Về nơi phố cổ Gò Công

Thứ sáu - 21/02/2014 02:58
Không đâu ở Nam bộ còn lưu dấu một đô thị cổ xinh đẹp và quyến rũ như thị xã Gò Công, Tiền Giang. Sức hấp dẫn của nó không chỉ ở tên gọi “làng Thành phố”, mà còn thể hiện đậm nét kiến trúc nghệ thuật đô thị cổ của vùng đất Gò Công xưa, có bản sắc riêng, không lầm lẫn với các đô thị khác ở Việt Nam, đó là sự kết hợp hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại, giữa dân tộc và quốc tế, cần được giữ gìn và bảo tồn.
Nhà Đốc phủ Hải ở thị xã Gò Công
Nhà Đốc phủ Hải ở thị xã Gò Công
Theo tư liệu lịch sử, tỉnh Gò Công trước đây có bốn mươi làng, thị xã Gò Công ngày nay, khi đó có tên gọi là làng Thành phố, gồm những khu phố chợ mua bán sầm uất. Đến đầu năm 1862, do sự phát triển nhanh chóng về đô thị tại hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi, chính quyền thuộc địa buộc phải thay đổi tên gọi của làng có tính chất đô thị, bằng cách nhập các làng các cấp trong địa hạt. Theo đó, hai làng Thuận Tắc và Thuận Ngãi được sáp nhập làm một và thành tên gọi là “làng Thành phố”. Làng Thành phố của Gò Công là làng Việt có dạng thành phố được đặt thành tên “làng Thành phố” duy nhất ở Nam bộ vào năm 1885.      

Gần hai thế kỷ trôi qua, làng Thành phố ngày xưa, bây giờ vẫn giữ vị thế trung tâm thương mại, trung chuyển hàng hóa quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng khu vực các tỉnh phía Đông Tiền Giang. Bây giờ có dịp trở lại làng Thành phố, dù ngỡ ngàng trước bao thay đổi của cảnh quan đô thị phát triển theo hướng hiện đại, tuy nhiên, sẽ không mất nhiều công sức để tìm lại dấu tích người xưa “như còn đâu đó”, thông qua các ngôi nhà cổ, lăng mộ, đền, đài của các bậc công thần, anh hùng dân tộc… trường tồn theo thời gian. Giám đốc Bảo tàng Tiền Giang Lê Ái Siêm cho biết, thị xã Gò Công hiện nay vẫn còn giữ được dáng cổ. Các du khách, người Việt xa xứ đều yêu thích Gò Công - vùng đất “địa linh nhân kiệt” đầy nét hấp dẫn và quyến rũ của làng Thành phố ngày xưa - nơi còn in đậm trong ký ức người dân Nam bộ hình bóng của nền văn minh phố thị nửa cuối thế kỷ XIX. Thật vậy, nhà thơ Hoàng Tố Nguyên (1929 -1975), quê xã Bình Ân (Gò Công Đông), tập kết ra Bắc năm 1954, nhớ về quê nhà, ông viết: “Quê tôi đó mặt trông ra biển. Đốm hải đăng tắt lóa đêm đêm. Con đê cát đỏ cỏ viền. Leng keng nhạc ngựa đường lên chợ Gò”. Còn nhà thơ La Quốc Tiến (hội viên Hội Văn học - Nghệ thuật Tiền Giang) cũng đã từng thể hiện sự tôn kính, khát khao của mình khi về nơi phố cổ, trở về với “nỗi niềm người xưa”, với “những nét hoa văn chạm gỗ”, mường tượng hình bóng những “công tử vương tôn” như còn đâu đó: “Ta về đây nơi dãy phố buồn thiu. Phảng phất nỗi niềm người xưa. Trong những nét hoa văn chạm gỗ. Hằn lên những nét vân tường đá. Những công tử vương tôn từng diễu qua đây - trên con đường này…”.

Phó Chủ tịch thị xã Gò Công Trần Văn Lâm cho biết: Do làng Thành phố ngày xưa, nội ô thị xã hôm nay là tỉnh lỵ, trung tâm hành chánh, kinh tế, văn hóa của tỉnh Gò Công, nên được quy hoạch khá hoàn chỉnh về một đô thị - trung tâm của tỉnh phù hợp với điều kiện thực tế và tâm lý của người Gò Công. Đó là việc quy hoạch các dãy phố thương mại, các khu dân cư, bệnh viện, trường học, cơ sở tôn giáo - tín ngưỡng (đền, miếu, nhà thờ, đình, chùa, lăng, nhà dòng…), công sở, khu giải trí, hồ chứa nước ngọt… tạo cho làng Thành phố có diện mạo vừa giống một đô thị cổ của châu Âu, vừa giống một đô thị của người Việt được cách tân. Sự hòa trộn kiến trúc Đông - Tây tạo cho làng Thành phố có nét đặc biệt, riêng có của một làng Việt có tính chất thành phố, xuất hiện sớm ở vùng châu thổ đồng bằng sông Cửu Long. Cái hay của thị xã hôm nay là đô thị còn giữ được nét cổ kính đan xen khá hài hòa với những công trình hiện đại. Những dãy phố ô vuông, bàn cờ vẫn còn khá nhiều nhà cổ. Theo khảo sát của ngành chức năng, Tiền Giang hiện còn 350 ngôi nhà cổ, thì thị xã Gò Công số nhà cổ chiếm đến 2/3. Theo các cụ cao niên, nhà cổ Gò Công được xây dựng bằng ô dước trộn mật kết dính với gạch. Về kiến trúc có nét tương đồng với nhà cổ miền Trung và pha lẫn kiến trúc phương Tây. Nhà thường thiết kế ba gian, hai chái, mái ngói âm dương và rất to rộng. Cụ thể ở Gò Công, ai cũng biết ngôi nhà to, bề thế của ông Nguyễn Anh Tuấn ở số 49, đường Hai Bà Trưng, thị xã Gò Công. Nhà được xây dựng năm 1885, kiến trúc phối hợp đông - tây, với vòm cửa vòng cung, tường vôi mái ngói âm dương. Theo lời gia đình, ngôi nhà này do các thợ mộc ở miền Bắc và miền Trung vào xây dựng, dùng toàn gỗ quý, tất cả đều trạm trổ hoa văn và phải mất ba năm mới hoàn thành. Hay nhà của bà Lê Thị Na, khu phố 4, phường 1. Đây là ngôi nhà của ông nội bà để lại, ngày xưa là trưởng thôn, dân thường gọi là thôn Thuận. Nhà xây cất vào năm 1927, diện tích hơn 500 m2. Bà nói, nếu có ai hỏi mua bao nhiêu cũng không bán, tất cả những thứ trong ngôi nhà và cả ngôi nhà đều trở thành vô giá, nên phải giữ gìn để lại cho con cháu thờ cúng ông bà, tổ tiên. Gia đình bà chỉ mong nhà nước quan tâm và có kế hoạch bảo tồn để những ngôi nhà cổ ở phố cổ Gò Công được trường tồn.

Một nét văn hóa đặc sắc nữa ở thị xã Gò Công là những di tích lịch sử có giá trị được bảo tồn cẩn trọng. Các di tích lịch sử văn hóa ở đây có nét rất riêng là không trơ trọi, lẻ loi mà gần gũi với cư dân sống quanh đó - đó chính là cái “hồn” của di tích. Ngoài ba di tích được nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp quốc gia: Đền thờ, lăng mộ Anh hùng dân tộc Trương Định được xây dựng trang nghiêm tại trung tâm thị xã; Khu lăng mộ dòng họ Phạm Đăng ở xã Long Hưng là khu lăng mộ có tính thánh địa, kiến trúc khá đặc biệt, nấm mộ, nhà bia, bình phong, vòng thành… đều khác thường, giàu tính nghệ thuật, thể hiện quan niệm về cõi vĩnh hằng của những người có vị trí cao trong xã hội và di tích lịch sử kiến trúc nhà Đốc phủ Hải, đường Lê Thị Hồng Gấm, phường 1 - là một dinh thự sang trọng bậc nhất của vùng Gò Công, mặt tiền được bổ sung bằng một hệ thống cột bê tông đắp hoa văn đầu cột, phần hậu xây dựng đông lang và tây lang, sân sau và lẫm lúa. Đây là dạng nhà tiêu biểu cho nhà truyền thống Nam bộ được cải tạo (bổ sung phần tiền sảnh) mang phong cách châu Âu vào cuối thế kỷ XIX - đầu thế kỷ XX. Thị xã còn mười di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như lăng Võ Tánh, nhà truyền thống thị xã, dinh tỉnh trưởng (cũ)… đều có giá trị kiến trúc cổ. Đặc biệt là Đình Trung (đình Thành phố) mang đậm nét tính ngưỡng dân gian…  

Ngày nay, quá trình đô thị hóa diễn ra nhanh chóng, cơn lốc nhà cao tầng đang quét qua đô thị cổ, dấu ấn lịch sử, dấu ấn văn hóa, những nét đặc sắc của kiến trúc đô thị cổ ẩn chứa trong từng căn phố đang bị mất đi từng ngày, bản sắc văn hóa của địa phương đang bị xóa nhòa. Việc quy hoạch đô thị đúng đắn, đầy tính nhân văn, kết hợp hài hòa giữa cổ truyền và hiện đại, giữa kinh tế và văn hóa, giữa dân tộc và quốc tế đang đặt ra cho các nhà lãnh đạo tại địa phương sự tỉnh táo và khoa học. Do đó, thị xã cần có kế hoạch bảo tồn và thông báo để cộng đồng dân cư sống trên địa bàn thị xã hiểu được giá trị của đô thị cổ là nơi lưu giữ ký ức của đô thị, lưu giữ những giá trị về kiến trúc, giá trị về lịch sử văn minh của một vùng đất; là nơi đang bảo tồn những di sản quý giá về vật thể và phi vật thể mà các thế hệ trước đã tạo ra, là nơi đã và đang đóng góp đáng kể những di sản văn hóa về đô thị cho dân tộc và nhân loại để người dân cùng tham gia, tạo cơ sở để phát triển du lịch. Bên cạnh, các giá trị của di sản phố cổ như thành tựu về kiến trúc qua các thời kỳ, văn hóa cổ truyền, các tập tục, các thiết chế tôn giáo tín ngưỡng, lối sống của thị dân, lễ hội, món ăn, đặc sản của địa phương cũng cần phải được nghiên cứu và phổ biến thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và cần phải được giáo dục trong nhà trường.

Để những giá trị của đô thị cổ được phát huy trong đời sống hiện đại, ngoài việc cộng đồng tự giác tu bổ, tôn tạo, tôn trọng những yếu tố về kiến trúc cổ, chính quyền sở tại cần có những chính sách khuyến khích cộng đồng, đặc biệt là các chủ nhân của kiến trúc cổ (như nhà phố, đình, chùa, đền miếu, công sở…) tu bổ, bảo tồn các kiến trúc, nhằm chuyển giao cho thế hệ sau những giá trị đặc biệt, riêng có của các kiến trúc, bảo vệ một thương hiệu “Phố cổ Gò Công” có tiếng của Nam bộ.

Tấn Vũ

Tổng số điểm của bài viết là: 3 trong 2 đánh giá

Xếp hạng: 1.5 - 2 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập482
  • Máy chủ tìm kiếm17
  • Khách viếng thăm465
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,156,618
  • Tổng lượt truy cập34,742,263
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây