Quán triệt tinh thần Chỉ thị 24-CT/TW, ngày 04/7/2008 của Ban Bí thư, Thông tri 20-TT/TU, ngày 05/11/2008 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Phát triển về phát triển nền Đông y Việt Nam và Hội Đông y Việt Nam trong tình hình mới”, các cấp ủy đảng, chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện, các tổ chức chính trị - xã hội đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cùng với sự hưởng ứng của Nhân dân và tâm huyết của các hội viên Hội Đông y đã góp phần nâng cao nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của đông y đối với công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Đến nay, hệ thống khám chữa bệnh bằng đông y từ huyện đến cơ sơ từng bước được kiện toàn, đội ngũ cán bộ làm công tác y tế tăng về số lượng và chất lượng, góp phần đẩy mạnh vào công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn huyện. Khoa Y học cổ truyền thuộc Trung tâm Y tế huyện được thành lập và ngày càng được củng cố, phát triển, cơ sở vật chất được đầu tư, nâng cấp, phát huy vai trò trong chữa trị các bệnh mãn tính, phục hồi chức năng, đặc biệt là khám, điều trị các bệnh liên quan đến cơ, xương, khớp. Có 11/13 Trạm Y tế xã, thị trấn được bố trí biên chế phụ trách đông y để thực hiện công tác khám, chữa bệnh bằng phương pháp y học cổ truyền cho nhân dân. Hội Đông Y huyện có tổng số hội viên là 153, có 13/13 xã - thị trấn thành lập Hội cơ sở. Công tác tổ chức Hội luôn được củng cố và duy trì. Các hoạt động từ thiện, nhân đạo, khám bệnh và bốc thuốc miễn phí cho người nghèo và đối tượng chính sách được thực hiện thường xuyên.
Mạng lưới dịch vụ khám chữa bệnh bằng đông y được phát triển từ huyện đến cơ sở. Ở tuyến xã - thị trấn, thông qua việc xây dựng chuẩn quốc gia về y tế, các Trạm y tế đã xây dựng vườn thuốc nam và đưa hoạt động đông y vào nề nếp. Nhiều Trạm y tế được trang bị thuốc đông dược và phương tiện phục vụ công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền. Ở tuyến huyện, Trung tâm Y tế huyện có 01 Khoa Y học cổ truyền với quy mô 05 giường bệnh, 04 bác sĩ, 01 y sĩ chuyên khoa về đông y. Số lượng bệnh nhân khám và điều trị bằng y học cổ truyền kết hợp với y học hiện đại hàng năm đều đạt và vượt so với chỉ tiêu đề ra trong Quyết định 1893/QĐ-TTg, ngày 25/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ; trong đó tuyến huyện đạt tỷ lệ 35,6%, tuyến xã đạt tỷ lệ 43,15% (chỉ tiêu đến năm 2025 tuyến huyện đạt 25%, tuyến xã đạt 30%). Bên cạnh đó, mạng lưới dịch vụ đông y trong khối tư nhân không ngừng phát triển, toàn huyện hiện có 07 phòng chẩn trị y học cổ truyền, đã góp phần quan trọng vào công tác khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền trên địa bàn.
Tiếp tục thực hiện Quyết định 1976/QĐ-TTg, ngày 30/10/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển dược liệu đến năm 2020 định hướng đến năm 2030, các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở thường xuyên quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng quy hoạch, đầu tư các vườn thuốc nam do Trạm y tế xã, thị trấn quản lý. Đến nay, toàn huyện có 13/13 vườn thuốc mẫu tại Trạm y tế và 06 vườn thuốc mẫu của các Phòng chẩn trị trồng đủ 60 loại cây chia theo 9 nhóm bệnh đúng quy định Bộ Y tế. Ngoài ra, một số trường học trên địa bàn có vườn thuốc mẫu trồng trên 10 loại cây. Đa số cán bộ, hội viên Hội Đông y trồng từ 5 - 10 cây thuốc mẫu; các phòng chẩn trị y học cổ truyền thường xuyên thu hái, chế biến, sử dụng trên 60 vị thuốc nam phục vụ việc khám và điều trị cho bệnh nhân nghèo. Các cấp Hội thường xuyên tuyên truyền, giới thiệu cho nhân dân hiểu biết, sử dụng một số cây thuốc, bài thuốc nhằm bảo tồn và sử dụng các nguồn dược liệu sẵn có ở địa phương để chữa các bệnh thông thường tại gia đình. Qua đó, góp phần giữ gìn và phát huy nguồn dược liệu quý, những bài thuốc cổ truyền, phương pháp chữa bệnh hay bằng đông y, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả khám, chữa bệnh cho Nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hoạt động trong lĩnh vực đông y được chú trọng. Hàng năm, đội ngũ y, bác sĩ đông y, lương y, lương dược… tham gia các lớp bồi dưỡng, tập huấn kiến thức đông y do Tỉnh Hội phối hợp Sở Y tế tổ chức, góp phần nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, y đức, y thuật cho cán bộ, hội viên trong công tác chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân bằng y học cổ truyền.
Từ những kết quả nêu trên, Ban Thường vụ Huyện Gò Công Đông đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới:
Tăng cường lãnh đạo triển khai thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư (khóa X), Thông báo kết luận 154-TB/TW, ngày 20/02/2014 của Ban Bí thư (khóa XI) về 05 năm thực hiện Chỉ thị 24-CT/TW của Ban Bí thư về phát triển nền đông y Việt Nam và Hội Đông y trong tình hình mới. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, vị trí của nền đông y và Hội Đông y trong sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân; xác định rõ việc xây dựng, củng cố, phát triển đông y và Hội Đông y là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Thường xuyên quan tâm công tác giáo dục chính trị, tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, bác sĩ, y sĩ, lương y… gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW về “Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; chú trọng nâng cao đạo đức nghề nghiệp, y thuật, tinh thần trách nhiệm “lương y như từ mẫu” của cán bộ, hội viên, y bác sĩ đông y đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới.
Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về đông y, đông dược; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, hội viên ngành đông y và thực hiện chính sách thu hút đội ngũ bác sĩ, y sĩ đông y công tác tại Trung tâm y tế huyện; tạo điều kiện thuận lợi cho các loại hình y dược cổ truyền phát triển; khuyến khích các thầy thuốc cống hiến, phát huy những bài thuốc hay, cây thuốc quý, những kinh nghiệm phòng và chữa bệnh có hiệu quả; khuyến khích việc nghiên cứu, ứng dụng, kế thừa kết hợp đông y với tây y trong khám, chữa bệnh.
Khuyến khích các tổ chức và mọi người dân tham gia tích cực vào hoạt động phát triển nền đông y để nâng cao hiệu quả công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe Nhân dân ngay tại cộng đồng. Nâng cao chất lượng các phòng chẩn trị y học cổ truyền; vận động nhân dân trồng và sử dụng cây dược liệu tại gia đình để phòng, chữa bệnh; mở rộng các hình thức dịch vụ chăm sóc sức khỏe Nhân dân bằng đông y, nhất là người già neo đơn, người tàn tật.
Thường xuyên củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội Đông y từ huyện đến cơ sở và các phòng chẩn trị y học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe Nhân dân; phát huy vai trò các cấp Hội trong việc tham mưu và hỗ trợ ngành y tế phát triển lĩnh vực y học cổ truyền; theo dõi, quản lý hội viên thực hiện nghiêm túc Pháp lệnh hành nghề y dược tư nhân.