Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Tiền Giang là một địa bàn trọng điểm của Quân khu 8, là một địa bàn trọng yếu của ta và địch, đây cũng là trung tâm đầu não cai trị của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ để kiểm soát khu vực miền Tây Nam bộ. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Tiền Giang đã vận dụng đường lối chiến tranh nhân dân vào điều kiện cụ thể, phát huy tinh thần yêu nước, đấu tranh bất khuất của ông cha ta đánh đuổi giặc ngoại xâm. Sau ngày 30/4/1975 tiếp tục tham gia chiến đấu bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia, nên có rất nhiều đối tượng chính sách, hiện nay toàn tỉnh có trên 32.000 liệt sĩ, trong đó có 4.650 liệt sĩ chưa có mộ và lực lượng dân công hỏa tuyến chưa được hưởng chế độ chính sách.
Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và giải quyết tốt các chế độ, chính sách đối với người có công cách mạng, gia đình liệt sĩ khó khăn trong cuộc sống, xây dựng và tôn tạo nhiều công trình tưởng niệm… Vì vậy, việc triển khai thực hiện Quyết định số 1237/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 688/CT-CS của Tổng cục Chính trị thể hiện sự tri ân đối với liệt sĩ và gia đình liệt sĩ; thể hiện tấm lòng tôn kính với các liệt sĩ đã không tiếc máu xương, hy sinh anh dũng giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế cao cả; góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, yêu nước đối với các thế hệ người Việt Nam, nhất là thế hệ trẻ.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Đại tá Đoàn Thanh Xuân yêu cầu các cấp, các ngành cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ với quyết tâm cao, khẩn trương, tích cực, toàn diện và đạt kết quả cao nhất; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân và kiều bào ở nước ngoài cung cấp thông tin về liệt sĩ, mộ liệt sĩ, hỗ trợ và phối hợp tham gia tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ; phấn đấu đến năm 2020, hoàn thành việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ còn lại đã có thông tin và tiếp tục hoàn thành cơ bản công tác này vào những năm tiếp theo.