Năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, rủi ro. Lạm phát ở mức cao, chính sách tiền tệ, giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu thế giới biến động mạnh. Các thách thức an ninh phi truyền thống, an ninh năng lượng, an ninh lương thực, thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan… diễn biến bất thường. Trong nước, tình hình kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, tăng trưởng kinh tế, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi. Năm 2025 là năm cuối thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Kế thừa, phát huy những kết quả đã đạt được, vượt qua khó khăn, thách thức, tạo thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội các năm tiếp theo. Trên cơ sở tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm 2024, các sở, ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã đánh giá và ước kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 trên tất cả các ngành, lĩnh vực được phân công phụ trách, quản lý. Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chỉ thị (CT 06/CT-UBND, ngày 28/6/2024) về xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025, theo đó tập trung vào các nội dung chủ yếu sau:
(1) Bối cảnh xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Nhận định, phân tích những cơ hội, thuận lợi, thách thức, rủi ro của bối cảnh trong nước, khu vực và quốc tế tác động đến việc xây dựng và thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội; tình hình lạm phát, điều chỉnh chính sách của các nền kinh tế lớn, biến động giá cả hàng hóa, nguyên vật liệu, xu hướng dịch chuyển dòng vốn, chuỗi cung ứng toàn cầu, các xu hướng chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các vấn đề an ninh phi truyền thống… tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội. (2) Xác định mục tiêu tổng quát của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. (3) Các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu phù hợp với tình hình thực tiễn, gắn với khả năng thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025. Đối với các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã, căn cứ tình hình thực tế xây dựng các mục tiêu, chỉ tiêu chủ yếu của ngành, lĩnh vực và địa phương phù hợp tình hình, đảm bảo mục tiêu chung của tỉnh. (4) Các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu: Các sở, ban, ngành tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã nghiên cứu, đề xuất các định hướng, nhiệm vụ chủ yếu của năm 2025 bảo đảm thống nhất với nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của tỉnh, mục tiêu tổng quát, mục tiêu chủ yếu của năm 2025, đồng thời phải phù hợp với điều kiện thực tiễn và trình độ phát triển của từng ngành, từng địa phương; trong đó tập trung:
- Bám sát, cụ thể hóa các mục tiêu, 03 khâu đột phá và 07 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
- Tiếp tục thúc đẩy tăng trưởng nhanh, ổn định, bền vững các ngành, lĩnh vực trên cơ sở cùng với cả nước thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; thúc đẩy sản xuất kinh doanh; huy động và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh...
- Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành, lĩnh vực gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, tăng cường sức chống chịu của các ngành, thành phần kinh tế. Tiếp tục triển khai thực hiện theo lộ trình các đề án tái cơ cấu, phát triển nông nghiệp, công nghiệp của tỉnh. Đẩy mạnh phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các mô hình kinh doanh mới, hiệu quả. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là các công trình hạ tầng giao thông trọng điểm, quan trọng của tỉnh, có tính liên vùng, hạ tầng đô thị, cảng biển. Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận số 72-KL/TW ngày 23/02/2024 của Bộ Chính trị về huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực, ưu tiên ngân sách cho phát triển hạ tầng; đẩy mạnh phát triển các dự án kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư. Tiếp tục phát triển hạ tầng năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng thương mại điện tử, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn, ứng phó với biến đổi khí hậu… Phát triển dịch vụ du lịch với sản phẩm du lịch chất lượng cao, có thương hiệu. Phát triển kinh tế biển, khu công nghiệp, khu đô thị ven biển.
- Đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo; tiếp tục triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018; nâng cao chất lượng giáo dục đại học; đào tạo nghề; phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, khắc phục tình trạng thiếu giáo viên; tăng cường cơ sở vật chất bảo đảm chất lượng các hoạt động giáo dục và đào tạo; đẩy mạnh xây dựng xã hội học tập; bảo đảm công bằng, bình đẳng trong cơ hội tiếp cận giáo dục của người dân; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục, đào tạo. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, chú trọng đào tạo nhân lực các ngành, lĩnh vực trọng điểm, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tri thức, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật, công nghệ và các ngành mới như trí tuệ nhân tạo, khoa học dữ liệu, chíp bán dẫn,... có tiềm năng, tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành, thành phần kinh tế.
- Tiếp tục hoàn thiện, xây dựng bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đẩy mạnh chuyển đổi số. Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi cấp dưới gắn với trách nhiệm người đứng đầu, tăng cường giám sát, kiểm tra. Khắc phục tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức. Đẩy mạnh hơn nữa công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, lợi ích nhóm; siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính. Thực hiện nghiêm Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
- Phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tập trung nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của Nhân dân. Phát huy giá trị văn hóa và con người Việt Nam trở thành nguồn lực, động lực quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Tích cực triển khai Nghị quyết số 42-NQ/TW ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chính sách xã hội. Thực hiện có hiệu quả chính sách hỗ trợ người dân, người lao động mất việc làm và doanh nghiệp gặp khó khăn. Thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, phúc lợi xã hội, giảm nghèo bền vững, chính sách an sinh xã hội, chăm sóc trẻ em, bình đẳng giới, chính sách tôn giáo; đẩy mạnh việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.
- Tập trung phát triển lĩnh vực văn hóa. Xây dựng môi trường lành mạnh. Triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Nâng cao chất lượng các loại hình văn hóa, văn học nghệ thuật; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo hướng trọng tâm, trọng điểm gắn với phát triển du lịch. Đẩy mạnh việc phát triển du lịch gắn với các đô thị, khu sinh thái, du lịch văn hóa, cộng đồng. Triển khai hệ giá trị quốc gia văn hóa, gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới. Đẩy mạnh phát triển thể thao quần chúng, tập trung phát triển thể thao chuyên nghiệp, thể thao thành tích cao.
- Tăng cường phòng chống thiên tai, chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước, giảm thiểu tác động tiêu cực của hạn hán, xâm nhập mặn. Chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp. Tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường; thực hiện mục tiêu phát triển bền vững; tiếp tục thực hiện việc lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và phát triển kinh tế - xã hội theo Thông tư số 10/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Củng cố, tăng cường tiềm lực quốc phòng, an ninh; đảm bảo giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, an ninh quốc gia, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực, chủ động triển khai đồng bộ, toàn diện các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm tổ chức thực hiện tốt các nội dung Chỉ thị này.