Nhân dân Mỹ Tho, Gò Công đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Paris

Thứ sáu - 25/01/2013 03:06
Cách đây đúng 40 năm, ngày 27-1-1973, tại thủ đô Paris nước Cộng hòa Pháp “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam”, gọi tắt là Hiệp định Paris về Việt Nam, được ký kết. Đây một thắng lợi có ý nghĩa lịch sử của nhân dân Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước; mở ra giai đoạn mới tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (18-1-1969 - 27-1-1973).
Hội nghị Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (18-1-1969 - 27-1-1973).

Ngày 24-01-1973, Trung ương Cục ban hành Chỉ thị 02/CT73 chỉ đạo các địa phương tích cực chuẩn bị cao trào đấu tranh rộng lớn đòi địch thi hành Hiệp định trên toàn miền Nam. Trước khi Hiệp định Paris có hiệu lực, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công giành được quyền chủ động trên chiến trường. Lực lượng vũ trang, chính trị đứng chân và làm chủ vùng nông thôn, vùng ven lộ 4, thành phố Mỹ Tho, thị trấn. Mặc dù Mỹ ngụy buộc phải ký Hiệp định Paris, nhưng chúng vẫn nuôi hy vọng giành thắng lợi bằng Chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh”, biến miền Nam thành một quốc gia riêng biệt phụ thuộc vào đế quốc Mỹ.

Trước và ngay trong ngày Hiệp định Paris có hiệu lực (28-01-1973), quân địch tập trung lực lượng(1) tiến hành kế hoạch “tràn ngập lãnh thổ” cắm cờ lấn đất, giành dân, đẩy mạnh lấn chiếm vùng ta làm chủ. Chúng sử dụng bom pháo bắn vào vùng giải phóng; xe M.113 càn phá ruộng lúa, đôn quân, bắt lính, củng cố lực lượng phòng vệ dân sự; tuyên truyền xuyên tạc Hiệp định Paris, vu cáo cách mạng vi phạm hiệp định; tổ chức mạng lưới tình báo, gián điệp để kềm kẹp nhân dân. Chúng lôi kéo quần chúng bằng cách đưa điện và kỹ thuật nông nghiệp về nông thôn, cho nông dân vay vốn, khuyến khích thâm canh tăng vụ.

Chiến sự diễn ra ác liệt nhưng quân và dân Mỹ Tho, Gò Công, thành phố Mỹ Tho vẫn cắm được hàng ngàn cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng trên 3/4 diện tích của Mỹ Tho và một số ấp của Gò Công. Lực lượng vũ trang chiến đấu quyết liệt bảo vệ từng cây cờ, từng xóm ấp để quần chúng có điều kiện tổ chức mít tinh, biểu tình, hội họp đón mừng hòa bình; tổ chức viếng thăm chiến sĩ, thương binh, bệnh binh, gia đình cách mạng, gia đình thương binh, liệt sĩ. Vận động gia đình có người thân đi lính kêu gọi chồng con em trở về gia đình. Ở vùng địch kiểm soát, quần chúng đấu tranh đòi trở về quê cũ làm ăn, sinh sống. Phong trào quần chúng đấu tranh diễn ra sôi nổi, thu hút được nhiều người tham gia.

Quán triệt chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng (ngày 24-10-1972); chỉ thị 02-CT/1973 (ngày 24-01-1973) của Trung ương Cục, Tỉnh ủy chủ trương tăng cường phát triển, nâng chất lực lượng cách mạng, trọng tâm là chi bộ cơ sở. Lấy 31 xã trên mặt trận lộ 4 làm điểm tập trung tuyên truyền hiệp định, giáo dục quần chúng; phát động phong trào đấu tranh chống bình định, lấn chiếm của địch.

Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, vận dụng pháp lý của hiệp định, quần chúng mạnh dạn đấu tranh chính trị, tấn công binh vận vào lực lượng binh sĩ. Tại thành phố Mỹ Tho, hàng ngàn quần chúng đấu tranh liên tục nhiều ngày tại trụ sở Ủy hội quốc tế, tố cáo lính sư đoàn 7 ngụy đốt phá khu vực Chùa Vĩnh Tràng ngày 28-01-1973. Nhiều nơi như ở Cái Bè, Tân Hội (Cai Lậy Bắc), Long Hưng, Thạnh Phú (Châu Thành Nam)... quần chúng cản xe M.113 không cho chúng phá lúa, không nhổ cờ Mặt trận.

Bên cạnh đó, ta tổ chức nhiều cuộc mít tinh chào mừng thắng lợi của Hiệp định Paris. Điển hình là cuộc mít tinh của hơn 5.000 quần chúng ở Đìa Đưng xã Long Tiên (Cai Lậy Nam) mừng thắng lợi, mừng phái đoàn quân sự khu vực 6 ra mắt và tố cáo địch phá hoại hiệp định.

Lực lượng vũ trang đánh trả các cuộc càn quét của địch vào vùng căn cứ của Khu ủy ở xã Long Tiên và bao vây bức rút 12 đồn, làm chủ khu vực rạch Ba Rài. Các xã Mỹ Thành Bắc, Tân Hội, Nhị Mỹ (Cai Lậy Bắc); Gò Lũy, Dưỡng Điềm (Châu Thành Bắc)... chống lấn chiếm, bao vây bức rút một số đồn, giữ vững được địa bàn đứng chân của lực lượng cách mạng.

Tháng 3-1973, địch đưa thêm 2 tiểu đoàn bảo an của Gò Công, Sa-Đéc nổi tiếng ác ôn về khu vực trọng điểm ở 2 bên Nam-Bắc lộ 4, đánh sâu vào vùng căn cứ, hành lang vận chuyển của ta, đóng chốt nhiều đồn ở vùng đông dân, đánh bật lực lượng cách mạng, ngăn chặn tuyến hành lang chiến lược, bao vây cô lập ta.

Đầu tháng 5-1973, Tỉnh ủy Mỹ Tho đề ra nhiệm vụ quý II là: “Khẩn trương mở đợt vận động trên 3 vùng, đẩy mạnh đấu tranh chính trị, binh vận, vũ trang kết hợp pháp lý hiệp định, đòi địch nghiêm chỉnh thi hành Hiệp định Paris”. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, quân - dân Mỹ Tho mở cao điểm tấn công địch thu nhiều thắng lợi. Ta loại khỏi vòng chiến đấu 1.260 tên, diệt gọn 3 đại đội, đánh thiệt hại nặng 3 tiểu đoàn (427, 450, 425) làm mất sức chiến đấu tiểu đoàn 2, sư đoàn 7; bức rút 24 đồn, giải phóng 3 xã, 10 ấp, 15.000 dân, hỗ trợ cho 50.000 lượt quần chúng nổi dậy giành quyền làm chủ ở các xã vùng sâu.

Cuối tháng 5-1973 Mỹ Tho và Gò Công nhận được nghị quyết của Miền về công tác binh vận(2). Nghị quyết nầy chưa được Tỉnh ủy đồng tình nhưng trong lúc giao thời, địch lợi dụng tình hình, bung ra lấn chiếm, đóng được 185 đồn và 9 căn cứ cấp tiểu đoàn, trong đó có nhiều đồn đóng sâu vào vùng giải phóng của ta như đồn chợ Cầu, đồn kinh 10... và chiếm lại hầu hết các vùng căn cứ giải phóng mà ta giành được trong năm 1972(3).

Cuối tháng 7-1973, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức hội nghị ở xã Bình Trưng (Châu Thành Nam) quán triệt Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Hội nghị chủ trương: Tiếp tục đánh bại âm mưu bình định, lấn chiếm của địch; động viên Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang tham gia phong trào tiến công địch trên 3 vùng chiến lược.

Đông đảo Việt kiều ở Pháp đón chào Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 11-1968).
Đông đảo Việt kiều ở Pháp đón chào Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình,
Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Cách mạng Lâm thời
Cộng hòa miền Nam Việt Nam (tháng 11-1968).

Cuối năm 1973, phong trào tấn công 3 mặt bước sang giai đoạn phát triển diện rộng. Các khu vực mới mở, ta và địch giằng co nhau quyết liệt, địch dùng đủ loại bom pháo bắn vào xóm ấp buộc dân phải ra vùng chúng kiểm soát, nhưng quần chúng vẫn kiên quyết đào hầm bám trụ, vừa chiến đấu vừa tăng gia sản xuất. Quần chúng ở vùng giải phóng xây dựng trường lớp cho các em học hành, xây dựng chính quyền cách mạng, phát triển văn hóa, y tế. Phong trào đấu tranh đòi dân sinh dân chủ ở đô thị, ở vùng yếu cũng phát triển. Ngoài những nội dung đấu tranh thường xuyên, phong trào phát triển thêm một số nội dung mới như: đấu tranh chống bắt lính, chống ăn hối lộ, tham nhũng, ức hiếp quần chúng, chống quân sự hóa học đường, chống bắt người vô cớ, giảm thuế.

Phong trào đấu tranh chống thuế T.V.A (thuế giá trị gia tăng) diễn ra mạnh mẽ. Sáng ngày 30-7-1973 tại trụ sở Liên hiệp Nghiệp đoàn, Thành ủy Mỹ Tho tổ chức mít tinh, có hơn 500 người tham dự, đưa đơn đòi giảm thuế và bỏ thuế T.V.A. Trước sức mạnh của quần chúng, chúng tuyên bố hủy bỏ thu thuế T.V.A trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho.

Trước phong trào của quần chúng, địch tập trung đưa thêm lực lượng cảnh sát, quân cảnh về đàn áp khủng bố không để quần chúng đấu tranh, mặt khác chúng sử dụng lực lượng chủ lực, bảo an thọc sâu vào vùng của ta đóng lại đồn, chia cắt và kiểm soát địa bàn. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy chủ trương phát triển lực lượng, bổ sung, nâng chất các đơn vị cơ sở nhằm duy trì, phát huy sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân; đồng thời tranh thủ lực lượng của Khu, Miền chi viện mở các đợt tiến công ở các vùng trọng điểm nhằm mở mảng, chuyển vùng.

Trong 6 tháng đầu năm 1974, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công cùng lực lượng của Miền, của Khu tấn công phá rã bộ máy kềm kẹp của địch ở cơ sở, giải tán lực lượng dân vệ; bức rút, bức hàng được nhiều đồn bót địch, đưa được 540 gia đình về quê cũ, đưa tổng số dân trong vùng giải phóng lên gần 200.000 người.

Quần chúng vùng mới giải phóng phục hóa được 6.270 mẫu đất đưa vào sản xuất; sản lượng lúa, hoa màu, cây ăn trái tăng lên, đời sống được cải thiện. Việc thu đảm phụ giải phóng tỉnh Mỹ Tho thu được 313 triệu đồng (năm 1973 thu 305 triệu đồng). Các công tác như thông tin, văn hóa, giáo dục, y tế, thương binh - xã hội cũng được quần chúng tích cực tham gia.

Tháng 7-1974, Tỉnh ủy chủ trương mở chiến dịch mùa mưa năm 1974, yêu cầu của chiến dịch là đánh bại một bước âm mưu bình định, lấn chiếm của địch; mở mảng, chuyển vùng, giành quyền làm chủ ở các xã phía Nam lộ 4, các xã hệ Cổ Chi  (Châu Thành Bắc), một số xã yếu của huyện Chợ Gạo và tỉnh Gò Công.

Cuối năm 1974, quân và dân Mỹ Tho, Gò Công loại khỏi vòng chiến đấu 8.000 tên địch, diệt 2 tiểu đoàn, 13 đại đội, bức rút 95 đồn, giải phóng hoàn toàn một số xã, 35 ấp và hơn 30.000 dân. Thắng lợi này buộc ngụy quân phải rút bỏ một số đồn ở vùng sâu để giữ những nơi đông dân và các tuyến giao thông quan trọng. Do vậy, các tuyến đường vận chuyển huyết mạch của Khu, của tỉnh cơ bản được thông suốt.

Thắng lợi cuộc đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Paris ở Mỹ Tho, Gò Công là thắng lợi của tinh thần cách mạng tiến công, sử dụng bạo lực cách mạng với hai lực lượng chính trị, vũ trang và sự kết hợp chặt chẽ giữa hai hình thức đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, với ba mũi giáp công, kết hợp nông thôn với thành thị, phân hóa kẻ thù; đồng thời ra sức phát triển lực lượng chính trị, quân sự của ta, tiếp tục giành thắng lợi mới, tiến lên giành thằng lợi hoàn toàn.
---------------------

(1) Trên địa bàn tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và thành phố Mỹ Tho trong tháng 01 năm 1973 có hơn 48.000 binh sĩ địch (so với năm 1972 tăng hơn 6.000 tên) gồm 2 trung đoàn thuộc sư đoàn 7, 1 trung đoàn thuộc sư đoàn 9 bộ binh ngụy, 17 tiểu đoàn và liên đội bảo an, nhiều trung đội “nghĩa quân” đồn trú; từ 2 đến 3 chi đoàn thiết vận xa, ba giang đoàn, hàng trăm cụm và trận địa pháo...

(2) Nội dung của nghị quyết xem nhẹ tấn công vũ trang, chính trị mà đặt công tác binh vận lên hàng đầu, thể hiện qua “5 điều  cấm chỉ”: cấm bao vây đồn bót, cấm gỡ đồn, cấm đánh địch bung ra, cấm pháo kích và cấm xây dựng xã chiến đấu.

(3) Tính đến cuối năm 1972, ta có 9 xã, 85 ấp giải phóng liên hoàn, thì đến tháng 2, tháng 3 năm 1973, ta chỉ còn 45 ấp giải phóng nhưng không liên hoàn.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Lịch sử Đảng bộ tỉnh Tiền Giang (1954-1975), NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2010.
2. Lịch sử kháng chiến Quân dân Tiền Giang (1940-1975). Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2008.
3. Lịch sử biên niên Xứ ủy Nam bộ và Trung ương Cục Miền Nam (1954-1975). Nhà Xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội, năm 2002.
4. Lê Quốc Sản: Cuộc đọ sức thần kỳ. Nhà Xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 1991.
5. Địa chí Tiền Giang, tập I. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang và Trung tâm UNESCO thông tin tư liệu lịch sử và văn hóa Việt Nam. XB năm 2005.

 

 

Lê Văn Tý

Nguồn tin: Báo Ấp Bắc

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập250
  • Máy chủ tìm kiếm42
  • Khách viếng thăm208
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,658,109
  • Tổng lượt truy cập40,027,485
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây