Ngày 30/11/2022, OpenAl - một công ty khởi nghiệp về trí tuệ nhân tạo có trụ sở tại San Francisco (Mỹ) đã chính thức cho người dùng đăng ký trải nghiệm miễn phí ChatGPT, một ứng dụng phần mềm được thiết kế để mô phỏng cuộc trò chuyện của con người. Đây là sự phát triển mới nhất của dòng Al tạo văn bản - GPT (GenerativePre-training Transformer).
GPT (GenerativePre-trainingTransformer) là một mạng lưới thần kinh Al (ANNs) được đào tạo trên khối lượng lớn văn bản trực tuyến để tạo ra các phản hồi tự nhiên, giống con người. Do đó, nó có thể trả lời các câu hỏi phức tạp, viết truyện cười, viết mã máy tính, viết bài luận cấp đại học, giải thích các khái niệm khoa học ở nhiều cấp độ...
Kể từ khi ra mắt vào tháng 11/2022, ChatGPT đã thu hút được sự chú ý của các nhà lãnh đạo doanh nghiệp. Công cụ chatbot tiên tiến này đã nhanh chóng đạt được 1 triệu người dùng chỉ sau 05 ngày phát hành, thần tốc hơn cả hai ứng dụng mạng xã hội hàng đầu là TikTok và Instagram.
Nhờ thành công của ChatGPT, một số công ty đã bắt đầu học cách tích hợp chatbot này với sản phẩm của họ. Kể từ đó, phạm vi tiếp cận của ChatGPT không ngừng tăng lên. Theo thống kê của ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ (UBS), tính đến ngày 31/01/2023, ChatGPT đã cán mốc con số 100 triệu người dùng, trở thành ứng dụng tiêu dùng phát triển nhanh nhất trong lịch sử. Trung bình mỗi ngày trong tháng 01, có 13 triệu người truy cập.
Theo các chuyên gia, sở dĩ ChatGPT “làm mưa làm gió” ngay khi xuất hiện bởi ChatGPT có khả năng thực hiện đối thoại với người lạ, trả lời câu hỏi, viết thơ, văn, kịch bản, bài luận... Bên cạnh đó, chatbot còn có thể giải thích nhiều câu hỏi phức tạp như người thật, hay giúp các lập trình viên tìm lỗi trong mã họ viết. Đặc biệt, ChatGPT có khả năng hiểu và sử dụng ngữ cảnh như con người qua việc tham gia vào các cuộc trò chuyện dài và khiến người dùng có cảm giác như đang thực sự nói chuyện với một người, chứ không phải với một cỗ máy...
Theo Samuel H. Altman, “cha đẻ” của ChatGPT, chatbot này hiện vẫn đang trong giai đoạn nghiên cứu, người dùng có thể đăng ký dùng thử miễn phí. Sau đó, họ sẽ phải trả tiền để sử dụng một số tính năng trên chatbot này. Tuy nhiên, ChatGPT chỉ có thể truy cập thông qua trang web của OpenAl và không có ứng dụng trên điện thoại. Vì vậy, người dùng cần lưu ý để không tải về các ứng dụng mạo danh có nguy cơ chứa phần mềm độc hại.
Theo các chuyên gia, ChatGPT là bước tiến của trí tuệ nhân tạo, góp phần thay đổi thế giới. Theo hướng tích cực, trí tuệ nhân tạo có thể giúp con người trả lời hầu hết câu hỏi trong một thời gian rất ngắn, nhưng câu trả lời là sự tổng hợp thông tin dựa vào dữ liệu có sẵn, do đó người dùng cần kiểm chứng, nhất là khi dữ liệu mang tính chất cá nhân. Nếu người dùng không thỏa mãn với câu trả lời, họ có thể chia sẻ các phản hồi, từ đó cập nhật dữ liệu cho ChatGPT. Tuy nhiên, ChatGPT cũng còn một số nhược điểm, hạn chế cần cân nhắc khi sử dụng như: ChatGPT có xu hướng tạo ra các nội dung văn bản nghe có vẻ hợp lý và có tính thuyết phục nhưng thực tế lại không chính xác hoặc vô nghĩa, chất lượng câu trả lời còn phụ thuộc nguồn dữ liệu đã được học; chưa cung cấp các nguồn tham chiếu của câu trả lời; chưa đáp ứng được tốt các câu hỏi yêu cầu chính xác và liên quan đến tương lai; mức độ cảm xúc, sáng tạo còn hạn chế...
Các chuyên gia cũng cảnh báo, ChatGPT có thể được sử dụng trong các hoạt động tội phạm trên không gian mạng. Việc sử dụng ChatGPT sẽ dẫn đến một số công việc bị ảnh hưởng như nghề viết quảng cáo, nhân viên tổng đài chăm sóc khách hàng... Sử dụng ChatGPT có thể làm giảm sự sáng tạo và khả năng tư duy của con người, ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình học tập. ChatGPT có thể tạo ra câu trả lời nhanh nhưng không giúp ích cho xây dựng các kỹ năng giải quyết vấn đề và tư duy phản biện. Vì vậy, một số trường học ở một số nước đã chặn sử dụng ChatGPT trên các thiết bị và mạng của trường. Một số hội thảo khoa học cũng đã yêu cầu không sử dụng các nội dung do ChatGPT tạo ra...
Trước những lo ngại về tính hai mặt của ChatGPT, Ủy viên phụ trách lĩnh vực công nghiệp của Liên minh châu Âu (EU), ông Thierry Breton cho biết, EU sẽ áp đặt các quy định mới liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI) nhằm giải quyết những lo ngại về rủi ro của công cụ chatbot nổi tiếng ChatGPT và bảo đảm người dùng ở châu Âu có thể tin tưởng công nghệ AL.
Như vây, có thể thấy, mặc dù ChatGPT đang khiến nhiều người trên thế giới kinh ngạc bởi sức mạnh của trí tuệ nhân tạo, nhưng chắc chắn là vẫn cần phải có thêm thời gian để đánh giá hết tác động của chatbot này tới cuộc sống.