Tỷ lệ huy động trẻ càng tăng
Công tác huy động trẻ em 5 tuổi ra lớp được thực hiện hàng năm, kết quả đạt 100%; 100% trẻ đi học chuyên cần và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; 78,4% trẻ học bán trú, số trẻ còn lại được tổ chức cho ăn dưới hình thức Tuần lễ dinh dưỡng học đường; dưới 01% suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi; các trường mầm non đều thực hiện đầy đủ các chính sách hỗ trợ cho trẻ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được chú trọng
Kết quả sau 10 năm, 100% giáo viên dạy lớp 5 tuổi đạt chuẩn về trình độ đào tạo, chuẩn nghề nghiệp; định biên giáo viên trên lớp đạt 1.64, đạt yêu cầu đề ra. Chính công tác phát triển, đào tạo bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên các trường mầm non góp phần đảm bảo đủ về số lượng và không ngừng nâng cao chất lượng. Đội ngũ giáo viên có nhiều chuyển biến về năng lực chuyên môn, kỹ năng tổ chức hoạt động giáo dục.
Cơ sở vật chất được đầu tư đầy đủ
Hệ thống mạng lưới trường lớp từng bước được sửa chữa, đầu tư xây dựng, cơ sở vật chất phục vụ dạy và học được tăng cường, quy mô trường lớp đủ để đáp ứng nhu cầu học tập; thực hiện tốt công tác duy trì sĩ số hàng năm. Số xã có trường mầm non ngày càng tăng, từ cuối năm 2010, toàn tỉnh có 33 xã đến nay chỉ còn 3 xã chưa có trường mầm non, do dân số trong độ tuổi ít, thưa thớt, chưa đủ điều kiện để thành lập trường mầm non riêng biệt, phải ghép chung với xã lân cận thành trường liên xã. Cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục được đầu tư. Kết quả sau 10 năm, ngành giáo dục và đào tạo tỉnh Tiền Giang đã xây mới trên 800 phòng học, gần 150 phòng chức năng, gần 140 phòng hành chính quản trị, trên 120 bếp ăn một chiều và gần 500 công trình vệ sinh đạt chuẩn. 100% lớp mẫu giáo 5 tuổi có đủ bộ thiết bị đồ dùng chơi tối thiểu, tăng 45,3%. Các trường mầm non đều có công trình nước sạch và hệ thống thoát nước phù hợp, 80% trường đạt “xanh - sạch - đẹp”, 100% trường mầm non đều có sân chơi, 96,2% sân chơi có đồ chơi ngoài trời, tăng 25,3%, so với năm học 2010-2011 giảm 98 điểm lẻ. Năm 2019-2020, toàn tỉnh có 82/186 trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, đạt 44%, tăng 38,4%.
Kinh phí đầu tư và chi tăng
Kinh phí thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi ngày càng tăng, từ năm 2010 đến năm 2020 là hơn 3.412 tỷ đồng. Ngân sách đầu tư cho giáo dục mầm non là 19,7% so với tổng ngân sách cho giáo dục của tỉnh. Từ năm 2010 đến năm 2020, tổng chi thực hiện chính sách cho trẻ hơn 259 tỷ đồng, trong đó trên 82 tỷ đồng hỗ trợ chi phí học tập; trên 174 tỷ đồng chi trả tiền hỗ trợ ăn trưa cho trẻ; gần 2 tỷ đồng hỗ trợ theo các chính sách khác của địa phương; 100% giáo viên dạy lớp mẫu giáo 5 tuổi được hưởng đầy đủ chế độ chính sách theo quy định, nhất là giáo viên của 11 xã thuộc vùng khó khăn.