Hội nghị đã nêu quan điểm, kịch bản và mục tiêu phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2021 - 2030. Theo đó, tỉnh Tiền Giang sẽ phải phát huy thế mạnh đặc thù của tỉnh, tạo thành chuỗi ngang dọc, đồng thời giải quyết những nút thắt, khó khăn, hướng tới mục tiêu trở thành tỉnh có sự phát triển cân đối vào năm 2025; xác định cả vùng tỉnh Tiền Giang sẽ là một đô thị với 3 tiểu vùng kinh tế: phía Tây (huyện Tân Phước, thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè), phía Đông (huyện Gò Công Tây, huyện Gò Công Đông, huyện Tân Phú Đông, thị xã Gò Công) và khu vực trung tâm (thành phố Mỹ Tho, huyện Chợ Gạo, huyện Châu Thành). Trong đó, tiểu vùng phía Đông là tiểu vùng có quan hệ kinh tế gắn chặt với thành phố Hồ Chí Minh và huyện Tân Phước sẽ được quy hoạch thành trung tâm công nghiệp quan trọng của tỉnh. Kế hoạch đặt chỉ tiêu đến năm 2030, Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của tỉnh sẽ đạt tốc độ tăng trưởng từ 8,3-8,6%, tỷ lệ đô thị hoá đạt 37,5%, ngầm hoá mạng cáp viễn thông đạt 100%,....
Phát biểu kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, đề nghị các sở, ban, ngành phối hợp, thống nhất ý kiến với nhà tư vấn nhằm đưa ra phương hướng phát triển phù hợp với những đặc điểm của tỉnh. Đồng thời nhấn mạnh, việc quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 là nhiệm vụ hết sức quan trọng mà lãnh đạo tỉnh đặc biệt quan tâm. Kế hoạch này sẽ là một công cụ quan trọng trong định hướng, quản lý toàn diện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; là cơ sở để đầu tư, thu hút đầu tư; tạo sự phát triển bền vững trong tương lai nhằm thực hiện Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng như hoàn thành thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Tiền Giang lần thứ XI đã đề ra trong giai đoạn 2021 - 2025 và những năm tiếp theo.