“Đền ơn, đáp nghĩa”: Truyền thống nhân văn, bác ái, nghĩa tình của dân tộc

Thứ tư - 24/07/2024 21:09
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn đồng bào cả nước: “… Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, lợi ích của đồng bào mà các đồng chí đó bị ốm yếu…”, “…Vì vậy, Tổ quốc và đồng bào phải biết ơn, phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy”. Khắc ghi lời căn dặn của Bác, cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng luôn quan tâm, chăm lo thật tốt cho các đối tượng chính sách.
Đ/c Võ Văn Bình, Phó Bí thư TTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Cái Bè (Ảnh: Tư liệu)
Đ/c Võ Văn Bình, Phó Bí thư TTTU, Chủ tịch HĐND tỉnh đến thăm, tặng quà gia đình chính sách tại huyện Cái Bè (Ảnh: Tư liệu)
Là người lãnh đạo Đảng, lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấu hiểu và đánh giá cao những hy sinh mất mát của các thương binh, liệt sĩ và thân nhân gia đình thương binh, liệt sĩ trong cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngay từ năm 1946, giữa bộn bề công việc của những ngày tháng chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn dành tình cảm cho thương binh, liệt sĩ. Người đã từng nhắc nhở: “… Ăn quả phải nhớ người trồng cây, trong cuộc sống tưng bừng vui vẻ chúng ta phải nhớ những anh hùng liệt sĩ của Đảng ta, của dân ta…. máu đào của các liệt sĩ đã làm cho lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh dũng cảm của các liệt sĩ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết trái tự do”. Dù đất nước còn muôn vàn khó khăn trong những ngày đầu mới giải phóng, thống nhất, hay khi cả nước tiến hành công cuộc đổi mới, nhưng tinh thần ấy, ý chí ấy, tình cảm ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm thực hiện đúng như mục tiêu đề ra ban đầu. Gần nửa thế kỷ trôi qua, dù trải qua nhiều bước thăng trầm, nhưng các ngành, các cấp và toàn xã hội luôn dấy lên phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” với nhiều việc làm thiết thực, đầy tình nghĩa trong chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng, thể hiện truyền thống “hiếu nghĩa bác ái”, lòng quý trọng và biết ơn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đối với những người đã vì nền độc lập, tự do, thống nhất đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân mà hy sinh, cống hiến.

Trong suốt chiều dài cuộc chiến tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, đặc biệt trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, hàng triệu chiến sĩ, đồng bào ta đã bị thương, hàng triệu người đã vĩnh viễn ra đi. Nhiều gia đình cùng một lúc phải mất đi nhiều người thân. Nhiều người đã cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp cách mạng, cho công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Nhiều người vợ trẻ hưởng hạnh phúc vợ chồng chưa trọn một ngày, rồi góa bụa cả đời. Sự hy sinh, những thiệt thòi, mất mát to lớn ấy của những người còn sống khi người thân mất đi là không gì đo đếm được. Nhưng cũng chính bằng lòng tiếc thương vô hạn ấy, người sống tự nhủ với lòng: “Hãy sống sao cho xứng với người đã khuất”. Việc chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công là nghĩa vụ, là trách nhiệm và niềm vinh dự của các cấp, các ngành, các tổ chức xã hội và của mọi người, của thế hệ hôm nay và các thế hệ mai sau.
12
Đ/c Châu Thị Mỹ Phương, UVTV, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn, cùng lãnh đạo các sở, ngành đến thăm và tặng quà gia đình chính sách tại xã Điềm Hy, huyện Châu Thành.
Ở Tiền Giang, trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cũng đã chịu đựng nhiều đau thương mất mát, sự hy sinh của biết bao Anh hùng liệt sĩ là vô bờ bến. Theo Sở Lao động - Thương binh và xã hội tỉnh, toàn tỉnh có 132.000 đối tượng người có công với cách mạng, trong đó đối tượng đang hưởng trợ cấp ưu đãi hằng tháng tính đến thời điểm này còn 15.780 đối tượng, gồm: 35.550 liệt sĩ (hiện thân nhân đang hưởng hằng tháng là 3.452 đối tượng), 5.996 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (còn sống 107 Mẹ), 11.662 thương binh (còn sống 4.937), 2.442 bệnh binh (còn sống 1.092), 969 cán bộ lão thành cách mạng, 515 cán bộ tiền khởi nghĩa (còn sống 1), 2.397 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt, tù đày (còn sống 958), 2.052 người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của họ (còn sống 1.298)… Người có công với cách mạng còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trợ cấp một lần hoặc trợ cấp hằng tháng, chế độ bảo hiểm y tế, phương tiện trợ giúp, chỉnh hình; điều dưỡng phục hồi sức khỏe; được ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, vay vốn sản xuất, miễn giảm thuế; hỗ trợ cải thiện nhà ở... Hiện nay, hộ gia đình người có công với cách mạng có mức sống bằng và cao hơn mức sống trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Bên cạnh chăm sóc, tri ân những người đang sống, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ, xây dựng, tu bổ nghĩa trang, công trình tưởng niệm liệt sĩ cũng được chú trọng. Nhiều công trình ghi công liệt sĩ trở thành công trình văn hóa, có giá trị về mỹ thuật, giáo dục truyền thống. Đặc biệt, công tác tìm kiếm, quy tập và xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin đạt kết quả ngày càng nhiều hơn. Bằng phương pháp thực chứng, phương pháp giám định ADN đã quy tập, lấy mẫu hài cốt liệt sĩ, sinh phẩm thân nhân liệt sĩ bổ sung thông tin, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ, bàn giao hài cốt cho thân nhân liệt sĩ. Những việc làm cụ thể này góp phần làm vơi đi nỗi đau của bao gia đình, bao người cha, người mẹ, người vợ, người anh, người chị ngày đêm chờ đợi người thân...

Với tinh thần uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, những tình cảm, hoạt động chăm sóc người có công của tỉnh nhà ngày càng phát triển, có sức lan tỏa sâu rộng và được cộng đồng xã hội hưởng ứng với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và thiết thực. Các chương trình: Nhà tình nghĩa; Quỹ “Đền ơn, đáp nghĩa”; sổ tiết kiệm tình nghĩa; chăm sóc thương binh nặng, chăm sóc cha, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi; phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng... đã và đang được các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân ủng hộ mạnh mẽ. Theo đó, có hàng trăm căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng được các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng, nâng cấp, sửa chữa, gia cố mỗi năm; hàng trăm sổ tiết kiệm tình nghĩa cho Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công được trao tặng, công ăn việc làm cho con thương binh, liệt sĩ được kiến tạo. Những kết quả đạt được của phong trào “Đền ơn, đáp nghĩa” góp phần tô đậm thêm nét đẹp văn hóa của người Việt Nam, làm giàu thêm truyền thống nhân văn, bác ái, nghĩa tình của dân tộc. Đó là biểu tượng của trách nhiệm, của nghĩa tình. Gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” cao đẹp của dân tộc luôn được thắp lên, tiếp nối và ngày càng lan tỏa, thấm sâu trong cộng đồng xã hội.

Huy Lê

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập278
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm224
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,662,965
  • Tổng lượt truy cập40,032,341
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây