Trên những nét căn bản nhất, có thể nhận diện tính tổng hòa của ẩm thực Tiền Giang như sau:
Trước hết là tổng hoà về mặt tự nhiên.
Về mặt tự nhiên, toàn tỉnh có địa hình khá đa dạng gồm ruộng đồng, sông rạch, giồng gò (miệt vườn/Ba Giồng và vùng đất Gò Công), bồn trũng (thuộc Đồng Tháp Mười) và ven biển (các huyện Gò Công Đông, Tân Phú Đông). Sự đa dạng về điều kiện tự nhiên đó dẫn đến sự đa dạng về nguồn lương thực và sản vật nói chung. Ở Tiền Giang phong phú cả về nguồn lúa gạo (lúa hạt tròn ở vùng đất cao Gò Công, lúa hạt vừa ở vùng trũng Đồng Tháp Mười) lẫn thuỷ sản (gồm thuỷ sản nước phèn, nước ngọt, nước lợ và nước mặn), trái cây và rau củ quả. Do đó, có thể nói, Tiền Giang là một trong những tỉnh có điều kiện tự nhiên và sản vật khá tiêu biểu cho cả Đồng bằng sông Cửu Long.
Tính tổng hoà về mặt tự nhiên trong văn hoá ẩm thực Tiền Giang thể hiện ở chỗ, trong cùng một bữa ăn thường có nhiều món của nhiều vùng sinh thái khác nhau: cơm gạo, rau dại (rau rừng), rau trồng, cá đồng, cá sông, cá biển, thịt,…
Kế đến là tổng hoà về mặt xã hội.
Địa bàn tỉnh Tiền Giang nằm ở vị trí cửa ngõ phía tây nam của Sài Gòn đi các tỉnh miền Tây, là giao điểm của 3 tuyến giao thông quan trọng nhất ở Đồng bằng sông Cửu Long:
Đường thuỷ nội địa (kinh Chợ Gạo và kinh Nguyễn Văn Tiếp);
Đường bộ (Quốc lộ 1, Quốc lộ 50, Quốc lộ 60 và đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương);
Đường thuỷ giao thương quốc tế (sông Tiền).
Chính vì vậy, có thể nói Tiền Giang là một trong những địa phương nằm ở vị trí trung tâm của Đồng bằng sông Cửu Long. Đây chính là cơ sở quan trọng để làm nên tính tổng hoà về mặt xã hội (giao lưu văn hoá) của Tiền Giang.
Do có vị thế đầu mối đặc biệt như thế nên từ các thế kỷ trước, địa bàn Tiền Giang đã là nơi đặt chân sớm nhất của lưu dân người Việt, người Hoa (từ năm 1679 với Mỹ Tho đại phố) và là nơi hội tụ của nhiều tộc người, gồm Việt, Hoa và Khmer. Sang thế kỉ XIX, người Khmer dần dần rời khỏi vùng Tiền Giang, còn lại chủ yếu hai tộc Việt (đa số) và Hoa (thiểu số) sống hoà trộn, khăng khít với nhau. Từ giữa thế kỷ XIX, người Pháp và một số ít người Ấn Độ cũng có mặt tại Tiền Giang cùng với guồng máy cai trị của chính quyền thực dân.
Chính sự tổng hoà về tự nhiên và xã hội như thế là nền tảng để hình thành bức tranh phong phú của bộ mặt văn hoá - xã hội Tiền Giang. Đồng thời, do ăn uống là nhu cầu thiết yếu của đời sống nên văn hoá ẩm thực Tiền Giang cũng thể hiện rõ nét đa dạng như là hệ quả của điều kiện tự nhiên và xã hội phong phú của vùng đất này.
Nét đa dạng đó chính là thành quả của giao lưu văn hoá ẩm thực tộc người qua hàng trăm năm giữa các cộng đồng Việt, Hoa, Khmer, Pháp, Ấn Độ,... Sản phẩm của nó là những món ăn đặc sắc do nhiều cách chế biến khác nhau, tận dụng được nhiều nguồn nguyên liệu địa phương và có giá trị dinh dưỡng cao. Tiêu biểu của tính tổng hoà này là món hủ tiếu Mỹ Tho, món lẩu,... (giao lưu Việt - Hoa); món bún nước lèo, canh chua,... (giao lưu Việt - Khmer); món ra gu, bánh mì kẹp thịt,... (giao lưu Việt - Pháp); món cà ri,... (giao lưu Việt - Ấn),... Gần đây, ẩm thực Tiền Giang còn tổng hoà thêm nhiều yếu tố ẩm thực của rất nhiều nước Âu - Mỹ, Hàn Quốc, Thái Lan,…
Tính tổng hòa về ẩm thực ở Tiền Giang đã làm cho diện mạo ẩm thực của địa phương càng thêm đa dạng, góp phần vào sự phong phú của kho tàng ẩm thực Việt Nam.