức thực hiện, đáp ứng với yêu cầu và từng giai đoạn phát triển của địa phương. Nhận thức rõ điều này, để tiếp tục duy trì động lực và nâng cao hơn nữa hiệu quả phong trào “Chung sức xây dựng nông thôn mới. Thực hiện Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới thay thế Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện ban hành Nghị quyết 96-NQ/HU ngày 08/10/2018 lãnh đạo thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện giai đoạn 2018 - 2020 (thay thế Nghị quyết số 101-NQ/HU ngày 11/6/2013), phấn đấu xây dựng huyện đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2020 với các quan điểm và mục tiêu cụ thể, khẳng định việc xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của toàn Đảng bộ và nhân dân huyện Gò Công Đông, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, là cuộc vận động lớn, toàn diện trên tất cả các lĩnh vực với sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân. Các hoạt động cụ thể do chính cộng đồng người dân bàn bạc dân chủ, công khai và đồng thuận để quyết định trên cơ sở các quy định của Đảng, Nhà nước, có sự tư vấn của các cơ quan, cán bộ chuyên môn. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tổ chức tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, hỗ trợ kỹ thuật, nguồn lực,… để người dân thực hiện vai trò chủ thể thông qua cộng đồng, thực hiện theo phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân giám sát”.
Qua gần 10 năm (2011-2020) thực hiện Chương trình, cùng với sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng và tham gia tích cực của các tầng lớp nhân dân, với cách làm sáng tạo và phù hợp, chương trình xây dựng nông thôn mới của huyện đã tạo được nhiều kết quả quan trọng, bộ mặt nông thôn ngày càng thay đổi rõ rệt; kinh tế - xã hội ở nông thôn phát triển khá toàn diện; hình thức tổ chức sản xuất được đổi mới; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được tăng cường; chất lượng thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ các cấp, các ngành từng bước được nâng lên, đúc kết được nhiều bài học quan trọng trong lãnh đạo, chỉ đạo phát triển nông nghiệp, nông thôn và xây dựng nông thôn mới. Kết quả một số nội dung cơ bản như sau:
11/11 xã đạt chuẩn NTM, tại các xã được công nhận đạt NTM, kinh tế - xã hội phát triển, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao.
Hệ thống giao thông được quan tâm đầu tư nâng cấp từng bước hoàn thiện; các tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên ấp, giao thông nông thôn, đã và đang được đầu tư nâng cấp đạt chuẩn. Toàn huyện có 05 tuyến đường tỉnh đi qua với tổng chiều dài 50,03 km, đã được nhựa hóa; có 12 tuyến đường huyện với tổng chiều dài 89,567 km, 218 tuyến đường giao thông nông thôn với tổng chiều dài 139.073 m, đã được đầu tư với tổng kinh phí 115,17 tỷ đồng. Đồng thời, đầu tư 114 công trình thủy lợi với tổng kinh phí 45,7 tỷ đồng; xây dựng mới 03 Trạm y tế xã với tổng vốn đầu tư 16,5 tỷ đồng; 22 trường học được xây dựng theo hướng đạt chuẩn quốc gia.
Cơ sở vật chất phục vụ nhu cầu sử dụng điện từng bước được nâng cấp, đến nay, toàn huyện có 283,767 km lưới điện trung thế (trong đó: 3 pha: 82,624 km; 1 pha: 201,143 km), Tổng dung lượng trạm: 44.338 KVA; Lưới điện hạ thế: 421,364 km (trong đó: 3 pha: 34,823 km; 1 pha: 386,541 km). Tỷ lệ hộ sử dụng điện toàn huyện tăng từ 98% năm 2010 lên 100% năm 2019, trong đó, trong đó 99,09% hộ được sử dụng điện trực tiếp từ điện kế chính. Sản lượng điện thương phẩm trung bình năm đến nay đạt 105.387.075 kwh.
Công nghệ thông tin được phát triển mạnh mẽ, có 100% đài xã, thị trấn đạt chuẩn truyền thanh; 13/13 xã, thị trấn có Đài phát sóng FM không dây. Nâng cao chất lượng mạng viễn thông, mở rộng bán kính cung cấp dịch vụ internet về vùng nông thôn. Các cơ quan nhà nước từ huyện đến cơ sở ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện cải cách hành chính, sử dụng tốt văn phòng điện tử trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành
Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng từ 16 triệu đồng năm 2010 lên 31 triệu đồng năm 2015, năm 2019 đạt 55,77 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 10,94 năm 2011 xuống còn 7,14 % năm 2015, năm 2019 giảm còn dưới2,77%; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên tăng từ 85,4% năm 2010 lên 94,2% năm 2019....
Toàn huyện có 28/44 trường được công nhận tiêu chuẩn chất lượng giáo dục (mức 1: 26 trường; mức 2: 01 trường; mức 3: 01 trường). Có 21/44 trường đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 47,7% (mầm non: 04 trường, tiểu học: 13 trường, trung học cơ sở: 04 trường) tăng 14 trường so với năm học 2010. Tất cả các xã - thị trấn trên địa bàn huyện đều đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS, chuẩn xóa mù chữ; có trên 80% tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THCS được tiếp tục học trung học (phổ thông, bổ túc, học nghề).
Cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực của hệ thống y tế cơ sở được tăng cường đầu tư, nhất là các xã bãi ngang, ven biển; công tác giám sát dịch tễ được chủ động triển khai và không để dịch lớn xảy ra. Các hoạt động thuộc chương trình y tế quốc gia, về sức khỏe môi trường, y tế học đường, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em … được triển khai thực hiện có hiệu quả; công tác khám chữa bệnh bảo hiểm y tế được triển khai đến tuyến xã. Từ đó, nâng tỷ lệ trạm y tế xã có bác sĩ lên 100%, tỷ lệ trạm y tế xã có nữ hộ sinh hoặc y sĩ sản nhi đạt 100%, tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 93,5%… đã góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe cho người dân vùng nông thôn.
Qua 10 năm cấp ủy, chính quyền và nhân nhân huyện Gò Công Đông cùng chung tay xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Gò Công Đông vui mừng, phấn khởi long trọng tổ chức lễ công bố Quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Gò Công Đông đạt chuẩn nông thôn mới vào ngày 01/9/2020. Đó là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện nhà.
Bài học kinh nghiệm trong tiến trình xây dựng nông thôn mới.
Một là, ở đâu có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt cùng sự quyết tâm, sâu sát và tính gương mẫu của người đứng đầu trong chỉ đạo thực hiện Chương trình thì nơi đó đạt kết quả tốt trong xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu nông nghiệp.
Hai là, công tác tuyên truyền vận động phải thường xuyên, liên tục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân có ý nghĩa hết sức quan trọng, nhằm tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân và cụ thể hóa các nội dung xây dựng nông thôn mới một cách có hiệu quả. Khơi dậy sức mạnh cộng đồng (doanh nghiệp, hợp tác xã, người dân) và vai trò chủ thể của người dân là yếu tố then chốt để thực hiện hiệu quả, bền vững Chương trình gắn với tái cơ cấu nông nghiệp. Xây dựng nông thôn mới cần khởi đầu từ từng con người đến gia đình, tạo nền tảng vững chắc để tiến lên xây dựng xã, huyện nông thôn mới. Phải tạo phong trào thi đua, tạo sự cạnh tranh thực sự, thường xuyên, liên tục trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng nông thôn, nuôi dưỡng ngọn lửa nông thôn mới (nông thôn mới có điểm bắt đầu, nhưng không có điểm kết thúc).
Ba là, sự hỗ trợ của Nhà nước là yếu tố đầu vào, tạo nền tảng (xây dựng cơ sở hạ tầng, hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thị trường,…), tạo động lực cho người dân tham gia xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, từ đó khơi dậy tinh thần cộng đồng, sự chung tay góp sức của người dân.
Bốn là, nông thôn mới, tái cơ cấu nông nghiệp, giảm nghèo bền vững có mối quan hệ tác động qua lại sâu rộng với nhau, cùng phát triển, trong đó giải quyết 3 vấn đề mấu chốt ở nông thôn là nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, tạo việc làm, ổn định an ninh trật tự xã hội.
Năm là, trong quá trình thực hiện chương trình, tiêu chí nào dễ làm trước, khó làm sau, xếp thứ tự ưu tiên, tạo sự đột phá trong thực hiện chương trình. Xây dựng kết cấu hạ tầng phải đảm bảo về chất lượng, tránh hình thức và chạy theo thành tích.
Để tiếp tục xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, cần tập trung thực hiện một số giải pháp:
Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo các cấp. Nâng cao vai trò, trách nhiệm cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong triển khai thực hiện Chương trình; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, điều hành và thực hiện Chương trình.
Tiếp tục thực hiện công tác truyền thông, thông tin tuyên truyền sâu rộng và vận động toàn xã hội tham gia xây dựng NTM.
Tập trung xây dựng, nâng cấp các công trình ở xã, ấp trực tiếp gắn với phát triển sản xuất và đời sống hằng ngày của người dân, phù hợp với quy hoạch xây dựng xã NTM (như công trình thủy lợi, giao thông, điện, nước sạch, môi trường, trường học, trạm y tế...). Phân bổ vốn thực hiện Chương trình cho các công trình, dự án bảo đảm hợp lý, khoa học và có hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí.
Thực hiện hiệu quả Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP), cần xác định đây là Chương trình nòng cốt trong việc góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản xuất; chú trọng các chính sách về giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất…
Huy động, tận dụng tối đa và đa dạng hóa các nguồn lực để thực hiện Chương trình, chủ động áp dụng linh hoạt cơ chế chính sách huy động vốn cho phù hợp.
Đẩy mạnh phát triển ngành nghề và đưa các ngành công nghiệp sử dụng nhiều lao động về nông thôn để tạo việc làm ổn định, lâu dài cho lao động nông thôn; đồng thời, nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp để thực hiện giảm nhanh tỷ lệ lao động trong nông nghiệp.
Tiếp tục nâng cao chất lượng, phát huy vai trò của tổ chức Đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong xây dựng NTM; cải thiện và nâng cao chất lượng các dịch vụ hành chính công; bảo đảm và tăng cưòng khả năng tiếp cận pháp luật cho người dân; bảo đảm bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình; bảo vệ và hỗ trợ những người dễ bị tổn thương trong gia đình và các lĩnh vực của đời sống xã hội; xây dựng kế hoạch hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý điều hành ở cấp xã.
Đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả phong trào “Toàn dân bảo vệ ANTQ trong tình hình mới”; nêu cao tinh thần cảnh giác, tự giác, tích cực tham gia phòng ngừa, phát hiện, tố giác tội phạm; xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, nhất là tại các xã vùng trọng điểm (biên giới biển) bảo đảm giữ vững chủ quyền quốc gia.
Phát huy lợi thế, tiềm năng của một huyện biển, kinh nghiệm trong thòi gian qua, cùng giải pháp trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền cùng nhân dân huyện Gò Công đông quyết tâm phấn đấu xây dựng đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao vào năm 2025.