Qua thực tế hoạt động, các cấp Hội phụ nữ trong tỉnh đã thành lập được 45 tồ, nhóm “Phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em” thu hút 1.240 thành viên tham gia; 24 tổ, nhóm “Phụ nữ sẵn sàng lên tiếng phòng, chống xâm hại và bảo vệ trẻ em” với gần 500 thành viên; gần 100 nhóm: “Giúp phụ nữ đơn thân vượt lên thoát nghèo”, “Chăm sóc sức khỏe y tế cho phụ nữ yếu thế”, “Phụ nữ cho con học bơi”, “Cha mẹ trong vai trò chăm sóc và phát triển trẻ thơ”… với gần 3.500 thành viên. Các tổ, nhóm phụ nữ trong tỉnh tích cực triển khai nhiều hoạt động thông tin, truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, chăm sóc và bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Từ đó, tác động tích cực, mạnh mẽ tới việc nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi chính đáng của trẻ em và phụ nữ khi có những vụ việc liên quan đến xâm hại và bạo lực gia đình, phụ nữ, trẻ em…Cụ thể: Mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình”; “Phòng, chống đuối nước trẻ em” và “Phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em” đã hỗ trợ và tư vấn pháp lý, bảo vệ cho trên 2.100 trường hợp bị bạo lực gia đình.
Mô hỉnh “Phòng, chống đuối nước trẻ em” đã tổ chức được mạng lưới 58 tổ, nhóm ở khắp cơ sở thu hút trên 2.000 thành viên, 172 câu lạc bộ “Phụ nữ với an toàn giao thông” với trên 4.800 thành viên khắp 100% số xã, phường, thị trấn trong tỉnh đang chủ động trong việc tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của gia đình, xã hội, đặc biệt là cha mẹ, chị em phụ nữ đối với việc quản lý, giáo dục con em phòng, tránh đuối nước, đảm bảo an toàn giao thông khi tham gia giao thông, biết cách sơ cấp cứu đuối nước tại hộ gia đình hoặc cộng đồng khi không may có trường hợp trẻ bị đuối nước.
Đặc biệt, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh còn xây dựng được 200 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” thu hút gần 5.700 thành viên. Tham gia câu lạc bộ, chị em được cung cấp các kiến thức cần thiết về tổ chức cuộc sống gia đình, kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng ứng xử giữa các thành viên trong gia đình với cộng đồng, hướng nghiệp cho con, tuyên truyền về xây dựng và nhân rộng mô hình “5 không, 3 sạch” trong gia đình và cộng đồng, về phòng, chống tệ nạn xã hội, Luật Bình đẳng giới,…Từ các câu lạc bộ này, những kiến thức, kỹ năng và chính sách pháp luật về xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng giới, phòng, chống xâm hại phụ nữ và trẻ em…được phổ cập, cập nhật kịp thời trong chị em phụ nữ cũng như cộng đồng, góp phần chủ động bảo vệ phụ nữ và trẻ em, ngăn chận những vụ việc đáng tiếc có thể xãy ra.
Tại thành phố Mỹ Tho, Hội Liên hiệp phụ nữ đã tổ chức được 24 câu lạc bộ “Gia đình hạnh phúc” thu hút gần 1.100 thành viên, 6 Tổ phụ nữ phòng, chống xâm hại tình dục phụ nữ và trẻ em thu hút gần 100 thành viên; 10 Tổ phụ nữ phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em thu hút gần 160 thành viên; 2 Tổ phụ nữ phòng, chống đuối nước trẻ em với gần 50 thành viên tham gia. Thông qua mạng lưới các câu lạc bộ, tổ nhóm này, hàng năm toàn thành phố Mỹ Tho có trên 90% hội viên phụ nữ, 30% phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp những kiến thức cần thiết về phòng, chống xâm hại tình dục, bạo lực gia đình, bảo vệ phụ nữ và trẻ em, phòng, chống đuối nước,…
Tại huyện Tân Phước, Hội Liên hiệp phụ nữ xây dựng được mô hình “Nhóm cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ thơ” tại 100% số xã, thị trấn trong huyện, 27 Tổ địa chỉ tin cậy cộng đồng, 60 Tổ “Phụ nữ không cò người thân phạm tội và tệ nạn xã hội”, 13 Câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, …Đáng chú ý, các mô hình, câu lạc bộ này còn lồng ghép các nội dung truyền thông về phòng, chống bạo lực gia đình, phòng, chống xâm hại trẻ em…vào các nội dung trong Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, gắn với Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” trên địa bàn. Nhờ vậy, hiệu quả tuyên truyền tăng lên, góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ phụ nữ, trẻ em trong tình hình hiện nay đồng thời là chỗ dựa vững chắc của phụ nữ, trẻ em trong cuộc sống thường nhật.
Nhiều chương trình đang đi vào đời sống, có sức lan tỏa, thể hiện vai trò của Hội Liên hiệp phụ nữ đối với chị em và xã hội như chương trình “Mẹ đỡ đầu” do Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động, chương trình “Triệu phần quà chia sẻ thương yêu giúp phụ nữ, trẻ em bượt qua khó khăn, chiến thắng dịch bệnh, thiên tai”,… Qua đó, các cấp Hội trong tỉnh đã nhận đỡ đầu 285 trẻ mồ côi, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn đồng thời từ đầu năm đến nay còn tặng quà, nhu yếu phẩm, thuốc men,… hỗ trợ hàng ngàn chị em hội viên khó khăn, yếu thế, khuyết tật, trẻ em cơ nhỡ, có hoàn cảnh đặc biệt, tổng trị giá khoảng 1,2 tỷ đồng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Đặng Thị Ngọc Điệp chia sẻ, từ hiệu quả thực tế của các mô hình chăm sóc, bảo vệ trẻ em, trong thời gian tới, Hội tiếp tục nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay của các cấp Hội cơ sở, phấn đấu hàng năm hạn chế đến mức thấp nhất các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ, trẻ em xảy ra mà Hội không kịp thời lên tiếng.
Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh cũng đặt mục tiêu trong giai đoạn 2022 - 2027, có 160.000 phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, bạo lực giới, sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ 150 đối tượng phụ nữ thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm được tác động chuyển biến tích cực về hành vi,…