Triển khai thực hiện Pháp lệnh Dân số trên địa bàn tỉnh, công tác thông tin, giáo dục, tuyên truyền luôn được các cấp, các ngành thực hiện tốt với những nội dung phong phú, hình thức đa dạng, từng bước xã hội hóa công tác Dân số - KHHGĐ trong các tầng lớp nhân dân. Các hoạt động được triển khai đồng bộ từ việc phổ biến pháp luật đến tuyên truyền và thực hiện trong cộng đồng dân cư. Đặc biệt là xây dựng, củng cố và mở rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả như: mô hình “Xã, phường, cụm dân cư không có người sinh con thứ 3 trở lên”, mô hình “Lồng ghép đưa chính sách dân số vào hương ước, quy ước ấp văn hóa”, mô hình “Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững”, mô hình “Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ Chăm sóc sức khỏe sinh sản - KHHGĐ”... Chú trọng mở rộng mô hình Chiến dịch tăng cường dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ ở vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng đông dân cư, vùng có mức sinh và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao; đồng thời tuyên truyền giáo dục nâng cao kiến thức cho người dân về CSSKSS - KHHGĐ.
Với những giải pháp như vậy, trong 10 năm qua tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ 5,3% (2003) giảm xuống còn 3,44% (2012). Trong thực hiện các biện pháp KHHGĐ, tổ chức tốt các chiến dịch truyền thông lồng ghép với cung cấp dịch vụ CSSKSS - KHHGĐ; kịp thời giải đáp, tư vấn và lý giải các trường hợp bị tai biến khi thực hiện các biện pháp tránh thai chủ yếu thường áp dụng, qua đó nâng cao hiệu quả tuyên truyền trong cộng đồng. Tăng cường cung cấp các dịch vụ KHHGĐ từ nguồn kinh phí của Chương trình mục tiêu về CSSKSS - KHHGĐ. Thường xuyên đào tạo mới, đào tạo lại cho cán bộ y tế xã, phường, thị trấn các chuẩn mực về SKSS do Bộ Y tế ban hành; mạng lưới cộng tác viên dân số được bố trí đầy đủ các địa bàn dân cư và theo số hộ gia đình để góp phần nâng cao công tác quản lý hậu cần, phân phối phương tiện tránh thai và theo dõi đối tượng. Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã thực hiện tốt chính sách về dân số, nhất là đối với những người thực hiện các biện pháp tránh thai, như tạo điều kiện thuận lợi, được hưởng các chế độ do nhà nước quy định.
Tỉnh cũng đã triển khai thí điểm mô hình kiểm tra sức khỏe và tư vấn tiền hôn nhân ở 21 xã. Qua những năm thực hiện các hoạt động của mô hình này với mục tiêu là nâng cao hiểu biết và thực hành CSSKSS có tính khoa học cho thanh niên tuổi từ 15 đến 24, thông qua các hoạt động tư vấn và kiểm tra sức khỏe cho vị thành niên, thanh niên cũng như các nhóm đối tượng khác tại cộng đồng nhằm nâng cao chất lượng dân số. Và để nâng cao chất lượng dân số của cộng đồng, Hội Người cao tuổi tổ chức tốt các hoạt động như giúp nhau chăm sóc sức khỏe, sống vui, sống khỏe thông qua các buổi tập thể dục, thể thao, giới thiệu các phương pháp phòng và chữa bệnh. Bên cạnh đó, các dịch vụ chăm sóc cho người cao tuổi như bảo hiểm y tế, duy trì trợ cấp cho người cao tuổi không nơi nương tựa, người trên 80 tuổi; phát triển hợp lý mạng lưới chăm sóc người cao tuổi của Nhà nước với các tổ chức khác, xây dựng và duy trì các câu lạc bộ người cao tuổi.
Thực tế cho thấy, qua thực hiện công tác Dân số - KHHGĐ ngày càng được nhiều người chấp nhận và thực hiện tốt, những kết quả đạt được đã thể hiện sự năng động của các cơ quan chức năng trong triển khai, thực hiện Pháp lệnh Dân số. Nổi bật là sự phối hợp giữa các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội các cấp, được sự đồng tình hưởng ứng của người dân và việc xã hội hóa công tác dân số từng bước được nâng lên.