Kể từ khi được chính thức thành lập, Phòng giao dịch NHCSXH huyện Chợ Gạo đã phối hợp chặt chẽ với các ban ngành, đoàn thể nhận ủy thác và đảm bảo việc giải ngân được tiến hành một cách nhanh chóng, đúng đối tượng thụ hưởng. Sau 20 năm thực hiện, hiện nay trên địa bàn huyện đang triển khai thực hiện cho vay 12 chương trình tín dụng với doanh số cho vay đạt 977 tỷ 270 triệu đồng với 68.192 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn (trong đó doanh số cho vay hộ nghèo 202 tỷ 474 triệu đồng, với 19.258 lượt hộ nghèo được vay vốn), doanh số cho vay bình quân mỗi năm là 48 tỷ 864 triệu đồng (3.410 lượt hộ).
Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng chính sách trong 20 năm qua đã giúp 10.097 hộ đã vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết cho 8.710 lao động có việc làm, hỗ trợ vốn vay cho 12.098 em học sinh, sinh viên được tiếp bước đến trường, trên 20.231 công trình nước sạch và vệ sinh được xây mới, cải tạo, nâng cấp, 1.070 hộ nghèo được cải tạo, xây mới nhà để ở, 09 căn nhà cho vay đối tượng nhà ở xã hội theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Với việc triển khai mô hình huy động tiền gửi tiết kiệm dân cư ngay tại điểm giao dịch xã là việc làm mới, thể hiện sự nỗ lực của NHCSXH trong việc huy động nguồn lực xã hội, vừa tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong việc tham gia gửi và rút tiền, đồng thời tạo nên sự chủ động về vốn để thực hiện tốt chính sách tín dụng ưu đãi.Đến nay toàn huyện có 19 Điểm giao dịch xã theo lịch cố định, đặt trong khuôn viên của UBND 19/19 xã, thị trấn. Trên 98% các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến tín dụng chính sách xã hội (thu nợ, thu lãi, cho vay, huy động vốn...) đều được thực hiện tại Điểm giao dịch xã.Toàn huyện có 298 Tổ Tiết kiệm và vay vốn đang hoạt động hiệu quả tại 131 ấp, khu phố, trực thuộc quản lý của 04 tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác với tổng số 10.419 thành viên.
Đồng chí Cao Tấn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo cho biết, thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, cấp ủy, chính quyền địa phương các cấp đã nhận thức rõ trách nhiệm đối với việc tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thường xuyên bám sát nội dung Chỉ thị 40-CT/TW trong chỉ đạo triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội tại cơ sở. Mặc dù điều kiện ngân sách còn khó khăn nhưng hàng năm UBND huyện ủy thác cho ngân hàng chính sách xã hội 500 triệu đồng, góp cùng các nguồn khác để giải quyết nhu cầu cho vay đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Những kết quả đạt được trong 20 năm qua đã khẳng định vai trò của tín dụng chính sách xã hội đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện, là công cụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài để Huyện ủy, HĐND, UBND huyện thực hiện thắng lợi các mục tiêu, kế hoạch về giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, phục hồi, phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh dịch COVID-19. Thành tựu đã đạt được của tín dụng chính sách có thể được đánh giá là “điểm sáng” và là một trong những “trụ cột” trong hệ thống các chính sách giảm nghèo của Việt Nam, khẳng định sự đúng đắn, hiệu quả trong việc duy trì và phát triển mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng với tính ưu việt và những đặc thù riêng có của NHCSXH khác với các tổ chức tín dụng tại địa phương.