Hiệu quả kép từ mô hình "lúa - cá" ở Tiền Giang

Thứ hai - 09/12/2013 20:57
Sau 5 tháng triển khai thực hiện, mô hình: “Luân canh lúa - cá mùa lũ” tại ấp Bắc, xã Tân Phú đã hứa hẹn mang lại hiệu quả “kép”; đồng thời mở ra triển vọng mới giúp nông dân nâng cao hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, giải quyết lao động nhàn rỗi và tăng thu nhập cho nông hộ.
Anh Trương Văn Xóm, ấp Bắc, xã Tân Phú (Cai Lậy), một trong 6 hộ tham gia mô hình “cá - lúa” đang cho cá ăn
Anh Trương Văn Xóm, ấp Bắc, xã Tân Phú (Cai Lậy), một trong 6 hộ tham gia mô hình “cá - lúa” đang cho cá ăn
Hàng năm, khi vụ hè thu chính vụ kết thúc thì nước lũ tràn về, nông dân vùng bị ảnh hưởng lũ của Tiền Giang phải tạm ngưng trồng lúa. Thời điểm này, nguồn thu nhập chủ yếu của người dân vùng lũ nhờ vào việc khai thác nguồn lợi thủy sản theo nước lũ thượng nguồn đổ về. Tuy nhiên, những năm gần đây, nguồn lợi thủy sản mùa lũ ngày càng sụt giảm, người dân vùng lũ càng khó khăn hơn. Trong khi đó, việc khai thác tiềm năng từ nước lũ để nuôi trồng thuỷ sản còn hạn chế, lao động nhàn rỗi không có việc làm lớn, nguồn thức ăn tự nhiên bị lãng phí. 

Để tận dụng việc khai thác lợi thế vùng lũ, đầu năm 2013, Trung tâm Khuyến nông quốc gia đã xây dựng dự án khuyến nông “Nuôi luân canh cá - lúa, đối tượng cá sặc rằn là chính” tại ấp Bắc, xã Tân Phú (Cai Lậy, Tiền Giang) vào mùa lũ. Triển khai mô hình, Trung tâm Khuyến nông tỉnh phối hợp các cấp, các ngành chức năng, địa phương chọn các hộ đưa đi tập huấn, tham quan các mô hình đã thực hiện trước đó, sau đó cho các nông hộ tiến hành đăng ký. Theo đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia hỗ trợ 100% cá giống (80% giống cá sặc rằn, 15% cá rô và 15% cá mè vinh) và 30% thức ăn, hóa chất cần thiết cho 6 hộ, với quy mô tổng diện tích áp dụng 1 ha. Thời gian thực hiện bắt đầu từ vụ lúa hè thu chính vụ năm 2013, với quy cách thả 10 con/cm2.

Để bắt tay vào việc, ngay sau kết thúc vụ hè thu sớm, nông dân bắt đầu chuẩn bị ao chứa, quy chuẩn ao phải chiếm từ 15 đến 20% tổng diện tích canh tác, ao chứa kề với ruộng lúa, có đường thoát nước sạch ổn định, xẻ mương trên ruộng lúa làm đường cho cá lên ruộng. Mật độ cá thả phải thưa hơn so với mô hình nuôi chuyên cá, còn lúa cũng phải sạ thưa theo hàng. Khi lúa kết thúc giai đoạn đẻ nhánh, các nông hộ bơm nước vào để cá lên ruộng ăn sâu rầy, hạt phấn lúa rơi, lá úa, rong rêu quanh gốc lúa làm giảm bớt sâu bệnh gây hại cho lúa, đồng thời cung thêm lượng phân cho cây lúa phát triển qua phân của cá thải ra. Sau khi thu hoạch lúa xong là lúc lũ về, nông hộ xả lũ vào ruộng và đưa cá lên ruộng ăn lúa chét, các sinh vật trong môi trường nước. Giai đoạn này cá phát triển rất nhanh do môi trường thông thoáng, nguồn thức ăn phong phú giúp giảm chi phí thức ăn cho cá. Khi nước lũ rút đi là lúc cá đến mùa thu hoạch.

Sau hơn 5 tháng triển khai mô hình, cá tăng trọng rất tốt, tỷ lệ hao hụt thấp chỉ khoảng 20-30%, trọng lượng cá sặc rằn đạt 15-25 gr/con, cá rô 80-150 gr/con, các mè vinh 80-110 gr/con, năng suất ước tính đạt gần 4 tấn/ha. Năng suất vụ hè thu chính vụ tại 6 hộ trong mô hình đạt từ 18 đến 25 giạ/công (1.000 m2), trong khi đó chi phí vật tư nông nghiệp cho ruộng lúa giảm từ 150 nghìn đồng đến 200 nghìn đồng/công .

Tại mô hình “cá - lúa” của anh Trương Văn Xóm, anh cho biết, sau khi đi tham quan, tập huấn về cách áp dụng cũng như lợi ích từ mô hình, anh quyết định tham gia ngay. Thực hiện mô hình, anh được Trung tâm Khuyến nông tỉnh cấp 12 nghìn con cá giống sặc rằn, 2.250 con cá rô và 750 cá mè vinh cho 1.500 m2 đất lúa, được hỗ trợ vôi xử lý ao, thuốc phòng trị bệnh cho cá và 30% chi phí thức ăn.

Nói về ưu điểm của mô hình, anh Xóm cho biết: Ruộng lúa không phun xịt thuốc trừ sâu rầy, lượng phân bón cho lúa cũng rất ít so với trước đây. Lúa đã thu hoạch, dù diện tích đất ruộng bị mất nhưng năng suất giảm không đáng kể. Hiện tại, anh cho cá lên ruộng ăn lúa chét nên cá phát triển rất tốt. Hiện nay, cá sặc rằn đã nuôi được hơn nửa chặng đường, cá rô có thể thu hoạch được. Theo tính toán, sau 9 tháng nuôi, trọng lượng bình quân cá rô  đạt 170 - 200 gr/con; mè vinh 150 - 200 gr/con, cá sặc rằn đạt 75 - 80 gr/con, năng suất cá ước đạt trên 7,8 tấn/ha. Đối với lúa, nhờ áp dụng mô hình “3 giảm 3 tăng” nên chi phí sản xuất được tiết giảm đáng kể. Dự kiến sau khi trừ chi phí, lợi nhuận từ nuôi cá đạt hơn 73 triệu đồng, cộng với lãi từ 2 vụ lúa 20 triệu đồng/ha thì mô hình cho lãi gần 94 triệu đồng.

Như vậy nếu so sánh với canh tác thuần lúa 3 vụ, mô hình  “cá - lúa” cho thu nhập cao hơn gần 2,5 lần. Ngoài ra, từ áp dụng sản xuất đúng theo yêu cầu của mô hình, lượng phân, thuốc phun, rải xuống ruộng giảm khoảng 200 nghìn đồng/công, giảm thiểu tác động đến môi trường. “Phụ phẩm, sâu rầy từ trồng lúa làm thức ăn cho cá; ngược lại phân của cá làm dinh dưỡng cho cây lúa vụ sau… đã giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất; đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do quá trình nuôi trồng. Một điều quan trọng khác nữa là mô hình tạo ra việc làm, tạo thêm thu nhập cho người dân nơi đây vào mùa lũ” - anh Xóm nói.

Thực tế cũng cho thấy, bên cạnh những lợi ích mang lại, mô hình cũng còn những hạn chế như: ruộng lúa bị thu hẹp do dành phần diện tích cho cá lên ruộng. Do xẻ mương nuôi cá nên khó khăn trong việc thu hoạch lúa. Khi kết thúc mùa vụ, nông hộ phải tốn chi phí san lắp mặt bằng cho sản xuất lúa vụ sau… Tuy nhiên, với ưu điểm của mô hình là sự hỗ trợ lẫn nhau tạo nên hệ sinh thái khép kín, hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón cho lúa và giảm lượng thức ăn cho cá nhưng lúa vẫn đảm bảo năng suất, cá phát triển nhanh, qua đó tăng hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích, tạo thu nhập thêm cho người dân trong mùa lũ. Đồng thời, sản phẩm tạo ra từ mô hình là sản phẩm an toàn cho con người và môi trường. Từ đây có thể nói, mô hình mở ra triển vọng nâng cao thu nhập nông dân vùng lũ, cải thiện môi trường sinh thái nên cần được nhân rộng để cải thiện đời sống nông hộ, xóa đói giảm nghèo.

Ông Nguyễn Văn Nha, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, mô hình hiện nay đang phát triển rất tốt dù chưa thể đánh giá hiệu quả kinh tế đến mức nào do chưa thu hoạch cá. Nhưng trước hết có thể khẳng định, mô hình là giải pháp giải quyết việc làm cho nông dân trong mùa lũ, tăng thu nhập nông hộ; đồng thời giảm tác động môi trường. Sau khi tổng kết, hiệu quả của mô hình được xác định, xã sẽ tiến hành họp dân để nhân rộng cho nông dân các ấp khác trên địa bàn. 
 

Tấn Văn

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 1 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập556
  • Máy chủ tìm kiếm18
  • Khách viếng thăm538
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,167,676
  • Tổng lượt truy cập34,753,321
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây