Chiến thắng Ấp Bắc niềm tự hào của Đảng bộ quân và dân thị xã Cai Lậy

Thứ tư - 28/12/2022 23:21
Ấp Bắc thuộc xã Tân Phú (Cai Lậy), cách thành phố Mỹ Tho 16 km về hướng Tây - Bắc, cách Đường số 4 (nay là Quốc lộ 1A) khoảng 5 km về hướng Bắc. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Tân Phú là xã trong vùng giải phóng liên hoàn thuộc huyện Cai Lậy và Châu Thành; tiếp giáp xã Hưng Thạnh vùng căn cứ Tỉnh ủy Mỹ Tho.
Quang cảnh hội thảo; Nguồn: baoapbac.vn.
Quang cảnh hội thảo; Nguồn: baoapbac.vn.

Sau phong trào Đồng khởi năm 1960, chính quyền cơ sở của địch ở nông thôn tan vỡ từng mảng lớn, Mỹ buộc phải chuyển hướng chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” và với “Kế hoạch Xtalay - Taylo”, với ý đồ “bình định” miền Nam trong 18 tháng. Dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ, quân ngụy Sài Gòn sử dụng nhiều chiến thuật như: “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” gây cho lực lượng cách mạng nhiều khó khăn.

Tháng 9 năm 1962, tại xã Mỹ Hạnh Đông (Cai Lậy), Khu ủy Khu 8 và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Mỹ Tho họp bàn biện pháp chống địch càn quét. Hội nghị ra Nghị quyết lãnh đạo và nhấn mạnh: Phải chuẩn bị trận địa công sự vững chắc, xây dựng xã, ấp chiến đấu liên hoàn, hình thành thế 3 mũi tiến công địch.

Ngày 02 tháng 01 năm 1963, địch mở trận càn mang tên “Đức Thắng 01-63”, lực lượng địch có hơn 2.000 quân chủ lực, bảo an, biệt động quân với phương tiện chiến tranh hiện đại: Máy bay, xe thiết giáp M-113, tàu chiến mặt nước do cố vấn Mỹ cùng nhiều tướng ngụy chỉ huy mở trận càn vào Ấp Bắc, nhằm tiêu diệt lực lượng giải phóng và gom dân, lập ấp chiến lược. Tổng chỉ huy cuộc càn đóng tại sân bay Thân Cửu Nghĩa, do Đại tá Bùi Đình Đạm, Tư lệnh Sư đoàn 7 và Trung tá Giôn Pau Van (John Paul Vann) chỉ huy, cùng nhiều cố vấn quân sự Mỹ và sĩ quan ngụy. Trong quá trình hành quân, các tướng Lê Văn Tỵ - Tổng tham mưu trưởng quân ngụy, Huỳnh Văn Cao - Tư lệnh Vùng 4 chiến thuật, Trần Thiện Khiêm - Tư lệnh quân nhảy dù... cũng đến chỉ huy cuộc hành quân.

Lực lượng cách mạng của ta tham gia trận Ấp Bắc gồm có Đại đội 1 của Tiểu đoàn 261 (bộ đội chủ lực Quân khu 8), 1 đại đội địa phương tỉnh Mỹ Tho, 1 trung đội địa phương huyện Châu Thành, 1 trung đội công binh tỉnh và du kích 3 xã Tân Phú, Tân Hội, Điềm Hy. Trận đánh diễn ra rất ác liệt, bắt đầu từ 5 giờ sáng ngày 02 tháng 01 năm 1963 và kéo dài liên tục đến 20 giờ. Bộ đội ta đã dựa vào công sự  hầm hào chiến đấu và nghi binh lừa địch một cách tài tình, bẻ gãy 5 đợt tiến công của địch, đánh tan các cuộc đổ quân dù bằng máy bay ở ấp Tân Thới; đánh bật nhiều mũi tiến công bằng xe thiết giáp M-113 và bộ binh của địch. Cùng với các hoạt động quân sự, ta tổ chức lực lượng tiến công địch trên các mặt trận chính trị, binh vận trên khắp địa bàn của tỉnh Mỹ Tho, gây cho địch nhiều tổn thất… góp phần đánh bại hoàn toàn cuộc hành quân càn quét của địch vào Ấp Bắc.

Trận Ấp Bắc đã làm thất bại chiến thuật tân kỳ “Trực thăng vận”, “Thiết xa vận” của Mỹ - ngụy. Chiến thắng Ấp Bắc đã khẳng định bài học về: “Lấy yếu chống mạnh, lấy ít địch nhiều” lấy chiến tranh chính nghĩa thắng chiến tranh phi nghĩa và khẳng định đường lối chiến tranh nhân dân của Đảng ta là đúng đắn, mở ra khả năng mới cho quân và dân miền Nam tiến lên đánh bại chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ, như nhận định của đồng chí Lê Duẩn - Bí thư thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương: “... Kể từ trận Ấp Bắc, Mỹ thấy không thể thắng ta được”.

Sau chiến thắng Ấp Bắc, Trung ương Cục miền Nam và Ban quân sự Miền thuộc Ủy ban Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã phát động phong trào “Thi đua Ấp Bắc, giết giặc lập công”. Phong trào diễn ra sôi nổi và lan ra cả nước, tạo nên sức mạnh to lớn, thu hút mọi tầng lớp nhân dân tham gia, đập tan quốc sách “Ấp chiến lược” của địch, góp phần quan trọng làm phá sản chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của đế quốc Mỹ ở miền Nam Việt Nam. 60 năm trôi qua, chiến thắng Ấp Bắc mãi mãi là niềm tự hào, là động lực to lớn để Đảng bộ, chính quyền, quân và dân thị xã Cai Lậy xây dựng quê hương ngày càng phát triển, giàu đẹp. Phát huy truyền thống anh hùng trong chiến tranh giải phóng dân tộc, với ý chí tự lực, tự cường, năng động, sáng tạo, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thị xã luôn đoàn kết, quyết tâm cao thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra.

Công tác xây dựng Đảng bộ luôn thường xuyên được quan tâm và được coi là khâu then chốt, xây dựng Đảng bộ trong sạch vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược và lâu dài, không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện và sức chiến đấu. Khi thành lập Thị xã (năm 2014), Đảng bộ có 59 tổ chức cơ sở Đảng, với 2.955 đảng viên, nay tăng lên 60 tổ chức cơ sở Đảng với 3.841 đảng viên. Qua đánh giá, xếp loại hàng năm có trên 88% tổ chức cơ sở Đảng hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên; trên 98% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

Các chỉ tiêu chủ yếu hàng năm đều thực hiện đạt và vượt kế hoạch. Kinh tế tăng trưởng khá, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tổng giá trị sản xuất bình quân tăng khá cao (khoảng 4%/năm); đến tháng 10/2022, thu ngân sách Nhà nước từ kinh tế địa phương đạt 120,552 tỷ đồng, đạt 110,09% chỉ tiêu tỉnh giao, tăng 46,76% so với cùng kỳ. Công tác chỉnh trang, phát triển đô thị, xây dựng nông thôn mới được quan tâm và đạt kết quả quan trọng. Thị xã đã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới vào năm 2020, có 04 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 6/6 phường đạt Phường văn minh đô thị. Công tác cải cách thủ tục hành chính được quan tâm thực hiện; công nghiệp, thương mại, dịch vụ được chú trọng, trong năm có 525 hộ đăng ký kinh doanh mới và 42 doanh nghiệp thành lập mới, nâng tổng số doanh nghiệp hiện nay trên địa bàn thị xã là 525 doanh nghiệp và gần 5.000 hộ kinh doanh đang hoạt động. Lĩnh vực văn hóa - xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, các chính sách đối với người có công và gia đình cách mạng, an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng quy định; tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2021 giảm còn 1,24%.

Riêng đối với xã Tân Phú, tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển toàn diện, kết cấu hạ tầng giao thông nông thôn phát triển đồng bộ, tạo điều kiện cho người dân thuận tiện trong đi lại, giao lưu phát triển kinh tế, sản xuất kinh doanh tạo thu nhập cho người dân, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng được nâng cao. Hiện nay, xã Tân Phú đã đạt xã nông thôn mới nâng cao.

Càng tự hào về Chiến thắng Ấp Bắc, mỗi cán bộ, đảng viên, tổ chức Đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi người dân thị xã Cai Lậy càng nhận rõ trách nhiệm to lớn là tiếp tục triển khai thực hiện tốt các phong trào hành động cách mạng, giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng, củng cố hệ thống chính trị vững mạnh, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và phát triển thị xã Cai Lậy xứng tầm với vai trò, vị trí của đô thị trung tâm vùng phía Tây của tỉnh và trở thành thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030. Tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Phan Phùng Phú

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập509
  • Máy chủ tìm kiếm10
  • Khách viếng thăm499
  • Hôm nay92,141
  • Tháng hiện tại615,962
  • Tổng lượt truy cập34,201,607
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây