Các tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến được các ngành chức năng tập trung triển khai thực hiện, đặc biệt là kỹ thuật chăm sóc cây ăn trái sau hạn, mặn,... được nông dân tiếp thu và ứng dụng vào sản xuất. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước về áp dụng quy trình thực hành sản xuất tốt trong nông nghiệp, thủy sản; chính sách hỗ trợ diện tích chuyển đổi từ lúa sang trồng cây màu và chính sách hỗ trợ cho nông dân trong công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi,… đã giúp cho nông dân phát triển sản xuất ổn định.
Cơ sở hạ tầng nông thôn như giao thông, thủy lợi, đê bao ngăn mặn phát triển mạnh, đáp ứng thiết thực cho nhu cầu sản xuất, sinh hoạt giao lưu hàng hóa ở nông thôn. Các công trình như trường học, trụ sở cơ quan, bệnh viện, trạm xá và các công trình phúc lợi khác được đầu tư nhằm nâng cao sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí trong hội viên nông dân huyện nhà, từng bước đáp ứng nhu cầu xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao ở nông thôn.
Việc triển khai thực hiện tốt Nghị quyết 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Khóa X) về nông nghiệp, nông dân và nông thôn mà nay là Nghị quyết 19-NQ/TW, ngày 16/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các chủ trương chính sách về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành triển khai thực hiện đồng bộ đã đạt được những kết quả tích cực, đời sống vật chất tinh thần của đại bộ phận nông dân được nâng lên rõ rệt. Nhiều phong trào thi đua yêu nước trong nông dân được khơi dậy, nổi bật là phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Đặc biệt, từ năm 2011 đến nay, phong trào đã được Ủy ban nhân nhân tỉnh nâng lên thành chuyên đề thi đua “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi” đã thu hút hàng chục ngàn nông dân huyện nhà đăng ký tham gia.
Phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi trên địa bàn huyện ngày càng đi vào chiều sâu và xuất hiện ngày càng nhiều cá nhân làm kinh tế giỏi không những năng động, mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế, làm giàu cho bản thân mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động khác ở địa phương. Đây chính là cơ sở, nền tảng để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần giảm hộ nghèo, tăng hộ khá, tạo thêm việc làm ở nông thôn.
Kết quả từ khi phát động phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giai đoạn (2017 - 2022) có 160.653 lượt hộ nông dân đăng ký thực hiện phong trào, bình quân hàng năm chiếm từ 55 đến 65% so hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký. Căn cứ tiêu chuẩn danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi từng cấp, cơ sở đã tiến hành bình chọn hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi các cấp đảm bảo dân chủ, khách quan, được sự đồng tình của tập thể nông dân và được sự nhất trí cao của cấp ủy Đảng, chính quyền xã, ấp. Kết quả qua bình xét có 94.906 lượt hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, chiếm 59,07% so hộ đăng ký các cấp. Các hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi đã hướng dẫn cho nhiều nông dân cách làm ăn, hàng năm giúp đỡ vốn, cây, con giống có giá trị hàng trăm triệu đồng, tạo việc làm tại địa phương, giúp đỡ trên 235 hộ hội viên nông dân nghèo khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống. Phong trào đã góp phần tích cực trong công tác giảm nghèo huyện nhà: so với năm 2016 từ 4,1% đến cuối năm 2023 đã giảm xuống 1.36% hộ nghèo.
Nhìn chung, Phong trào thi đua nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi không những mang lại đời sống vật chất ngày càng cao, mà còn giúp nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, sẵn sàng chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm, giúp đỡ những hộ khó khăn vươn lên, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất một cách có hiệu quả, sản xuất gắn với bảo vệ môi trường theo hướng phát triển bền vững, góp phần làm giàu cho bản thân, cho gia đình, cho cộng đồng, cho quê hương đất nước, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hoá, đảm bảo trật tự an toàn xã hội ở khu dân cư, tạo động lực xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp, giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hoá theo hướng “nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh”.