Sử cũ còn ghi: Trong đêm 23/11/1940, đồng chí Đỗ Văn Nuôi chỉ huy lực lượng đốt cầu Trà Tân. Rạng sáng ngày 24/11/1940, đội quân khởi nghĩa của xã Long Trung chia làm 3 cánh: cánh thứ nhất do đồng chí Võ Sĩ Tộ, đồng chí Chín Phải chỉ huy từ chợ Hưng Long tiến dọc theo sông Trà Tân qua các ấp Tân Thạnh, Tân Thới, Mỹ Lợi, Mỹ Hòa (tức các ấp: 11, 12, 7, 8 ngày nay); cánh thứ hai do đồng chí Hai Thủ, đồng chí Lưu Hắc Hiến chỉ huy từ cầu sắt Hưng Long tiến qua các ấp Hưng Nhơn, Hưng Hòa, Mỹ Thuận Nội, Mỹ Bình (tức các ấp: 15, 16, 6, 5 ngày nay); cánh thứ ba do đồng chí Năm Kiệt, đồng chí Chín Quế chỉ huy từ chợ Hưng Long tiến qua các ấp Tân Thới, Tân Thạnh, Mỹ Hòa (tức các ấp: 12, 11, 8 ngày nay). Tất cả ba cánh quân sau đó họp điểm tại chợ Ba Dừa, chiếm trụ sở tề làng. Đoàn quân khởi nghĩa vừa đi vừa đánh trống mõ và hô vang khẩu hiệu: “Đả đảo đế quốc lùn” (Nhật Bản), “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đả đảo bóc lột”...
Trước khí thế cách mạng bừng bừng như thế, bọn địch vội vã rút đồn Ba Dừa, tề làng tháo chạy. Lực lượng khởi nghĩa chiếm công sở tề và chợ Ba Dừa. Đốt xong hết giấy tờ, sổ sách của tề làng, lực lượng khởi nghĩa lại chia làm hai: một cánh kéo về nhà địa chủ Hội đồng Kiệt ở ấp Mỹ Lợi, một cánh kéo về nhà địa chủ Trần Thế Cự, tịch thu của địa chủ Cự 70.000 đồng tiền giấy bạc Đông Dương và hơn 100 giạ lúa chia cho dân 2 ấp Tân Thạnh và Hưng Hòa. Những ngày tiếp theo, lực lượng khởi nghĩa của xã Long Trung còn tiếp tục phá đường, phá cầu trên lộ Ba Dừa ngăn chặn bước tiến quân đàn áp của kẻ thù, đồng thời các đồng chí Đỗ Văn Nuôi, Lưu Hắc Hiến còn chỉ huy một lực lượng khoảng 20 người trang bị súng hơi, súng kíp, giáo mác, gậy gộc chi viện cho mặt trận Long Hưng, đánh lui tàu địch trên kênh xáng Xoài Hột và bắn bị thương một tên cai lính thủy Pháp. Ngoài ra, lực lượng của xã Long Trung còn phối hợp cùng các xã Cẩm Sơn, Xuân Sơn, Hiệp Đức kéo qua cù lao Ngũ Hiệp đánh chiếm nhà việc và kho lúa của Đốc phủ Mầu, lấy được hơn 500 giạ lúa, thu trên 50.000 đồng tiền giấy bạc Đông Dương thời bấy giờ. Nói chung, thời điểm khởi nghĩa Nam kỳ diễn ra trên toàn miền Nam, lực lượng khởi nghĩa đã làm chủ tình hình tại Long Trung. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, cuối cùng cuộc khởi nghĩa Nam kỳ thất bại và bị dìm trong biển máu. Ở Long Trung, giặc đã bắt và đưa hai đồng chí Lưu Hắc Hiến và Võ Văn Đặng ra xử tử hình tại ngã tư Hưng Long vào ngày 11/5/1941. Cái chết lẫm liệt của hai chiến sĩ Nam kỳ khởi nghĩa đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho đồng bào, đồng chí.
Ngày nay, Long Trung - Ba Dừa, mảnh đất hào hùng và giàu truyền thống đấu tranh chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước đã có nhiều thay đổi, gặt hái thêm nhiều thành tích lẫy lừng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước cũng như khi miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước và xây dựng quê hương giàu đẹp. 73 năm đã trôi qua kể từ đêm khởi nghĩa Nam kỳ trời long đất lở ngày trước, quân dân Long Trung hôm nay mạnh mẽ tiến công vào trận chiến xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới ngày một hiện đại với tinh thần và hào khí của Khởi nghĩa Nam kỳ năm xưa - Hào khí quyết chiến, quyết thắng và tinh thần tiến công cách mạng.
Nổi bật nhất phải kể đến phong trào nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi đang được Long Trung đẩy mạnh trong thời gian qua. Nằm phía nam quốc lộ 1 tiếp giáp với sông Tiền, Long Trung nổi tiếng là miền đất trái ngọt cây lành, quanh năm mùa nào thức nấy. Trong những năm gần đây, xã có thuận lợi nằm trong qui hoạch phát triển vườn cây ăn quả đặc sản của tỉnh, được hưởng lợi từ các ô bao ngăn lũ: Ba Rài - Trà Tân và Ông Mười - Trà Tân đã tạo điều kiện thuận lợi để nông dân phát huy tiềm năng đất đai, lao động chuyển đổi sản xuất từ vườn tạp, đất lúa kém hiệu quả sang lập vườn trồng chuyên canh cây ăn quả đặc sản và mở mang ngành nghề nông thôn. Theo ông Phan Minh Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Long Trung, toàn xã hiện có trên 1.200 ha vườn cây trong đó có gần 1.000 ha vườn chuyên canh cho sản lượng mỗi năm trên 28.000 tấn quả các loại.
Ông Nguyễn Văn Son, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Trung cho biết, trước đây, nông dân sản xuất nhỏ, manh mún, vườn trồng tạp nham đủ loại, hiệu quả kinh tế thấp. Phần nhiều nông hộ những năm miền Nam mới hoàn toàn giải phóng đều gặp nhiều khó khăn. Sau 38 năm qua, đời sống nhân dân Long Trung đã thay đổi, nhiều hộ dân giàu có hẳn lên nhờ phát triển vườn cây ăn quả đặc sản theo hướng chuyên canh. Để hình thành vùng sản xuất tập trung theo định hướng phát triển kinh tế - xã hội, xã được sự hỗ trợ của Viện Cây ăn quả miền Nam và các ngành hữu quan cải tạo vườn tạp, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật thâm canh cũng như chuyển dịch về cơ cấu cây trồng đúng định hướng. Xã đã xác định sầu riêng là cây trồng chủ lực trong cơ cấu kinh tế vườn, bên cạnh đó còn có cây ăn quả có múi, bưởi da xanh, hoa kiểng... Ngoài ra, còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi thủy sản nước ngọt...
Ông Nguyễn Văn Son cũng cho biết, qua phong trào thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi, trong năm vừa qua, toàn xã đã bình chọn được 895 lượt nông hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ba cấp, chiếm đến trên 40% hộ nông nghiệp trên địa bàn. Có nhiều điển hình nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh và cấp huyện nhiều năm liền như: ông Nguyễn Lam Hồng ấp 7, ông Nguyễn Văn Mười ấp 5... có lợi nhuận từ kinh tế vườn mỗi năm trên 100 triệu đồng.
Về thăm lại Long Trung - Ba Dừa ai cũng không khỏi vui mừng trước diện mạo nông nghiệp - nông thôn - nông dân nơi đây. Dễ thấy nhất là cơ sở vật chất hạ tầng được kiện toàn. Đường sá nông thôn được dal hóa, bê tông hóa hẳn hoi tỏa đi khắp các xóm ấp hẻo lánh, tạo mọi thuận lợi trong giao thương, buôn bán, phát triển kinh tế, mở mang văn hóa xã hội, xây dựng cuộc sống mới. Ngã tư Hưng Long - nơi giặc đem hai chiến sĩ Nam kỳ Khởi nghĩa ra xử tử - đã thay da đổi thịt đến thật không ngờ, trở thành một điểm sáng về kinh tế ở ven sông Tiền, phía nam huyện Cai Lậy.
“Ăn quả nhớ kẻ trồng cây”. Ngày nay, bưng bát cơm đầy, người dân Long Trung không bao giờ quên công lao của những anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do và thống nhất đất nước trong đó có những tấm gương cao cả hy sinh trong Khởi nghĩa Nam kỳ lẫm liệt ngày trước. Bà con đã hăng say lao động, ra sức phát triển kinh tế nhằm ổn định và nâng cao mức sống cũng như giúp thay đổi diện mạo nông nghiệp - nông thôn vùng căn cứ kháng chiến trước đây. Thuận lợi của địa phương có truyền thống cách mạng, Đảng bộ, chính quyền có bước đi phù hợp trong việc phát huy các tiềm năng và thế mạnh, trên dưới một lòng cùng chung sức xây dựng quê hương giàu đẹp và ngày càng thịnh vượng. Đó cũng là bài học kinh nghiệm quí mà Long Trung đúc kết.