1. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội; phát huy vai trò, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Xác định rõ công tác giảm nghèo bền vững là chủ trương lớn, nhất quán của Đảng, Nhà nước, là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.
Các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác giảm nghèo bền vững; Các cấp, các ngành, địa phương, đơn vị khi xây dựng các chương trình, kế hoạch hàng năm và giai đoạn chú trọng đưa nội dung công tác giảm nghèo bền vững vào chương trình, kế hoạch để thực hiện.
2. Phát huy, nhân rộng truyền thống đoàn kết, “tương thân, tương ái” của dân tộc. Kịp thời giới thiệu các cá nhân, tập thể, mô hình, kinh nghiệm hay trong giảm nghèo bền vững. Động viên, khuyến khích người nghèo, hộ nghèo tinh thần, ý chí tự lực, tự cường, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.
3. Thực hiện kịp thời các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống cho hộ thuộc diện bảo trợ xã hội, đảm bảo mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân.
Tập trung thực hiện các giải pháp hỗ trợ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo; thực hiện hiệu quả chính sách khuyến khích doanh nghiệp và hợp tác xã liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, phát triển đa dạng các mô hình sản xuất có sự tham gia của hộ nghèo, hộ cận nghèo; hướng dẫn các xã, phường, thị trấn xây dựng mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ tự quản, hộ gia đình thoát nghèo, sản xuất giỏi, làm kinh tế giỏi tiêu biểu.
4. Huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách, các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Tiếp tục nâng cao hiệu quả phong trào thi đua “cả nước chung tay vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”, cuộc vận động “Vì người nghèo” nhằm phát huy mạnh mẽ truyền thống đoàn kết, tinh thần “tương thân, tương ái” đối với người nghèo.
5. Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý Nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý; tăng cường phối hợp giữa các cấp, các ngành trong thực hiện công tác giảm nghèo; có chính sách khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức có năng lực, nhiệt tình về công tác tại các xã nghèo, vùng khó khăn.
6. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo, nhất là triển khai thực hiện các chính sách giảm nghèo cho các hộ nghèo, cận nghèo. Thực hiện tốt công tác rà soát, phân loại, lập danh sách hộ nghèo, hộ cận nghèo để có giải pháp hỗ trợ kịp thời, cụ thể, phù hợp, giúp hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo từng hoàn cảnh, nguyên nhân nghèo, điều kiện và nguyện vọng cần hỗ trợ của hộ nghèo. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy vai trò giám sát, phản biện các chính sách giảm nghèo.
Để thực hiện 6 nhiệm vụ và giải pháp nêu trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế tổ chức phổ biến, quán triệt và xây dựng kế hoạch cụ thể, sát thực tiễn, đảm bảo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05-CT/TW của Ban Bí thư, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đến năm 2025 giảm tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 1% theo chuẩn giai đoạn 2016 - 2020 mà Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XI đã đề ra. Các mục tiêu giảm nghèo bền vững phải được tổ chức triển khai đồng bộ với nội dung, hình thức phù hợp với từng địa bàn, có kế hoạch định hướng lâu dài. Kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch giảm nghèo với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; giảm thiểu tác động tiêu cực của dịch bệnh Covid-19 đối với công tác giảm nghèo bền vững.
Đồng thời, yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện gắn với triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đến năm 2030; bố trí nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo bền vững, nhất là đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng ở các địa phương còn khó khăn. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tích cực tham gia công tác giảm nghèo bền vững. Phối hợp chặt chẽ với các ngành, cơ quan liên quan tiếp tục tổ chức hiệu quả, đa dạng các phong trào thi đua, cuộc vận động “Vì người nghèo”. Chủ động giám sát việc thực hiện công tác giảm nghèo bền vững, tham gia phản biện đối với các chính sách dành cho người nghèo.