Mặt khác, tỉnh chú trọng tập trung hướng mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về cơ sở thông qua các cuộc họp lệ chi bộ, họp tổ nhân dân tự quản, tổ vay vốn hoặc các buổi xét xử lưu động, tiếp xúc cử tri, các thiết chế văn hóa hoặc công tác hòa giải ở cơ sở... Đặc biệt là việc triển khai tốt mô hình sinh hoạt “Ngày pháp luật” hàng tháng tại cơ sở góp phần cập nhật kiến thức pháp luật cho bà con Nhân dân.
Tiền Giang quan tâm đa dạng hóa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua phổ biến giáo dục pháp luật, hướng dẫn tìm hiểu pháp luật và cung cấp thông tin, tài liệu pháp luật cho mọi người dân; thông qua các phương tiện thông tin đại chúng hoặc đăng tải cập nhật kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật trên những trang thông tin điện tử, bảng tin niêm yết tại trụ sở các cơ quan, tổ chức, khu dân cư; tuyên truyền giáo dục pháp luật thông qua công tác xét xử, xử lý vi phạm hành chính, hoạt động tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân hoặc hoạt động trợ giúp pháp lý và tư vấn pháp luật cũng như lồng ghép trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt của các tổ chức chính trị và các đoàn thể, câu lạc bộ, tủ sách pháp lý; thông qua các chương trình giáo dục pháp luật trong các cơ sở giáo dục của hệ thống giáo dục quốc dân,…
Nhiều mô hình mới, cách làm hay trong tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được các ngành, đoàn thể chính trị - xã hội, các cấp chính quyền nhân rộng như: câu lạc bộ “Phụ nữ với pháp luật”, câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, câu lạc bộ “Tình thương và trách nhiệm”, câu lạc bộ “Phụ nữ phòng chống ma túy”, Tổ phụ nữ không có người thân phạm tội và tệ nạn xã hội, mô hình “Văn phòng tư vấn, hỗ trợ pháp lý”…
Từ đó, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong việc nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân cũng như hiệu quả mang lại từ việc thực hiện các Đề án tuyên truyền, giáo dục cụ thể đối với từng đối tượng phù hợp, tạo được thói quen tích cực tìm hiểu, cập nhật những qui định pháp luật cũng như tuân thủ, chấp hành pháp luật trong cán bộ, công chức, viên chức và mọi tầng lớp Nhân dân. Nhờ vậy, góp phần nâng cao ý thức tuân thủ, chấp hành pháp luật cũng như hạn chế những hành vi vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực.
Trong thời gian tới nhằm tiếp tục phát huy thành quả đạt được trong triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Tiền Giang nhân rộng những mô hình mới, cách làm hay của các cấp, các ngành, các đoàn thể chính trị - xã hội và địa phương trên lĩnh vực tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật. Mặt khác, chú trọng quán triệt sâu rộng Chỉ thị 32-CT/TW của Ban Bí thư và Thông tri 18-TT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tiền Giang về nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị và mọi tầng lớp Nhân dân về tầm quan trọng, vai trò của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong giai đoạn hiện nay. Song song đó, kiện toàn, nâng chất lượng hoạt động của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên ở các cấp cũng như tăng cường công tác truyền thông trên mạng lưới thông tin đại chúng trong nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến,giáo dục pháp luật về cơ sở, đến tận quần chúng nhân dân những địa bàn nông thôn sâu, xa…
Để đảm bảo triển khai hiệu quả Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, tỉnh củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy, cán bộ quản lý nhà nước về phổ biến, giáo dục pháp luật các cấp; xây dựng đội ngũ 3.359 tuyên truyền viên pháp luật, 305 báo cáo viên cấp huyện, 129 báo cáo viên cấp tỉnh thực hiện tốt công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn. Đồng thời trong giai đoạn 2013 - 2021, địa phương triển khai 17 chương trình, Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật. Qua đó, ngành Tư pháp phối hợp cùng các ngành, đoàn thể và các cấp chính quyền đã tổ chức gần 538.000 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 15,4 triệu lượt Nhân dân tham dự. Tỉnh cũng tổ chức 241 cuộc hội thi tuyên truyền, phổ biến, tìm hiểu kiến thức pháp luật thu hút hợn 235.000 lượt thí sinh ở đủ mọi lứa tuổi tham gia. Trong năm 2022, tiếp tục triển khai thực hiện 7 Đề án về phổ biến, giáo dục pháp luật đến Nhân dân.