Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là chiến thắng của sức mạnh chính trị tinh thần toàn dân tộc, chiến thắng của ý chí quyết tâm chiến đấu dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng giặc Mỹ xâm lược của Hải quân nhân dân Việt Nam và của quân dân miền Bắc nước ta; là biểu tượng của bản lĩnh Việt Nam kiên cường bất khuất, của dân tộc yêu tự do, độc lập, không bao giờ chịu khuất phục trước kẻ thù xâm lược; của trí tuệ, lòng yêu nước, căm thù giặc và nghệ thuật quân sự Việt Nam được kế thừa, phát triển trong thời đại Hồ Chí Minh. Chiến thắng ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã tô thắm thêm truyền thống của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tiếp tục khẳng định sự đúng đắn trong lãnh đạo, chỉ đạo chiến lược tài tình, sáng suốt của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh ngay từ khi Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam. Đồng thời khẳng định về sự rèn luyện bản lĩnh, ý chí quyết tâm, lòng dũng cảm kiên cường, tinh thần cảnh giác cách mạng, chủ động, mưu trí sáng tạo, vượt qua khó khăn gian khổ, ác liệt của bộ đội Hải quân, quyết tâm đánh thắng kẻ thù mạnh hơn ta nhiều lần, có trang bị vũ khí hiện đại, khi chúng liều lĩnh xâm phạm chủ quyền vùng trời, vùng biển của Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là thắng lợi của đường lối chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính; của nghệ thuật quân sự “lấy ít địch nhiều, lấy yếu đánh mạnh”, đánh địch bằng vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có; là thắng lợi của trí thông minh và lòng dũng cảm của quân và dân ta trong cuộc đọ sức quyết liệt với sức mạnh của hải quân và không quân hiện đại của giặc Mỹ. Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 là chiến công tiêu biểu đầu tiên có ý nghĩa hết sức quan trọng, tạo tiền đề thuận lợi, cổ vũ động viên khí thế tiến công của quân và dân ta quyết tâm đánh bại các bước “leo thang” chiến tranh của đế quốc Mỹ, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc, sát cánh cùng tiền tuyến lớn miền Nam tạo nên sức mạnh tổng hợp của cách mạng để đánh thắng Mỹ, ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 tạo được tiếng vang lớn trên thế giới về dân tộc Việt Nam nhỏ bé nhưng đã hạ gục uy thế của “không lực Hoa Kỳ” ngay từ trận đầu chúng tiến hành mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam, đã đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng triệu người đang đấu tranh cho độc lập dân tộc, dân chủ, hòa bình và tiến bộ trên thế giới.
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã để lại cho chúng ta nhiều bài học quý báu, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc không chỉ đối với lịch sử mà còn với cả hiện nay và mai sau:
Một là, luôn giáo dục quán triệt sâu sắc tình hình yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm chiến đấu cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành nhiệm vụ trong mọi tình huống: Đây là bài học có ý nghĩa giá trị to lớn, là yêu cầu quan trọng mang tính nguyên tắc trong quá trình quản lý, giáo dục, huấn luyện, rèn luyện, bồi dưỡng bộ đội và xây dựng đơn vị. Được giáo dục, rèn luyện tốt từ trước nên khi bước vào trận chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, dù là lần đầu tiên nhưng cán bộ, chiến sĩ không hề nao núng trước những thử thách khốc liệt của trận đọ sức với kẻ thù có vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện đại và nhiều hơn ta gấp nhiều lần. Ngay từ khi xây dựng, huấn luyện trong hòa bình, bên cạnh việc thường xuyên tổ chức học tập, giáo dục quán triệt tình hình nhiệm vụ, các đơn vị đã chú trọng giáo dục xác định trách nhiệm cho bộ đội, nêu cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu, sẵn sàng làm nhiệm vụ; giáo dục tinh thần yêu nước, yêu Tổ quốc, lòng căm thù giặc và những âm mưu, thủ đoạn xảo quyệt của kẻ thù, về tương quan lực lượng giữa ta và địch, những thuận lợi, khó khăn của ta, xây dựng ý chí quyết tâm, không sợ khó khăn gian khổ, thử thách ác liệt, sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn.
Hai là, luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực làm tốt công tác chuẩn bị chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, không để bị động, bất ngờ trong các huống: Đây là bài học thường xuyên quan trọng, là yêu cầu có tính nguyên tắc trong giáo dục, huấn luyện, rèn luyện bộ đội, một trong những cơ sở bảo đảm cho giành thắng lợi ngay từ đầu trận chiến đấu. Chính vì nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động, tích cực trong nắm, phân tích tình hình diễn biến trên chiến trường và dự báo đúng âm mưu, thủ đoạn của địch, nên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã sớm chỉ đạo chuẩn bị sẵn sàng đập tan âm mưu mở rộng chiến tranh đánh phá của đế quốc Mỹ ra miền Bắc; quân dân ta đã chủ động trong xây dựng các trận địa, lực lượng phòng không nhân dân kịp thời phối hợp với Hải quân đánh trả máy bay địch ngày 05 tháng 8 năm 1964. Quân chủng Hải quân và Quân chủng PK-KQ đã chủ động tăng cường bố trí lực lượng kết hợp giữa các đài ra đa, trạm quan sát và trinh sát kỹ thuật để nắm tình hình địch, quản lý vững chắc tình hình mặt biển, vùng trời, kịp thời phát hiện và theo dõi sát các hoạt động của tàu và máy bay địch, đồng thời tích cực chuẩn bị mọi mặt cả về chính trị tinh thần, vũ khí trang bị, cơ sở vật chất, tổ chức huấn luyện, diễn tập các phương án để bảo đảm cho sẵn sàng chiến đấu.
Ba là, nêu cao tinh thần tự lực tự cường, khắc phục khó khăn, gian khổ, dám đánh, quyết đánh và biết đánh thắng kẻ thù xâm lược trong mọi điều kiện hoàn cảnh cho dù chúng có khả năng hơn ta gấp nhiều lần: Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 đã chứng minh trí thông minh, lòng dũng cảm, tinh thần tự lực, tự cường vượt qua khó khăn, thách thức ác liệt, nêu cao ý chí không bao giờ chịu khuất phục để hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ các đơn vị. Chúng ta đã biết khai thác những điểm yếu, sơ hở của địch (xâm phạm trái phép vào vùng biển, vùng trời của ta nên sợ ta giáng trả; tàu khu trục lớn nên khả năng cơ động chiến đấu khó khăn; máy bay hoạt động xa căn cứ nên nhiên liệu không bảo đảm cho kéo dài thời gian tác chiến…); phát huy thế mạnh và vũ khí trang bị hiện có của ta (lòng yêu nước nồng nàn, căm thù giặc sâu sắc, ai cũng muốn được đi chiến đấu lập công để trả thù cho đồng bào miền Nam đang hàng ngày, hàng giờ bị Mỹ ngụy kìm kẹp và tàn sát dã man); chủ động đề ra phương án tác chiến, tìm thời cơ thuận lợi nhất để đánh địch đạt hiệu quả, buộc địch phải chuyển từ thế chủ động thành bị động theo cách đánh của ta (như chọn đánh tàu địch ở khu vực Hòn Mê vừa để chúng vào sâu khu vực của ta hơn, hành trình đến vị trí đợi cơ của tàu phóng lôi không dài và hạn chế được ảnh hưởng của sóng gió lớn khi tác chiến; máy bay địch chủ động vào tấn công đánh phá nhưng lại bị ta làm cho phân tán lực lượng, không đạt hiệu quả như chúng muốn và bị ta tiêu diệt).
Bốn là, phát huy sức mạnh tổng hợp, trong đó đặc biệt coi trọng công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và nắm chắc lực lượng, chỉ đạo chặt chẽ từng giai đoạn của cuộc chiến đấu, bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ, nắm vững thời cơ, vận dụng cách đánh hợp lý, đạt hiệu quả cao: Thắng lợi của trận chiến đấu là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, một trong những yếu tố giữ vai trò quan trọng là vấn đề tổ chức lãnh đạo, chỉ huy, điều hành chiến đấu, năng động, linh hoạt trong sử dụng lực lượng và vận dụng các biện pháp tác chiến đúng thời cơ, có hiệu quả chiến đấu cao. Công tác tổ chức chỉ huy, điều hành được tiến hành đầy đủ các bước, từ nắm tình hình, xây dựng kế hoạch tác chiến, quán triệt nhiệm vụ, tổ chức lực lượng, tổ chức bảo đảm các mặt, xây dựng các văn kiện chiến đấu, chuẩn bị mệnh lệnh chỉ thị... được thực hiện nghiêm túc, đúng theo yêu cầu nhiệm vụ chiến đấu; đồng thời bảo đảm tuyệt đối giữ bí mật để địch không phát hiện được những dấu hiệu của ta chuẩn bị cho trận đánh.
Năm là, kịp thời điều chỉnh đội hình, phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, bố trí xen kẽ nhiều loại vũ khí, hỏa lực tập trung từ xa đến gần, ở cả tầm thấp và tầm trung là yếu tố quan trọng bắn rơi máy bay địch: Từ thực tế chiến đấu ngày 05 tháng 8 năm 1964 đã cho thấy, để chiến đấu giành thắng lợi, cùng với việc tổ chức phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa cán bộ, chiến sĩ trong từng đơn vị, giữa các Quân chủng, lực lượng và đơn vịvới nhau, giữa cấp trên với cấp dưới và giữa các mặt, các lĩnh vực hoạt động, chúng ta còn phải làm tốt công tác tổ chức lãnh đạo, chỉ huy và điều hành chiến đấu. Đây là yếu tố có vai trò hết sức quan trọng để phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của các đơn vị trong quá trình chiến đấu. Những ngày cuối tháng 7 năm 1964, Quân chủng Hải quân và Quân chủng PK-KQ đã chỉ đạo các đơn vị đã bổ sung phương án, kiểm tra các mặt bảo đảm công sự, ngụy trang phương tiện, VKTB, chuẩn bị khí tài...
Sáu là, luôn giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật, đoàn kết hiệp đồng và làm tốt công tác chính sách trong chiến đấu: Kỷ luật là sức mạnh của quân đội. Giữ vững tính tổ chức, tính kỷ luật là một trong những nét đặc trưng của quân đội và là nguyên tắc trong duy trì điều lệnh kỷ luật của người quân nhân. Trong chiến đấu, yêu cầu tính tổ chức, tính kỷ luật càng phải được thực hiện nghiêm ngặt. Mọi mệnh lệnh của người chỉ huy, nền nếp, chế độ, điều lệnh, điều lệ quân đội, điều lệnh tàu được thực hiện nghiêm là cơ sở bảo đảm cho chiến đấu thắng lợi. Trong chiến đấu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964, cũng cho chúng ta thấy để bảo đảm thắng lợi trong chiến đấu cần phải luôn xây dựng và phát huy tốt mối đoàn kết, hiệp đồng chặt chẽ giữa các ngành, các vị trí chiến đấu trong toàn tàu, giữa các tàu trong biên đội, trong cụm chiến đấu, giữa hải quân với lực lượng phòng không, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn và với đảng bộ, chính quyền, nhân dân, dân quân du kích địa phương; vừa chiến đấu vừa làm tốt công tác chính sách, nhất là chính sách thương binh, liệt sĩ. Đó là yêu cầu mang tính nguyên tắc thường xuyên quan trọng đối với đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chiến đấu, huấn luyện, học tập, công tác, xây dựng đơn vị.
Bảy là, không ngừng nâng cao trình độ làm chủ khoa học kỹ thuật quân sự, khai thác sử dụng hiệu quả các loại vũ khí trang bị kỹ thuật hiện có: Trong quân đội, để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu, nếu chỉ giáo dục, xây dựng cho người quân nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng, ý chí quyết tâm cao, tinh thần trách nhiệm, khắc phục khó khăn, sẵn sàng nhận nhiệm vụ... thì chưa đủ, mà đồng thời phải bồi dưỡng, giáo dục cho người quân nhân có trình độ làm chủ về khoa học kỹ thuật, nhất là khoa học kỹ thuật quân sự, nắm vững các nguyên tắc, phương án, phương châm, tư tưởng chỉ đạo tác chiến; có trình độ về kỹ thuật, chiến thuật quân sự, nắm vững tính năng, tác dụng và sử dụng thành thạo, phát huy có hiệu quả các loại vũ khí trang bị hiện có.
Chiến thắng trận đầu ngày 02 và 05 tháng 8 năm 1964 để lại cho chúng ta nhiều bài học quý. Đó là cơ sở để thế hệ cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang hôm nay hôm nay nghiên cứu, vận dụng sáng tạo trong hoàn cảnh mới, sẵn sàng đánh thắng mọi kẻ thù xâm lược và phương thức tác chiến của chúng.