Diện mạo Tiền Giang khởi sắc sau 5 năm gia nhập WTO

Thứ sáu - 07/12/2012 00:19
Năm 2012, nước ta tròn 5 năm gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Đây là sự kiện quan trọng đánh dấu chặng đường đổi mới và hội nhập mạnh mẽ của đất nước trong đó có Tiền Giang.
Thu hoạch lúa bằng cơ giới
Thu hoạch lúa bằng cơ giới
Từ một tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp với trên 80% dân số sống nhờ vào nông nghiệp, trong 5 năm qua, Tiền Giang đã có những chuyển đổi tích cực trong cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và diện mạo nông nghiệp - nông thôn đổi mới, cuộc sống người dân ngày một ấm no. Kết quả trên cho thấy địa phương nhạy bén nắm bắt những thời cơ và vận hội mới mang lại, có những giải pháp thu hút mạnh mẽ nguồn vốn đầu tư, biết khai thác thế mạnh của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa chất lượng cao cũng như vị trí thuận lợi trung chuyển giữa đồng bằng sông Cửu Long và TP Hồ Chí Minh, khu vực Đông Nam bộ...
Theo ông Dương Minh Điều, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Tiền Giang, tỉnh đã xây dựng chương trình hành động cụ thể nhằm đưa nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững, đúng định hướng sau khi nước ta chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại thế giới, trong đó chú trọng đến các công tác trọng tâm: tuyên truyền phổ cập nhanh thông tin về hội nhập kinh tế quốc tế nhằm giúp các ngành, các cấp nâng cao nhận thức cũng như đề ra các giải pháp khả thi, cụ thể và hiệu quả đẩy nhanh tiến trình hội nhập và đổi mới của địa phương. Tỉnh quan tâm sử dụng và phát huy hiệu quả các nguồn lực nội tại, kết hợp đồng bộ với việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực bộ máy nhà nước; nâng cao năng lực cạnh tranh của địa phương và doanh nghiệp cũng như sản phẩm chủ lực. Bên cạnh đó, chú ý thúc đẩy phát triển nông nghiệp - nông dân - nông thôn, đảm bảo các chính sách an sinh xã hội trong tình hình mới.
Đầu tư kiện toàn kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại được xem là một trong những khâu đột phá tạo sức bật thúc đẩy chuyển dịch trong cơ cấu kinh tế. Từ năm 2007 đến nay, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm được triển khai trên địa bàn tỉnh: đường cao tốc Trung Lương - TP Hồ Chí Minh, Quốc lộ 60, cầu Rạch Miễu vượt sông Tiền nối Tiền Giang với Bến Tre, thi công 2.684 công trình giao thông nông thôn có tổng chiều dài 2.344 km và 368 cầu dân sinh giúp mở ra những cơ hội thuận lợi trong giao thương, đi lại, đồng thời xóa dần sự tách biệt giữa thành thị với các vùng hẻo lánh trước đây.
Đáng chú ý, tỉnh cũng quan tâm kiện toàn mạng lưới chợ nông thôn nhằm đưa hàng hóa thiết yếu đến với vùng sâu, vùng xa; khuyến khích nhân dân hưởng ứng chương trình đưa hàng Việt về nông thôn và “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đồng thời tiêu thụ nông sản hàng hóa của bà con thuận lợi, dễ dàng với giá cao. Theo báo cáo của ngành công thương, từ năm 2007 đến nay, toàn tỉnh đã đầu tư trên 216 tỉ đồng xây mới, nâng cấp và sửa chữa 83 ngôi chợ nông thôn trong đó có 18 ngôi chợ được đầu tư từ nguồn vốn xã hội hóa với kinh phí trên 92 tỉ đồng. Ngoài chợ nông thôn, Tiền Giang còn hình thành một số chợ chuyên doanh, chợ đầu mối: chợ gạo tại Bà Đắc - An Cư (Cái Bè), Phú Cường (Cai Lậy), chợ trái cây An Hữu (Cái Bè), Vĩnh Kim (Châu Thành)... đang phát huy tốt vai trò tiêu thụ nông sản chất lượng cao, tập trung hàng hóa tham gia thị trường nội địa và xuất khẩu.
Chính việc kiện toàn mạng lưới kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thương mại đã tạo cơ sở hậu cần vững chắc thúc đẩy sự phát huy tốt tiềm lực lao động - đất đai, ngành nghề, hướng nền nông nghiệp sang mục tiêu sản xuất nông sản hàng hóa hàm lượng công nghệ cao, an toàn phù hợp với xu thế đổi mới. Nó thiết thực mở ra triển vọng liên kết 4 nhà trong sản xuất bền vững và hiệu quả hơn, nhất là khi tỉnh kết hợp với việc tăng cường hội thảo, chuyển giao khoa học kỹ thuật nông nghiệp, giúp nông dân nhận thức sự cần thiết và quan tâm đến các chương trình - dự án trồng lúa chất lượng cao, trồng rau màu và cây ăn trái theo hướng vệ sinh an toàn thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học...
Những đề tài, dự án trọng điểm áp dụng khoa học công nghệ nâng cao chất lượng nông sản hàng hóa đang được triển khai như: Chương trình phát triển toàn diện cây sơ ri vùng Gò Công, cây khóm Tân Lập (Tân Phước) và cây vú sữa lò rèn Vĩnh Kim. Đồng thời do yêu cầu về phát triển nông sản an toàn, địa phương từng bước xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất lúa, rau an toàn, hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái theo tiêu chuẩn Global GAP, sản xuất thủy sản an toàn theo tiêu chí SQF, áp dụng tiêu chuẩn GAP cho vùng trồng xoài cát Hòa Lộc, vú sữa lò rèn Vĩnh Kim, thanh long Chợ Gạo, sơ ri Gò Công, nhãn Nhị Quí, chôm chôm Tân Phong, rau an toàn thị xã Gò Công; sản phẩm hủ tiếu Mỹ Tho được Cục Sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa tập thể... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 hợp tác xã nông nghiệp tham gia ký kết hợp đồng tiêu thụ nông sản hàng hóa với các doanh nghiệp. Hàng năm, tổng sản lượng lúa tiêu thụ theo hợp đồng đạt vài ngàn tấn, trên 600 tấn trái cây các loại, 450 tấn rau an toàn, 200 tấn thủy sản, 3 tấn gia cầm...
Với lợi thế có vị trí thuận lợi án ngữ các tuyến giao thông thủy bộ nối liền TP Hồ Chí Minh với các tỉnh miền Tây Nam bộ, có vùng nguyên liệu nông sản chủ lực hướng đến xuất khẩu tập trung lớn: thủy hải sản, lúa gạo, cây ăn trái các loại... Tiền Giang là một trong những địa phương tại đồng bằng sông Cửu Long sớm qui hoạch, hình thành các khu - cụm công nghiệp thu hút nguồn vốn đầu tư phát triển công nghiệp vừa giải quyết đầu ra cho nông sản hàng hóa, thu hút lao động nhằm chuyển dịch từ nông nghiệp chiếm tỉ trọng lớn sang cơ cấu kinh tế phù hợp hơn với vai trò công nghiệp - thương mại - dịch vụ được phát huy.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Tiền Giang, trên địa bàn hiện có 4 khu công nghiệp (KCN) có tổng diện tích trên 1.100 ha và 4 cụm công nghiệp (CCN) đang đi vào hoạt động. Ngoài ra, còn có 5 cụm công nghiệp mới đang được chuẩn bị đầu tư gồm: CCN An Thạnh II (Cái Bè), CCN Thanh Hòa (Cai Lậy), CCN Tam Hiệp (Châu Thành), CCN Thạnh Tân (Tân Phước) và CCN Bình Ninh (Chợ Gạo). Hiện nay, các KCN đang đi vào hoạt động đã thu hút 69 dự án đầu tư, trong đó có 36 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 918 triệu USD và trên 3.640 tỉ đồng. Các CCN đang hoạt động cũng thu hút 74 dự án với tổng nguồn vốn đầu tư trên 1.364 tỉ đồng. Chính các KCN và CCN kể trên đang đóng vai trò hạt nhân và có tác động lớn đưa nền kinh tế tỉnh nhà phát triển theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập như mục tiêu chiến lược đề ra đến 2015 và tầm nhìn 2020.
Các doanh nghiệp trong tỉnh cũng tận dụng tốt cơ hội mở ra khi nước ta gia nhập WTO để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, khuếch trương thương hiệu, đẩy mạnh xuất khẩu, thu hút ngoại tệ. Nếu như năm 2007, toàn tỉnh chỉ mới đạt kim ngạch 270 triệu USD thì đến năm 2011 đã tăng lên 740 triệu USD, gấp 2,7 lần và đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 28,7%/ năm. Tổng kim ngạch xuất khẩu từ 2007 đến 2011 của Tiền Giang đạt 2,417 tỉ USD, gấp 3,8 lần so với 5 năm trước đó (2002 - 2006). Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh gồm: thủy sản chế biến, lúa gạo, trái cây, sản phẩm may mặc... Năm 2012, Tiền Giang phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu 860 triệu USD, tăng 16,2% so với năm 2011.
Trong 5 năm đầu tiên gia nhập WTO đã cho thấy những nỗ lực đúng hướng của địa phương vốn thuần nông đang tích cực khắc phục những hạn chế để đổi mới và hội nhập. Khó khăn lớn nhất đối với Tiền Giang hiện nay là đa phần doanh nghiệp còn hạn chế về năng lực tham gia hội nhập, qui mô hầu hết doanh nghiệp nhỏ, tính chuyên nghiệp chưa cao, đội ngũ cán bộ quản lý thiếu và yếu, nguồn vốn thiếu và dây chuyền công nghệ chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ lao động còn yếu về tay nghề và thấp về trình độ, chủ yếu lao động phổ thông; cơ sở hạ tầng giao thông - thương mại mặc dù đã được đầu tư nâng cấp nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; nhiều dự án chậm triển khai ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương; vấn đề môi trường trong phát triển công nghiệp còn rất bức xúc... đang là thách thức lớn bộc lộ sau 5 năm gia nhập WTO đòi hỏi địa phương cần có giải pháp khắc phục trong thời gian tới.
Với trên 81.000 ha đất trồng lúa mỗi năm 3 vụ cho sản lượng hàng năm trên 1,3 triệu tấn lúa; khoảng 80.000 ha cây ăn quả và cây công nghiệp cho sản lượng trên 1,1 triệu tấn quả các loại/năm; tổng đàn heo gần 560.000 con, đàn bò trên 73.000 con, đàn gia cầm trên 6,2 triệu con; có nghề khai thác biển phát triển mạnh cho sản lượng trên 214.000 tấn thủy hải sản các loại/năm (kể cả nuôi trồng và đánh bắt); có lực lượng lao động dồi dào... Tiền Giang là mảnh đất màu mỡ cho các nhà đầu tư phát triển công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến xuất khẩu, đồng thời đảm bảo cho địa phương tăng tốc giai đoạn 2012 - 2015.

Cẩm Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập308
  • Máy chủ tìm kiếm15
  • Khách viếng thăm293
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,170,553
  • Tổng lượt truy cập34,756,198
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây