Cù lao Rồng

Chủ nhật - 12/05/2013 23:24
Cù lao Rồng (còn gọi là cồn Tân Long) là một trong bốn cù lao trên sông Tiền được đặt tên theo bộ tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng, được phù sa bồi đắp, thành hình từ cuối thế kỷ 18. Đây là một trong những thắng cảnh của đất Mỹ Tho (Tiền Giang), nhưng lịch sử của nó gắn liền với một quá khứ không vui: Vào đầu thế kỷ trước, đây là nơi dành cho những người bị bệnh phong.
Cù lao Rồng nhìn từ TP. Mỹ Tho  - Ảnh: H.P
Cù lao Rồng nhìn từ TP. Mỹ Tho - Ảnh: H.P
Thắng cảnh của Mỹ Tho

Theo các tài liệu xưa, vào tháng 7.1788, Nguyễn Văn Trương quản suất thủy binh đóng ở Mỹ Tho để ứng tiếp với bộ binh ở Trấn Định. Nguyễn Ánh đóng ở Ba Giồng, rồi thân chinh chỉ huy thủy binh, dùng hỏa chiến đốt trại quân Tây Sơn. Tây Sơn thua to, lui binh. Nguyễn Ánh chiếm vùng Mỹ Tho, đặt quan công đường ở dinh Trấn Định.

Lúc này ở giữa sông Tiền, ngay vàm rạch Mỹ Tho có một bãi cát nhô lên khỏi mặt nước. Chúa Nguyễn Ánh thấy bãi cát đẹp nên đặt tên là Long Châu đảo. Năm 1792, Nguyễn Ánh cho xây thành Trấn Định, đối diện cù lao vừa mới hình thành. Sách Gia Định thành thông chí chép rằng: “Cù lao này ở ngay trước trấn, làm cái án gần cửa trấn. Khi trước cửa sông Mỹ Tho sâu rộng, có cặm bảy miệng đáy, thuyền buôn qua lại phải đậu nghỉ ở đây để hóng mát xem trăng, đợi nước thuận mới đi lên hoặc xuống. Từ năm Mậu Thân (1788) trở lại đây, phù sa bồi lấp ngày càng cao lớn, hình thế như con rồng nằm, vì vậy Thế tổ Cao hoàng đế mới ban cho tên là Long Châu. Cù lao dài gần 2 dặm, che kín trấn sở, ngăn chặn sóng dữ, nghiễm nhiên là chỗ danh thắng. Nhà địa lý nói: Cửa sông mà có cồn cát nổi lên cao, đất ấy ắt sẽ thịnh vượng”.

Khi cù lao mới nổi, người dân đem cây bần trồng để giữ đất, lâu ngày phù sa tích tụ, bồi đắp cho đất cồn cao thêm, bần lớn thành rừng, che chắn sóng gió cho thuyền bè. Cũng theo Gia Định thành thông chí: “Ngày xưa khi gió đông nam nổi lên thì thế nước rất dữ, sóng gió cuồn cuộn, thuyền bè qua lại luôn bị nguy hiểm. Năm Mậu Thân (1788) thời Trung hưng trở lại đây, có bãi rồng nổi lên, ngăn giữ sóng gió, thuyền bè qua lại rất tiện lợi”. Có bài vịnh: Trường Giang như luyện nghĩa là sông phẳng lặng như tấm lụa, nay hung dữ nguy hiểm đã tiêu tan mà thành con đường thủy rất phẳng lặng.

Đến thế kỷ 19, cù lao Rồng được xem là một thắng cảnh của Mỹ Tho, nhiều nhà thơ lấy làm đề tài ngâm vịnh.

Nơi dành cho người bệnh

Theo Monographie de la province de MyTho năm 1937, ngày 14.5.1903 Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định giám sát đối với người bị bệnh phong, cấm họ lai vãng trên các con đường công cộng ở Nam kỳ. Nghị định cho thành lập tại cù lao Rồng trên sông Tiền một trại hủi của Nam kỳ, làm nơi tập hợp những người bị bệnh phong mà chính quyền sở tại bắt gặp trên các con đường lưu thông, nơi công cộng, đồng thời cũng là nơi trực tiếp nhận những người Việt bị bệnh phong.
 
Cù lao Rồng 2
Cù lao Rồng  - Ảnh: H.P
 
Công trình bị dở dang vì ảnh hưởng của cơn bão năm Giáp Thìn (1904), sau đó được tu sửa, đến năm 1907 thì đưa vào sử dụng. Lúc này cù lao Rồng có diện tích xấp xỉ 80 ha, dài độ 4 km, nơi rộng nhất là 400 m. Cơ sở điều trị bệnh phong nằm ở phía đông cuối cù lao, chia thành hai khu vực: Khu hành chính và chỗ ở của người bệnh. Ngoài ra, chính quyền thực dân Pháp còn đào một con kênh chia cù lao ngăn cách trại phong và khu vực dân cư. Nhà ở của nhân viên phục vụ trại phong được cất lầu rộng rãi. Còn người bệnh thì cất riêng gồm nhiều căn nhà lá, trong đó có một căn dùng làm trạm xá, và một căn dành cho nữ bệnh nhân. Đến năm 1914, chính quyền thực dân lần lượt thay các nhà lá bằng nhà gạch. 

Hoạt động của trại phong được đặt dưới quyền điều hành của Tham biện, Chủ tỉnh Mỹ Tho. Phụ tá có các cán bộ hành chánh chịu trách nhiệm quản lý cơ sở, gồm kế toán sổ sách, hành chánh và kinh tế, an ninh trật tự, vệ sinh và giám sát việc sử dụng lương thực, thực phẩm như nấu nướng, phân phối, cất giữ và bảo quản các trang thiết bị, thuốc men và dụng cụ sinh hoạt. Giúp việc cho họ còn có 2 bà sơ người Pháp thuộc dòng Saint Paul và 3 bà sơ người Việt. Công việc khám chữa bệnh và chỉ định thuốc điều trị có y sĩ của Ty Y tế Mỹ Tho đảm trách. Họ đến thăm bệnh mỗi tuần 2 lần.

Cũng theo tài liệu nói trên, những người bệnh ở đây được hưởng trợ cấp, được nuôi ăn mặc đầy đủ. Họ có thể tham gia các công việc trồng tỉa. Ngoài ra, điều 6 của nội quy trại do Thống đốc Nam kỳ ký ngày 16.9.1903 cũng cho phép những thân nhân người bệnh muốn sống chung với bệnh nhân được chuyển sang ở nhà riêng trên miếng đất do cán bộ quản lý trại cấp và được hưởng suốt đời. Họ có thể khai thác miếng đất đó thế nào tùy ý. Đến năm 1940, trại phong này dời về Tuy Hòa. Lúc trại phong dời khỏi Mỹ Tho cũng là thời điểm quân phiệt Nhật nhảy vào uy hiếp chính quyền thuộc địa Pháp. Vào thời buổi nhiễu nhương, trong dân gian xuất hiện nhiều tin đồn huyễn hoặc. Họ bảo cù lao Rồng là cái đầu con rồng, còn cái đuôi nằm ở bên Nhật. Nếu cái đầu nhúc nhích thì đuôi sẽ bị động đất. Người Pháp làm nhà thương cùi đã trấn yểm được đầu rồng, nay Nhật vô uy hiếp, người Pháp dời nhà thương đi cho đầu rồng quậy lên...

Theo nhà nghiên cứu Trương Ngọc Tường, lúc bấy giờ các nhà khoa học đã lên kế hoạch bắc một cây cầu ngang qua sông Tiền nên họ đã tiến hành khảo sát, đào một số nơi nhằm thăm dò địa chất như ở khu vực bến Tắm Ngựa và trại phong. Nhưng chẳng hiểu sao kế hoạch bắc cầu không được tiến hành. Dân gian cũng đồn rằng bọn Tây đã khoan trúng cái cổ rồng và hai bàn chân, máu rồng phun lai láng nên hoảng sợ bỏ luôn. Vào khoảng đầu tháng 3.1945, Nhật đảo chính Pháp làm bọn quan chức địa phương rất hoang mang. Có một đại úy Pháp lái chiến hạm Amiral C-harner qua cù lao Rồng nổ súng tự sát. Tháng sau, một chiếc máy bay của Đồng minh bay lượn trên vùng trời Mỹ Tho bắn chìm một chiếc tàu Nhật ở phía nam cù lao Rồng.

Ngày 4.10.1912, cù lao Rồng chính thức được nhập vào địa phận làng Điều Hòa. Sau đó được đưa về làng Bình Đức và đến ngày 13. 1.1958, cù lao Rồng được tách khỏi xã Bình Đức, thành lập xã Tân Long, tổng Thuận Trị, quận Châu Thành, tỉnh Định Tường. Đến năm 2003, xã Tân Long được chuyển thành P.Tân Long, thuộc TP.Mỹ Tho.

Có người bảo rằng nếu như năm 1940, trại phong cù lao Rồng không dời đi thì có lẽ Hàn Mặc Tử sẽ trở thành nhà thơ của đất Mỹ Tho.

Ngọc Phan - Hoàng Phương

Nguồn tin: thanhnien.com.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập243
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm201
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,658,682
  • Tổng lượt truy cập40,028,058
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây