Đề cương tuyên truyền Anh hùng dân tộc Trương Định (1820 - 1864)

Thứ năm - 15/08/2024 02:19
Nhân kỷ niệm 160 năm Ngày Anh hùng dân tộc Trương Định (1820 - 1864), Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đăng toàn văn Đề cương tuyên truyền Anh hùng dân tộc Trương Định để cán bộ, đảng viên và Nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiểu sâu sắc lòng yêu nước và tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Anh hùng dân tộc Trương Định.
Tượng đài Trương Định tại TP. Gò.Công, Tiền Giang.
Tượng đài Trương Định tại TP. Gò.Công, Tiền Giang.
1. Trương Định và cuộc dấy binh

Trương Định tên thường gọi là Trương Công Định, sinh năm 1820, người thôn Trường Định, xã Tư Cung, phủ Bình Sơn (nay là xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Cha Trương Định là Trương Cầm thuộc dòng dõi quan lại. Năm 1844, dưới thời Thiệu Trị, Trương Cầm được phong làm lãnh binh của tỉnh Gia Định (chức Hữu thủy vệ úy).

Xuất thân trong một gia đình phong kiến, Trương Định có điều kiện để thi đỗ làm quan, vinh thân nhưng ông không đi theo con đường đó. Trương Định  theo cha vào Nam, đến xứ Gò Công. Tại đây, ông lấy vợ là bà Lê Thị Thưởng (con một hào phú ở huyện Tân Hòa, nay là Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang). Sau khi cha mất, ông ở lại quê vợ.

Năm 1850, thực hiện chính sách di dân lập ấp của triều đình nhà Nguyễn, ông trở về quê nhà chiêu mộ người vào khai hoang tại Gò Công. Trong cuộc khai khẩn đầy gian khó nhưng với khí chất, tính cách của người Quảng Ngãi: kiên trì, gan góc, trọng chữ tín,Trương Định đã chung lưng đấu cật, đoàn kết một lòng với nhân dân biến vùng đất Gò Công hoang vu trở thành tươi tốt, trù phú. Do có uy tín và địa vị xã hội nên khi vừa dựng cờ khởi nghĩa Trương Định đã quy tụ được nhiều nghĩa quân tham gia chống Pháp.

Tháng 2 năm 1859, khi thực dân Pháp tấn công thành Gia Định, với lòng yêu nước nồng nàn, Trương Định đem Cơ binh gia nhập quân triều đình Huế chống giặc. Ông thường đi tiên phong và lập được nhiều chiến công, nổi bật là trận phục kích giết tên Đại úy Barbe của Pháp ngày 07/12/1860. Đầu năm 1861, Pháp tấn công Gia Định, đại đồn Chí Hòa thất thủ, Trương Định đưa quân về đóng giữ vùng đất Tân Hòa và xây dựng nơi đây thành căn cứ chống Pháp. Ông gấp rút xây dựng một hệ thống đồn lũy, mộ thêm quân, tích trữ lương thực, rèn đúc vũ khí. Lực lượng nghĩa quân của ông phát triển lên đến 6.000 người, địa bàn hoạt động rất rộng, không chỉ ở Gò Công, Gia Định mà còn ở Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Gia Định, lên cả biên giới Campuchia. Ông quan hệ mật thiết với các thủ lĩnh quân và các nhà Nho yêu nước: Đỗ Trình Thoại, Tri huyện Âu Dương Lân, Phủ Cậu Trần Xuân Hòa, Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân, cử nhân Phan Văn Đạt, hương thân Lê Cao Dũng, cử nhân Phan Văn Trị, Hồ Xuân Hiệp, Nguyễn Đình Chiểu, Trà Quý Bính, Võ Duy Dương,... Một số văn thân như: Nguyễn Thành Ý, Phan Trung, mỗi người mộ được 2.000 quân cũng kéo đến hợp tác với Trương Định. Nhờ vậy, phong trào kháng chiến dâng lên như bão táp, tấn công vào kẻ thù xâm lược, gây cho chúng nhiều tổn thất nặng nề.

Từ tháng 4 năm 1861 đến tháng 3 năm 1862, thực dân Pháp đã chiếm được các thành  Định Tường, Biên Hòa, Vĩnh Long. Vua Tự Đức lo sợ, liền ký Hòa ước Nhâm Tuất ngày 05/6/1862 cắt 03 tỉnh miền Đông Nam kỳ và đảo Côn Lôn cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh, phong cho ông chức Lãnh binh An Hà và đi nhận chức mới ở An Giang. Nhưng theo yêu cầu của nhân dân và nghĩa sĩ, Trương Định đã khước từ lệnh của triều đình và nhận danh hiệu “Bình Tây Đại Nguyên Soái” do dân phong. Ông ở lại Tân Hòa cùng nhân dân tiếp tục chống giặc Pháp.

2. Trương Định phất cao lá cờ Bình Tây

Lúc bấy giờ, cùng với khởi nghĩa Trương Định vào căn cứ Gò Công, cao trào kháng Pháp diễn ra mạnh mẽ ở nhiều địa phương đã đẩy quân Pháp vào tình trạng bế tắc trầm trọng. Chiến sự ác liệt, khí hậu khắc nghiệt, bệnh tật, ....làm cho quân Pháp suy giảm nhanh chóng và không được sự chi viện của chính quốc. Nghĩa quân Trương Định tiến hành một loạt trận đánh vang dội sau khi triều đình ký Hòa ước. Ngày 06/12/1862, nghĩa quân bố trí đánh chiếc thuyền trên sông Vàm Cỏ, mở màn cho cuộc tổng công kích 10 ngày sau. Cuộc tổng công kích của nghĩa quân Trương Định bất ngờ và đồng loạt vào ngày 16/12/1862, nghĩa quân tấn công hầu hết các đồn ở Biên Hòa, Gia Định, Mỹ Tho như tập kích đồn Rạch Tra, tấn công đồn Long Thành, đồn Rạch Kiến,...

Tập kích đồn Rạch Tra, đây là trận đánh lớn đầu tiên của nghĩa quân. Lợi dụng đêm tối, nghĩa quân leo lên đồn, giết lính gác, đột nhập vào trong đồn, giết chết đồn trưởng Thouroude bằng mác gỗ, thu được nhiều khí giới, đạn dược rồi rút lui. Ở Biên Hòa, hàng nghìn đồng bào Kinh và đồng bào thiểu số tiến đánh các trại giặc. Ở Bà Rịa, quân khởi nghĩa chiếm được nhiều huyện. Tại huyện Long Thành, viên tri huyện bị giết, toàn bộ lính mã tà về theo nghĩa quân. Riêng trận tập kích chiến thuyền tại Bến Lức và vây đồn Phước Hòa, nghĩa quân chia thành nhiều toán tiến đánh thuyền chiến của giặc tại Bến Lức. Trong trận này có lực lượng của nghĩa quân Nguyễn Trung Trực và đồng thời có khoảng 1.000 nghĩa quân đến bao vây đồn giặc tại Phước Hòa, lính Pháp chống cự không nổi phải cầu cứu lính Tây Ban Nha giúp đỡ. Ở Mỹ Tho, hơn 1.200 nghĩa quân tiến đánh đồn Thuộc Nhiêu, nghĩa quân chiếm được và kiểm soát được trục đường Sài Gòn - Biên Hòa. Tấn công đồn Rạch Kiến, cuộc công kích đồng loạt của nghĩa quân trong ngày 18/12/1862, nghĩa quân đã tập kết khoảng 2.000 người, có trang bị súng đại bác bắn đá, gây cho giặc nhiều thiệt hại nặng nề.

Đầu năm 1863, dưới sự chỉ huy của Trương Định, nghĩa quân đã tấn công giặc Pháp ở nhiều nơi. Sau đó, ông cho nghĩa quân lui khỏi căn cứ Tân Hòa và đến lập căn cứ mới ở “Đám lá tối trời” (nay thuộc xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông). Từ nơi này, ông thường xuyên liên lạc với Thiên Hộ Dương ở Đồng Tháp Mười và bắt liên lạc với phong trào kháng Pháp của người Khơ-me ở vùng Châu Đốc-Tà Keo. Giặc Pháp tiếp tục bao vây “Đám lá tối trời”, truy kích Trương Định. Ông đưa quân sang Lý Nhơn (nay thuộc thành phố Hồ Chí Minh) lập căn cứ mới. Tháng 9/1863, giặc Pháp tấn công căn cứ Lý Nhơn. Ông đưa quân trở lại Gò Công.

Đêm 19 tháng 8 năm 1864, do biết nơi ở của ông, tên phản bội Huỳnh Văn Tấn dẫn một toán lính bí mật bao vây ngôi nhà ông ở, đến sáng ngày 20 tháng 8 năm 1864, chúng ập vào nhà, sau một hồi giáp lá cà, ông bị thương nặng. Để không rơi vào tay giặc, ông rút gươm tuẫn tiết tại Ao Dinh (nay thuộc ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang) khi ấy ông mới 44 tuổi. Trương Định đã anh dũng hi sinh vì đại nghĩa cứu nước, cứu dân; nghĩa quân và nhân dân Nam kỳ mất đi một vị lãnh tụ có tài, thủ lĩnh các nhóm nghĩa quân mất đi một người chiến đấu trung thành, tài trí và dũng cảm, để lại tiếc thương trong lòng người dân Gò Công và Nam bộ.

3. Cờ nghĩa dấy lên khắp miền Lục tỉnh

Tiếp nối khởi nghĩa Trương Định, các tướng dưới trướng của ông tiếp tục tỏa đi các nơi tiếp tục công cuộc chống Pháp. Nguyễn Ngọc Thăng (lãnh binh Thăng) vẫn giữ vững căn cứ Đám lá tối trời ở Gia Thuận; Thiên Hộ Dương và Thủ Khoa Huân rút về kháng địch ở Định Tường; Trương Quyền, con trai Trương Định, lên xây dựng cơ sở kháng chiến ở vùng Tháp Mười - Tây Ninh, liên kết với cuộc khởi nghĩa của nhân dân Campuchia do Pucômbô lãnh đạo.

Mặc dù các phong trào cuối cùng đều thất bại nhưng đã trở thành bằng chứng về ý chí kiên quyết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ Việt Nam và góp phần viết nên những trang sử hào hùng trong lịch sử chống xâm lược ngoại bang của nhân dân Nam Bộ nói riêng, của dân tộc Việt Nam nói chung. Với ý chí kiên cường của nghĩa quân Trương Định đã trở thành ngọn lửa thổi bùng lên tinh thần yêu nước, có sức cổ vũ mãnh liệt đối với toàn bộ phong trào chống Pháp đương thời, tạo thành một làn sống quật cường cuồn cuộn dâng lên khắp Nam kỳ.

Hiện nay, lăng mộ và đền thờ của ông ở thành phố Gò Công được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 1984. Đền thờ của ông ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông cũng được Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử quốc gia năm 2004. Ngoài ra, đền thờ ông còn có ở một số nơi khác, như Tân Phước, Tân Tây, Tân Hòa (huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang), Bửu Hòa, Phước Hòa (thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai), xã Tịnh Khê (thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1995, tượng đài ông được tạo tác bằng đá hoa cương, cao 8m, bệ bằng bê tông ốp đá cao 4m. Đến năm 2006, tượng được thay bằng chất liệu đồng, tọa lạc tại phường 2, thành phố Gò Công, là di tích Lịch sử - Văn hóa cấp tỉnh. Ở thành phố Gò Công, huyện Gò Công Đông, thành phố Mỹ Tho (tỉnh Tiền Giang), thành phố Quảng Ngãi (tỉnh Quảng Ngãi), thành phố Hồ Chí Minh, thủ đô Hà Nội,… và nhiều tỉnh, thành khác đều có đường phố mang tên ông. Đồng thời, tên ông còn được đặt cho một trường trung học phổ thông ở thành phố Gò Công và nhiều địa phương khác trên cả nước.

Cuộc đời và sự nghiệp của ông đã được khắc họa trên sân khấu và điện ảnh, như hai vở cải lương Bình Tây Đại nguyên soái của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Thành Châu (1978), Cờ nghĩa giồng Sơn Quy của Nghệ nhân ưu tú Huỳnh Anh (vở này đạt Huy chương Bạc tại Hội diễn sân khấu toàn quốc năm 2010), bộ phim Bình Tây Đại nguyên soái của Nhà biên kịch Phạm Thùy Nhân do Hãng phim Cửu Long sản xuất năm 2013. Lễ hội tưởng niệm ông diễn ra trong các ngày 17 và 18/8 hàng năm tại xã Tịnh Khê, thành phố Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi và trong các ngày 19 và 20/8 tại lăng mộ và đền thờ của ông ở thành phố Gò Công cũng như tại đền thờ ở xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang.

4. Thay lời kết

Có thể thấy rằng, Trương Định hiểu sâu sắc lòng yêu nước của nhân dân và ý chí quật cường của nghĩa quân ông đã đánh tan mọi ràng buộc, biến nó trở thành sức mạnh, ra sức chống thực dân Pháp, gìn giữ từng mảnh đất của dân tộc. Đây được xem là bước ngoặt vĩ đại trong sự nghiệp cứu nước của ông, đưa cuộc khởi nghĩa lên một tầm cao mới, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào khởi nghĩa trong cả nước và xứng đáng là cuộc khởi nghĩa tiêu biểu trong buổi đầu đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược trên đất nước ta. Tuy sự nghiệp cứu nước chưa thành, ước nguyện cứu dân chưa đạt, nhưng Trương Định đã để lại tấm gương về lòng yêu nước thương dân, về tinh thần kiên trung, bất khuất, về phẩm chất thắng không kiêu, bại không nản, tiền tài, danh vọng, uy vũ không thể khuất phục, quyết chiến đấu đến cùng vì quyền lợi tối thượng của quốc gia, dân tộc.

Tinh thần Trương Định và cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo được nhân dân Tiền Giang phát huy trong đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước. Trong xây dựng, bảo vệ đất nước và thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, Tiền Giang đạt nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng,... Tự hào về truyền thống đấu tranh kiên cường, bất khuất của Trương Định, Đảng bộ và nhân dân Tiền Giang tiếp tục phát huy cao độ truyền thống yêu nước, cùng nhau đoàn kết vượt qua khó khăn, chủ động nắm bắt thời cơ, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế tỉnh nhà phát triển nhanh và bền vững, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đưa đất nước ta vững bước trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Tải đề cương tuyên truyền tại đây:

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tiền Giang

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập329
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm275
  • Hôm nay44,024
  • Tháng hiện tại1,683,773
  • Tổng lượt truy cập40,053,149
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây