Ngoài những cây trồng truyền thống: khóm, khoai mỡ, khoai mì,... nhiều cây trồng mới được những nông dân năng động du nhập về đã mở ra triển vọng giảm nghèo nông thôn, giúp bà con vươn lên làm giàu vừa tạo nên những đổi thay sâu sắc trong diện mạo nông nghiệp - nông dân - nông thôn nơi đây.
* "Vương quốc" của khóm Phụng
Trồng khóm Phụng cung ứng thị trường hoa kiểng Tết cũng là một hướng đi mang tính đột phá trong sản xuất của người dân Tân Phước mà đặc biệt là xã Thạnh Mỹ thời gian qua. Khóm Phụng cho quả không những to mà còn có nhiều quả nhỏ bao xung quanh quả lớn nhất (gọi là quả đeo) khiến người ta liên tưởng đến vũ điệu của chim phượng hoàng, chim công nên gọi là khóm Phụng. Quả nào càng to, càng có nhiều quả đeo, màu sắc càng sặc sỡ, càng đẹp thì giá trị càng cao.
Người đi tiên phong trồng khóm Phụng trên đất Thạnh Mỹ là ông Hà Văn Bảy. Quê gốc ông Hà Văn Bảy tận miệt Hậu Giang, bờ nam sông Hậu ngày nay. Gia đình nghèo, thiếu đất canh tác, hưởng ứng chủ trương của Đảng và Nhà nước về di dân khai hoang sản xuất, ông vào lập nghiệp ở Thạnh Mỹ ngay từ những ngày đầu tiên huyện Tân Phước được thành lập, khoảng 1994. Thời đó, miền đất này còn rất hoang vu, thiên nhiên khắc nghiệt. Ông Bảy cật lực khai hoang, phục hóa, tổ chức sản xuất bằng các loại cây trồng thích hợp. Ông thử nghiệm trồng đủ thứ cây: khóm, xoài ghép, mai vàng, bưởi da xanh, cây ăn quả khác... Có lúc thành công nhưng cũng không ít lần nếm trải những thất bại. Tuy nhiên, trong “cái khó ló cái khôn” và vận may đã mỉm cười với ông Bảy khi vào năm 2004 được người quen tặng mấy cây giống khóm Phụng xuất xứ từ miệt Hậu Giang để ông trồng thử.
Lứa đầu tiên, khóm Phụng cho trái đúng dịp Tết, trái rất to, dáng rất đẹp. Nhìn quả khóm Phụng ai cũng tấm tắc khen ngợi. Thấy hay, năm sau ông nhân giống ra trồng rộng rãi bán vào dịp Tết rất được giá. Từ đó, nghề trồng khóm Phụng mở rộng ra qui mô toàn xã, thậm chí sang cả một số vùng lân cận. Tuy vậy, chỉ duy nhất có ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, nơi ông Hà Văn Bảy cư ngụ là tập trung nhiều hộ dân trồng khóm Phụng nhất. Theo ông Lê Hoàng Phương, Trưởng ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, Tết Giáp Ngọ, trên địa bàn ấp có rất nhiều hộ dân trồng khóm Phụng. Người nhiều vài ngàn gốc, người ít cũng một hai trăm gốc trở lên. Có thể kể các ông Hà Văn Bảy, Nguyễn Văn Bảy, Nguyễn Hữu Soi, Lê Văn Ngự, Nguyễn Văn Bạo, Võ Văn Nhã... Ông Lê Hoàng Phương cũng cho biết, ngoài khóm Phụng, bà con ở đây còn trồng thêm khóm Son - cũng là một loại khóm kiểng bán vào dịp Tết nhưng ít giá trị hơn. Trong số các hộ trên, trồng nhiều khóm Phụng nhất có các ông: Nguyễn Hữu Soi trồng gần 2.000 cây, ông Hà Văn Bảy trồng 1.350 cây...
Với thâm niên nhiều năm trồng và thâm canh khóm Phụng, ông Hà Văn Bảy cho biết, khóm Phụng giống như các giống khóm khác phù hợp với vùng đất nhiễm phèn Đồng Tháp Mười, dễ trồng, dễ chăm sóc. Tuy nhiên, loại cây này cũng có một số nhược điểm: chỉ ưa đất mới khai hoang, cây mẹ ít cho cây con nên thiếu nguồn con giống, khó mở rộng diện tích trong thời gian ngắn... Đó cũng là lý do khóm Phụng trồng qua nhiều vụ liên tiếp trên cùng một mảnh đất sẽ cho trái không đẹp. Với vài chục hộ dân chuyên trồng khóm Phụng và sản lượng cung ứng thị trường trên dưới 30.000 quả khóm để chưng trong dịp Tết - lớn nhất tỉnh Tiền Giang, Thạnh Mỹ có thể xem là "vương quốc" của khóm Phụng.
Ngày nay, cây khóm Phụng qua bàn tay cần cù, năng động, chịu khó của những cư dân miền đất mới Đồng Tháp Mười bắt đầu khẳng định được thương hiệu và vị trí trên thị trường hoa kiểng Tết Nguyên đán hàng năm.
Theo ông Cao Văn Sáng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thạnh Mỹ, vụ khóm Phụng Tết Giáp Ngọ bà con Thạnh Mỹ được mùa và được giá. Hầu hết khóm Phụng trồng đều cho quả to, hình dáng đẹp, màu đỏ au rất bắt mắt. Những quả khóm Phụng đẹp nhất (loại nhất), thương lái thu mua tại vườn giá từ 200.000 đ/quả đến 300.000 đ/quả. Còn loại thường cũng vài ba chục ngàn đồng/quả trở lên, cao gấp chục lần quả khóm Queen truyền thống tại địa phương.
* Và đưa cây thanh long ruột đỏ về Đồng Tháp Mười
Đó là trường hợp của anh Đoàn Văn Sang, chủ trang trại chuyên canh thanh long ruột đỏ rộng 22,5 ha tại ấp I, xã Thạnh Tân, Tân Phước trong đó có 7,5 ha đang cho thu hoạch. Anh Sang nhớ lại, thời điểm cuối năm 2011, anh đầu tư 3,5 tỉ đồng mua 7,5 ha đất tại ấp I, xã Thạnh Tân, Tân Phước, nằm ven kênh Tràm Mù thực hiện ý định trồng thanh long ruột đỏ H14. Trên thửa đất, anh đầu tư tiếp khoảng 3 tỉ đồng để trồng thanh long bao gồm chi phí: lên liếp, trồng trụ xi măng, cây giống, hệ thống điện, hệ thống tưới nhỏ giọt và các công trình phụ khác... Mật độ trồng khoảng 790 trụ/ha. Mỗi trụ trồng từ 4 đến 5 gốc thanh long. Hiện nay, vườn thanh long ruột đỏ H14 của anh đã được 26 tháng, đang cho trái ổn định. Thanh long ruột đỏ trồng chỉ sau 8,5 tháng đến 9 tháng tuổi bắt đầu cho trái và mỗi năm năng suất cao thêm. Trong năm đầu tiên, thanh long đạt năng suất khoảng 15 tấn/ha và sau vài năm tăng lên đến 40 tấn/ha/năm.
Anh Đoàn Văn Sang theo dõi sức tăng trọng của quả thanh long ruột đỏ trong vườn
Thanh long cho thu hoạch chính vụ trong khoảng thời gian từ tháng 4 đến tháng 8 hàng năm. Thời điểm còn lại là vụ nghịch, phải xông đèn để cây cho trái. Vườn thanh long 7,5 ha mỗi năm cho thu hoạch 12 đợt trái. Trong năm qua anh thu hoạch được khoảng 300 tấn trái, bán thu 12 tỉ đồng, trừ chi phí còn lãi trên 8 tỉ đồng. Trước triển vọng kinh tế của cây thanh long ruột đỏ, cuối năm 2013 anh Sang mạnh dạn đầu tư thêm trên 20 tỉ đồng lập thêm một vườn chuyên canh thanh long thứ hai rộng 15 ha, nâng tổng diện tích thanh long hiện có lên 22,5 ha. Dự kiến sang năm 2015, 15 ha đất trồng chuyên canh thanh long ruột đỏ H14 còn lại sẽ tiếp tục cho thu hoạch.
Thanh long ruột đỏ H14 thích hợp với đất đai Tân Phước, mang lại nguồn thu nhập cao cho nông hộ, đặc biệt trong mô hình trang trại như anh Sang đã thực hiện. Trong quá trình sản xuất, anh Đoàn Văn Sang góp phần giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục lao động thường xuyên và hàng trăm lượt lao động thời vụ/năm. Mức thu nhập thời vụ 180.000 đ/ngày đối với lao động nam và 120.000 đ đối với lao động nữ. Qua đó, giải quyết việc làm và thu nhập cho lao động nông thôn vùng khó khăn.
Thực hiện chủ trương triệt để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật thâm canh, anh đã mạnh dạn đầu tư khoảng 2 tỉ đồng để lắp đặt hệ thống tưới nhỏ giọt theo mô hình tiên tiến của Ixrael cho vườn thanh long 7,5 ha đầu tiên và đang tiếp tục lắp đặt thêm hệ thống thứ hai cho khu vườn mới. Hệ thống gồm: bể xử lý nước, bồn nước, hệ thống bơm điện, hệ thống đường ống dẫn đến từng trụ thanh long, các công trình phụ trợ khác... Với hệ thống này, khi vận hành cần rất ít lao động, kiểm soát được lượng nước mà từng trụ thanh long cần, thời gian tưới chỉ có 2 giờ/ngày và sau 3 ngày tưới 1 lần. Chưa kể, khi bón phân hoặc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật chỉ cần hòa vào bồn chứa nước tưới, xong xả van cho hỗn hợp thuốc và nước theo đường ống đến tưới cho từng gốc thanh long. Cách làm này vừa tiết kiệm thuốc, tiết kiệm phân, vừa mang lại hiệu quả cao, tránh để lãng phí phân thuốc tạo điều kiện cho cỏ dại mọc nhanh hoặc sinh sôi không kiểm soát được.
Với việc đưa thêm nhiều cây trồng mới có triển vọng vào sản xuất trên Đồng Tháp Mười, các ông Hà Văn Bảy, anh Đoàn Văn Sang cùng nhiều nông dân giỏi Tân Phước khác đã thiết thực cụ thể hóa chủ trương chuyển dịch sản xuất, đa dạng hóa cây trồng vật nuôi, xây dựng nông thôn mới của Đảng và Nhà nước ta. Hy vọng trong tương lai không xa, những người yêu mến và gắn bó với miền đất này sẽ tự hào thấy những thương hiệu: khóm Phụng, thanh long ruột đỏ “Made in Tan Phuoc” vươn xa và khẳng định trên thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đưa Đồng Tháp Mười mỗi ngày thêm đẹp giàu hơn nữa.