Xác định nghiệp giáo là cái duyên, là cống hiến nên sau khi tốt nghiệp ngành Sư phạm Văn (Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh), cô Hiền đã chọn trường THPT Nguyễn Đình Chiểu gắn bó từ năm 1987 cho đến ngày hôm nay.
Với môn Ngữ văn, cô Hiền xác định không phải học sinh nào cũng yêu thích, chính vì thế cô luôn có những phương pháp giảng dạy khác nhau, phù hợp với yêu cầu, sở thích của học sinh, chú trọng đến việc thực hành, tự học nhiều hơn để các em dễ dàng khắc ghi kiến thức và nhớ bài lâu. Vì vậy, các tiết dạy của cô Hiền cũng như 32 năm theo nghiệp giáo, con đò tri thức của cô Hiền đã đưa bao thế hệ học sinh đến bến bờ tương lai, thành đạt và trở thành những người có ích cho xã hội. Cô Hiền chia sẻ: “Văn chương sẽ làm cho tâm hồn mỗi người đẹp hơn. Vì vậy, mình phải dạy làm sao để các em cảm thấy yêu thích môn văn hơn. Không đơn giản chỉ dạy chữ mà phải dạy các em kỹ năng cần thiết để các em có thể bắt nhịp kịp với sự vận động của xã hội”.
Với cô, theo nghiệp giáo phải không ngừng sáng tạo, đổi mới và giải đáp thắc mắc của học sinh những khi các em có yêu cầu. Chính vì thế, cô dành nhiều thời gian giờ giải lao, các ngày nghỉ và sẵn sàng giải đáp kiến thức cần thiết cho các em học sinh, để việc củng cố kiến thức thêm vững chắc, đạt kết quả cao trong các kỳ thi và cả năm học. Cô Hiền cho biết: “Dạy chữ không chỉ trên lớp mà phải dạy bất kỳ nơi đâu nếu học sinh có nhu cầu, mình phải tận tình, tận tâm thì học sinh mới hứng thú và yêu thích môn văn. Cô giáo phải như mẹ hiền, luôn lắng nghe, thấu hiểu, cảm thông và sẻ chia. Có như thế, các em mới dám gần gũi, cởi mở trao đổi bài vở và tháo gỡ những khó khăn trong học tập”.
Chính cách giảng dạy và luôn đặt mình vào vị trí các em học sinh nên cô đã bắt được tâm lý và có được những cách dạy phù hợp. Nhiều thế hệ học trò đã thêm yêu mến, gắn bó và trân quý với người mẹ thứ hai Phạm Thị Diệu Hiền này. Em Nguyễn Duy Anh, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Các tiết dạy của cô luôn sinh động, từ việc dè dặt, không yêu thích môn văn, chỉ học để đủ tốt nghiệp, mà nay em xem đây là môn học chính thức; được sự dìu dắt của cô, em đã trở thành thành viên đội tuyển học sinh giỏi môn văn của nhà trường”.
Cùng chung quan điểm, em Phạm Nguyễn Ngọc Gia Hân, học sinh Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu chia sẻ: “Cô không đơn thuần chỉ dạy các em những kiến thức trong sách giáo khoa mà cô còn liên hệ thực tế rất nhiều, giúp các em nhớ kiến thức lâu hơn, không cần phải học thuộc lòng vẫn nắm được kiến thức. Cô giúp chúng em thêm tự tin và sẵn sàng cho các kỳ thi sắp tới. Không riêng gì bản thân em mà hầu hết các bạn đều yêu thích các tiết học do cô Hiền dạy”.
Với vai trò là tổ trưởng tổ chuyên môn Ngữ Văn cùng 32 năm gắn bó với nghiệp giáo, cô Hiền đã tiếp lửa cho bao thế hệ học sinh và đồng nghiệp. Với cô Hiền, niềm vui lớn nhất của người giáo viên không phải là những bằng khen, giấy khen hay những thành tích đạt được, mà với cô, phần thưởng lớn nhất là các thế hệ học trò thành đạt và trở thành đồng nghiệp của mình để cùng phát huy truyền thống “Cách mạng - dạy giỏi - học giỏi” của ngôi trường mang tên Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu qua 140 năm xây dựng và phát triển này.
Cô Hiền bộc bạch: “Chính niềm đam mê, yêu quý cô giáo dạy văn của mình mà tôi theo đuổi nghiệp giáo và chọn nối nghiệp cô. Ngày hôm nay, cũng có nhiều em học sinh do mình giảng dạy nên người, yêu quý mình và trở về trường nối nghiệp mình để truyền đạt kiến thức cho các em, trở thành đồng nghiệp của mình, cùng lèo lái con đò tri thức đưa các em đến bến bờ tương lai, không gì hạnh phúc bằng việc nhìn các em thành đạt. 32 năm theo nghiệp giáo, tôi chưa bao giờ hối tiếc với nghề mà mình đã chọn. Tôi tự nhủ phải phấn đấu và phấn đấu nhiều hơn trên từng trang giáo án, từng bài giảng để các em thêm yêu thích và gắn bó với môn văn này hơn”.
Nhận xét về người giáo viên tâm huyết với nghiệp giáo Phạm Thị Diệu Hiền, thầy Lê Bá Ngọc - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu cho biết: “Cô Hiền tâm huyết với nghiệp giáo, cô có những phương pháp dạy rất sinh động, cuốn hút học sinh yêu thích môn văn hơn. Cô truyền cảm hứng cho giáo viên và học sinh rất nhiều, đồng nghiệp được cô tận tình chia sẻ kinh nghiệm, các phương pháp dạy sinh động. Cô đã góp công sức rất lớn, mang thành tích chung về cho nhà trường”.