Ngày 28/3/1935, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ nhất họp tại Ma Cao (Trung Quốc) đã ra Nghị quyết về đội tự vệ. Đây là nghị quyết đầu tiên của Đảng về tổ chức, chỉ đạo xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng tự vệ. Nghị quyết về Đội tự vệ đã khẳng định: “Tự vệ đội càng mạnh thì tức là có điều kiện thuận lợi để sau này tổ chức du kích chiến tranh và vũ trang bạo động”. Đây là một dấu ấn quan trọng mở ra một thời kỳ mới, là tư tưởng chỉ đạo chiến lược của Đảng xuyên suốt qua các giai đoạn cách mạng. Có thể nói Nghị quyết về Đội tự vệ là khởi đầu của tư tưởng vũ trang toàn dân và tư tưởng chiến tranh nhân dân với phong trào toàn dân đánh giặc. Đây cũng là một mốc son lịch sử của DQTV Việt Nam và ngày 28/3 hàng năm trở thành Ngày truyền thống của DQTV.
Ở Tiền Giang, qua 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng đã chiến đấu kiên cường, góp phần giành thắng lợi hoàn toàn, thống nhất đất nước. Lực lượng dân quân du kích Tiền Giang đã phát huy cao độ truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của các thế hệ cha anh, lớp này ngã xuống lớp khác tiếp tục lên đường, đời con nối tiếp đời cha đánh giặc. Có hơn 27.000 liệt sĩ, trên 15.000 đồng bào ngã xuống, 5.000 thương binh, 4.000 người bị cầm tù và hàng vạn người bị thương tật, 87 tập thể và 51 cá nhân được Đảng và Nhà nước tuyên dương Anh hùng. Riêng dân quân du kích trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã có 20 xã, 1 đơn vị, 8 cá nhân được tuyên dương Anh hùng. Những tấm gương anh hùng tiêu biểu đã hiến dâng trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc, như đồng chí Ngô Văn Nhạc, Nguyễn Văn Đẩu, Lê Thị Hồng Gấm...
Sau khi đất nước thống nhất, lực lượng DQTV trên cả nước và tỉnh Tiền Giang tiếp tục phát huy tốt vai trò trong điều kiện mới, là thành phần quan trọng trong lực lượng vũ trang 3 thứ quân, nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ quân sự quốc phòng, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở cơ sở. Lực lượng DQTV còn phát huy tốt vai trò xung kích trong lao động sản xuất, phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu hộ cứu nạn,... đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ kỹ thuật tháo lắp súng
Trong thời gian qua, nhất là từ khi có Chỉ thị 16-CT/TW ngày 15/10/2002 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng DQTV và lực lượng Dự bị động viên (DBĐV) trong tình hình mới” và Luật DQTV, lực lượng DQTV được cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, các cơ quan, tổ chức, các tầng lớp nhân dân quan tâm chăm lo và xây dựng mọi mặt. Nhờ đó, có bước phát triển toàn diện, vững mạnh.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các địa phương, lực lượng DQTV được xây dựng vững mạnh, rộng khắp, đặc biệt là các địa bàn trọng điểm về quốc phòng - an ninh; có tổ chức biên chế, thành phần, số lượng phù hợp với đặc điểm địa bàn, chất lượng tổng hợp được nâng cao, nhất là chất lượng chính trị. Các địa phương đã chú trọng làm tốt công tác xây dựng đội ngũ cán bộ Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) cấp xã, gắn với tạo nguồn cán bộ trong hệ thống chính trị ở cơ sở. Nhiều mô hình điểm về tổ chức, hoạt động của DQTV đã được xây dựng, nhân rộng và phát huy hiệu quả.
Để xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cần tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:
Tiếp tục tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về công tác quân sự, quốc phòng; đặc biệt là tuyên truyền Luật DQTV, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước về DQTV, nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và toàn dân đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, trên cơ sở đó phát động quần chúng tích cực, tự giác tham gia xây dựng lực lượng DQTV; chủ động rà soát, bổ sung và kiểm tra, đôn đốc thực hiện các kế hoạch xây dựng lực lượng DQTV, coi đây là nội dung thiết thực của địa phương, cơ sở trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa XI) về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, trên cơ sở đó phát động quần chúng tích cực, tự giác tham gia xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh về mọi mặt.
Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đối với lực lượng DQTV theo Chỉ thị 16-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên trong lực lượng DQTV. Có kế hoạch bồi dưỡng, phát triển đảng viên trong lực lượng DQTV, thường xuyên củng cố, kiện toàn chi bộ quân sự ở các xã, phường, thị trấn có cấp ủy.
Kiện toàn về tổ chức, quan tâm xây dựng lực lượng DQTV theo phương châm “Vững mạnh, rộng khắp”. Tổ chức biên chế lực lượng DQTV có số lượng, trang bị phù hợp với đặc điểm, tình hình của từng địa phương, đơn vị. Coi trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng, nâng cao chất lượng huấn luyện, đảm bảo cho lực lượng DQTV có bản lĩnh chính trị vững vàng, trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Bằng nhiều giải pháp tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức Đảng và chất lượng cán bộ, đảng viên. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.