Tỉnh Tiền Giang triển khai các giải pháp nâng cao năng lực quản lý, ưu tiên biện pháp phòng ngừa ô nhiễm và suy thoái môi trường; kịp thời phát hiện, chỉ đạo giải quyết các vấn đề bức xúc, điểm nóng về môi trường, đảm bảo hài hòa giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; từng bước chuyển từ bị động ứng phó sang chủ động phòng ngừa, kiểm soát, phục hồi; công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học tiếp tục được đẩy mạnh, diện tích và độ che phủ rừng không ngừng tăng lên. Các nguồn lực tài nguyên được quy hoạch, quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững hơn.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, cơ quan tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
1. Lãnh đạo, chỉ đạo triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện có hiệu quả Kết luận 81-KL/TW, ngày 04/6/2024 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW, ngày 03/6/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Kết luận 56-KL/TW ngày 23/8/2019 của Bộ Chính trị khóa XII về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Chương trình hành động 44-CTr/TU, ngày 30/8/2013 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa IX thực hiện Nghị quyết 24-NQ/TW; Nghị quyết 18-NQ/TU ngày 07/7/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tiếp tục lãnh đạo thực hiện công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh.
2. Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường vừa là mục tiêu, vừa là một trong những nội dung cơ bản của phát triển bền vững cần phải được lồng ghép trong hoạch định chính sách, trong quy hoạch, kế hoạch, dự án phát triển kinh tế - xã hội của từng địa phương, từng ngành và từng lĩnh vực.
3. Tập trung triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
4. Nâng cao năng lực dự báo, ứng phó với thiên tai, khả năng phòng, chống thiên tai của từng địa phương. Thường xuyên kiểm tra, rà soát, kịp thời hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi các vùng có nguy cơ cao xảy ra bão, lốc xoáy, sạt lở và các nguy cơ thiên tai khác.
5. Thực hiện tốt việc kiểm kê, phân bổ, khai thác, sử dụng tài nguyên nước theo hướng hạn chế khai thác nước dưới lòng đất; có kế hoạch cải tạo, nâng cấp cơ sở hạ tầng các công trình, hệ thống sử dụng nước để đảm bảo việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân, nhất là các hộ dân ở vùng sâu, không ở tập trung.
6. Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giám sát chặt chẽ các cơ sở có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao, có quy mô xả thải lớn; yêu cầu thực hiện nghiêm quy định về lắp đặt hệ thống quan trắc tự động, kết nối, truyền số liệu trực tiếp cho cơ quan quản lý môi trường. Kiểm soát, ngăn chặn, xử lý ô nhiễm môi trường nông thôn, đặc biệt ở các làng nghề; thực hiện nghiêm các tiêu chí môi trường trong Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới. Thiết lập hệ thống thu gom, xử lý chất thải đồng bộ; kiểm soát và quản lý hiệu quả chất thải nguy hại, chất thải y tế. Thực hiện các chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xử lý chất thải rắn, nước thải; đẩy mạnh xã hội hóa công tác thu gom, xử lý chất thải.
7. Kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về xả thải gây ô nhiễm môi trường, về thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước, tài nguyên cát lòng sông. Nâng cao chất lượng hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác, vận chuyển, kinh doanh cát trái phép.