Nối tiếp truyền thống
Sông Ba Rài là một trong những tuyến đường thủy huyết mạch của huyện Cai Lậy. Đặc biệt, đoạn sông qua xã Cẩm Sơn ghi dấu trận chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 263 và bộ đội chủ lực quân khu với sự hỗ trợ của quân dân địa phương, lập nên chiến công oanh liệt, Chiến thắng Ba Rài ngày 15/9/1967. Chiến thắng Ba Rài có ý nghĩa đặc biệt quan trọng khi đánh bại chiến thuật "Hạm đội nhỏ trên sông" của quân viễn chinh Mỹ thực hiện thí điểm ở chiến trường miền Nam. Sau chiến thắng vang dội này, có những tên đất, tên người đã trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Năm 2005, Khu di tích lịch sử Chiến thắng Ba Rài được công nhận di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, trở thành địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ. Quê hương thanh bình, dòng Ba Rài hiền hòa lại tiếp tục nối mạch giao thông giữa xã Cẩm Sơn và các địa phương lân cận.
Trở lại Cẩm Sơn hôm nay để cảm nhận đổi thay từ thành quả của "ý Đảng, lòng dân". 100% đường giao thông liên ấp, hơn 92% đường ngõ xóm đã được kiên cố hóa đạt chuẩn, kết nối thông thương giữa các ấp. Thu nhập bình quân đầu người năm 2022 gần 72 triệu đồng/người/năm, tỷ lệ hộ nghèo được kéo giảm 0,79%, 89,5% lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên. Truyền thống cách mạng là động lực để Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Cẩm Sơn khai thác, tận dụng mọi tiềm năng, lợi thế đưa địa phương vững bước trên hành trình xây dựng nông thôn mới. Từng tham gia trận đánh Ba Rài, trong những ngày tháng 9, ông Nguyễn Văn Mao (ấp 4, xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy) lại bồi hồi bao cảm xúc. Ký ức hào hùng gắn với sự thay da đổi thịt của quê hương khiến ông xúc động lẫn tự hào. "Từ một vùng đất bị tàn phá sau chiến tranh, hệ thống điện, đường, trường, trạm hầu như không có gì. Muốn đi đâu, phương tiện chính là xuồng, ghe… thì những khó khăn đã được khắc phục dần theo từng năm. Bây giờ, quê hương phát triển gấp trăm lần, còn niềm phấn khởi, vui mừng nào hơn", ông Mao tâm đắc.
Hướng đến xã nông thôn mới kiểu mẫu
Năm 2020, Cẩm Sơn là xã đầu tiên của huyện Cai Lậy đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Tiếp nối hành trình, địa phương huy động nguồn lực nâng chất các tiêu chí theo Bộ tiêu chí giai đoạn 2021 - 2025 và xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu. Ban chỉ đạo Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới xã Cẩm Sơn phát huy vai trò nòng cốt của cán bộ, đảng viên, sự đồng thuận của Nhân dân. Tại các khu dân cư, đảng viên nêu gương đi đầu trong phát triển kinh tế, vận động người dân hiến đất hoàn thiện hạ tầng nông thôn, chung tay nâng cao chất lượng môi trường sống…
Xác định "đòn bẩy" là nâng cao thu nhập người dân, thời gian qua, xã Cẩm Sơn phát huy lợi thế vườn chuyên canh cây ăn trái, khuyến khích nông dân sản xuất theo hướng tập trung, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ nông sản. Toàn xã có 1.058 ha đất sản xuất nông nghiệp, hơn 90% diện tích đã được chuyển đổi thành vườn chuyên canh sầu riêng và mít Thái. Cần cù, chịu khó, nông dân Cẩm Sơn chủ động ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tạo dựng cuộc sống ổn định, đầy đủ và ngày càng sung túc hơn. Năm 2022, xã Cẩm Sơn xây dựng vùng sản xuất sầu riêng theo tiêu chuẩn VietGap với diện tích 156 ha, 287 hộ tham gia. HTX Dịch vụ Nông nghiệp xã Cẩm Sơn phối hợp chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn nông dân áp dụng quy trình sản xuất nông sản sạch, an toàn. Với 0,5ha sầu riêng được chăm sóc theo quy trình VietGap, ông Nguyễn Ngọc Mãng (ấp 4, xã Cẩm Sơn) chia sẻ: "Sầu riêng là cây ăn trái lâu năm, việc đầu tư chăm sóc theo quy trình VietGap ban đầu tuy tốn kém nhưng bù lại cây khỏe mạnh, năng suất trái ổn định và hướng đến thị trường xuất khẩu. Đây là xu hướng tất yếu để nâng cao giá trị cây trồng chủ lực của địa phương".
Khởi sắc từ nông thôn mới, quê hương Chiến thắng Ba Rài đã có bước chuyển mình với những gam màu tươi sáng, phồn thịnh. Tin tưởng rằng Cẩm Sơn sẽ đúng hẹn với nông thôn mới kiểu mẫu trong tương lai không xa, điểm thêm thành tích tự hào trên chặng đường xây dựng và phát triển quê hương.