Thực hiện Nghị quyết 10-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế đô thị 03 vùng, huyện Tân Phú Đông đã tập trung đầu tư xây dựng trụ sở các cơ quan hành chính, hạ tầng khu trung tâm huyện. Đến nay, đã hoàn thành các dự án đầu tư khu trung tâm, từng bước đạt tiêu chí đô thị loại V trong năm 2025 như đường vào khu trung tâm hành chính huyện, đường nội bộ khu trung tâm, hệ thống xử lý nước thải, thảm cỏ, cây xanh, công viên và nâng cấp mở rộng đường tỉnh 877B đoạn qua khu trung tâm hành chính huyện.
Các mô hình kinh tế kết hợp xuất hiện ngày càng nhiều, mở ra triển vọng cho nền kinh tế kết hợp nông, ngư nghiệp của huyện hiện nay. Phong trào nuôi thủy sản không những phát triển mạnh, nâng diện tích gần 7.000 ha mà còn được quy hoạch vùng nuôi rất cụ thể, cùng với cây sả, diện tích hơn 3.800 ha, từng bước được xây dựng thành vùng chuyên canh đã tạo nên mũi nhọn kinh tế rất đặc trưng của huyện cù lao.
Kế đến là sự thay đổi vượt bậc về kết cấu cơ sở hạ tầng như: Điện, đường, trường, trạm và nước sinh hoạt. Con đường huyết mạch nối liền 05 xã cù lao của huyện là Đường tỉnh 877 đang được nâng cấp mở rộng toàn tuyến, kéo theo nhà cửa mọc lên san sát, chợ búa mua bán cũng sầm uất hơn nhiều so với các năm về trước. Nhiều cơ sở kinh doanh, sản xuất ngành nghề truyền thống tiểu thủ công nghiệp cũng từ đây mà ngày càng phát triển, góp phần tạo việc làm, tăng thêm thu nhập, nâng cao mức sống của người dân lên gấp nhiều lần so với trước.
Tập trung đầu tư phát triển giao thông một cách bền vững, tạo sự gắn kết, liên hoàn thông suốt từ mạng lưới giao thông quốc gia đến đường tỉnh, đường huyện, đường xã, giữa các huyện trong vùng phía đông của tỉnh. Cùng với đường tỉnh, các tuyến đường huyện cũng dược đầu tư nâng cấp cùng với hệ thống cầu đường giao thông nông thôn phát triển đồng bộ, phục vụ tốt nhu cầu đi lại vận chuyển hàng hóa của người dân. Đặc biệt, công trình cầu Tân Thạnh nối liền hai bờ sông Cửa Trung được xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng; triển khai các công trình giao thông kết nối ngoài vùng như nâng cấp mở rộng toàn tuyến đường tỉnh 877B, đường huyện 83C, đường tỉnh 872B, thực hiện hoàn thành việc kéo dài thêm cầu dẫn bến phà Tân Long đầu bến Gò Công Tây tạo điều kiện cho giao thông thuận lợi hơn tại bến trung tâm của huyện. Thực hiện các dự án đê bao kết hợp với giao thông ở hai xã Tân Thới và Tân Thạnh .... tạo nên một diện mạo mới cho xã cù lao của huyện cù lao sau 16 năm thành lập.
Về phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, trên địa bàn huyện có tới hai ngôi trường THCS và THPT đặt tại xã Phú Thạnh và Tân Thới. Bên cạnh đó, còn có nhiều khu trường học mới xây đồ sộ, khang trang, kiên cố theo chuẩn quốc gia. Các Trạm Y tế xã, Trung tâm Y tế huyện được đầu tư xây mới với đầy đủ các trang thiết bị y tế cùng với đội ngũ y, bác sĩ được tăng cường, bảo đảm phục vụ công tác khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho cư dân cù lao.
Tính từ ngày thành lập đến nay, huyện Tân Phú Đông đã đầu tư xây dựng mới 04 chợ xã Tân Thạnh, Tân Phú, Phú Đông và Phú Tân, đạt chuẩn nông thôn mới, với tổng kinh phí hơn 19,2 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách nhà nước hơn 16,4 tỷ đồng, còn lại là nguồn xã hội hóa. Ngoài ra, Huyện cũng đã đầu tư sữa chữa nâng cấp các chợ Bà Từ, xã Phú Tân; chợ xã Phú Thạnh và chợ xã Tân Thới, với tổng kinh phí 5,1 tỷ đồng. Hoạt động thương mại-dịch vụ trên địa bàn huyện bảo đảm ổn định. Giá trị toàn ngành thương mại - dịch vụ tăng gấp 2,5 lần so với năm đầu mới thành lập huyện.
Về phát triển lưới điện, huyện phối hợp với Điện lực tỉnh đầu tư, cải tạo các tuyến trung, hạ thế, đảm bảo tiêu chí về điện trong xây dựng huyện nông thôn mới. Đầu tư đường dây điện vượt sông Cửa Tiểu, nâng cấp các trạm biến áp hiện có trên địa bàn huyện, nhằm đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất và sinh hoạt của người dân; phối hợp với Công ty Điện lực tỉnh đầu tư trên 25 tỷ đồng để xây dựng 17,8 km đường dây trung thế và 65,7 km đường dây hạ thế. Nâng đến nay có 100% hộ dân ở huyện có điện sử dụng. Tỷ lệ hộ sử dụng điện an toàn hiện nay là 75%.
Đầu tư nâng cấp, từng bước hoàn chỉnh hệ thống đê bao toàn huyện đảm bảo phòng chống triều cường và ngăn mặn, trử ngọt phục vụ sản xuất nông nghiệp. Xây dựng hoàn thiện hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất và nuôi thủy sản, hệ thống kè bảo vệ Cồn Ngang, khắc phục kịp thời tình trạng sạt lở bờ sông, đê ven sông, gắn với giao thông thôn thôn.
Về nước sinh hoạt, huyện phối hợp với Công ty TNHHMTV Cấp nước Tiền Giang đầu tư xây dựng hoàn chỉnh các tuyến ống nước để đấu nối nguồn nước BOO từ Đồng Tâm đưa về các xã trên địa bàn huyện, bảo đảm cung cấp đủ nguồn nước sinh hoạt cho người dân. Tỷ lệ hộ dân sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 100%, trong đó có trên 94% hộ sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung.
Thực hiên Nghị số 13-NQ/TU của Tỉnh ủy về lãnh đạo xây dựng và phát triển huyện TPĐ đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, huyện TPĐ đã và đang tập trung các mục tiêu, giải pháp cụ thể, huy động mọi nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển đồng bộ, toàn diện, góp phần hình thành bức tranh kinh tế- xã hội của huyện, với nhiều gam màu tươi sáng./.