Nhu cầu người cao tuổi tham gia công nghệ số trong cuộc sống

Thứ hai - 15/11/2021 20:56
Cuộc cách mạng công nghệ lần thứ tư với những thay đổi nhanh chóng và phát triển vượt bậc của kỹ thuật số đã mang tới những biến đổi to lớn trong xã hội. Những tiến bộ trong công nghệ thông tin giúp thực hiện nhanh chóng và đầy đủ các mục tiêu phát triển bền vững của thế giới. Theo thống kê, tỷ lệ dân số sử dụng Internet là 87% ở các nước phát triển và  19% ở các nước kém phát triển. Vì vậy, nhân kỷ niệm 31 năm Ngày Quốc tế Người cao tuổi (1/10/1991 - 1/10/2021), Liên Hợp Quốc chọn chủ đề "Công bằng kỹ thuật số cho mọi lứa tuổi" với yêu cầu nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc hòa nhập số đối với người cao tuổi, tạo điều kiện để người cao tuổi được tiếp cận và sử dụng công nghệ thông tin trong đời sống.

Người cao tuổi sử dụng công nghệ số trong cuộc sống.
Người cao tuổi sử dụng công nghệ số trong cuộc sống.
Từ khi Liên Hợp Quốc lấy ngày 01/10 hàng năm là ngày Quốc tế Người cao tuổi, Việt Nam là một trong số các nước đã hưởng ứng ngay từ những ngày đầu. Hàng năm, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm hưởng ứng Ngày Quốc tế Người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực. Ngày 24/9/1994, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 523/QĐ-TTg thành lập Hội Người cao tuổi Việt Nam; Chỉ thị 59/CT-TW ngày 27/9/1995 của Ban Bí thư Trung ương (khóa VII) về chăm sóc người cao tuổi; ngày 23/11/2009 Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XII), ban hành Luật Người cao tuổi); ngày 25/4/2015, Chính phủ đã ban hành Quyết định 544/QĐ-TTg lấy tháng 10 hàng năm là "Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam"; Chính phủ thành lập Ủy ban Quốc gia vì người cao tuổi Việt Nam… là những bằng chứng cụ thể về việc quan tâm của Đảng và Nhà nước ta đối với người cao tuổi.

Về lĩnh vực công nghệ số, thực tế cho thấy rằng, có khá nhiều người cao tuổi bắt đầu tiếp cận và sử dụng điện thoại di động thông minh để truy cập Internet nhưng còn bỡ ngỡ, chậm chạp; họ thao tác không  thuần thục và nhanh nhạy như giới trẻ, đồng thời họ phải đối mặt với mặt trái của thế giới mạng như thông tin sai lệch hoặc dễ bị lừa đảo hơn. Người cao tuổi sử dụng điện thoại di động thông minh chủ yếu là để liên lạc với người thân và bạn bè, họ ít khi tìm hiểu và sử dụng hết các chức năng và tiện ích mà công nghệ mang đến. Họ cũng ít khi sử dụng các thiết bị công nghệ hay thiết bị gia dụng thông minh phục vụ cho đời sống hàng ngày. Nguyên nhân về sự chậm tiếp cận công nghệ số của người cao tuổi có rất nhiều, chủ yếu là do họ không biết ngoại ngữ, hoặc họ chậm chạp trong tiếp thu những hướng dẫn sử dụng, thậm chí có nhiều nhầm lẫn khi thao tác và hay quên, họ sợ có những hậu quả hoặc làm hư hỏng thiết bị nếu vận hành và thao tác sai quy định. Từ đó, dù công nghệ thông tin đã phát triển hàng ngày, hàng ngày như vũ bão, nhưng đa số những người cao tuổi vẫn được xem là đối tượng bị bỏ quên trong đời sống công nghệ.

Để người cao tuổi vững tin hòa nhập kỷ nguyên số, chúng ta không chỉ đưa họ đến ngưỡng cửa của thế giới công nghệ thông tin mà còn đồng hành cùng họ trong quá trình hòa nhập. Các chính sách nhằm giúp người cao tuổi dễ dàng tiếp cận các công nghệ kỹ thuật số khả dụng (dịch vụ ngân hàng điện tử, thương mại điện tử, dịch vụ y tế từ xa…) với giá cả phải chăng cũng đã được nhiều quốc gia cân nhắc và triển khai. Chúng ta cần phải động viên, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ số. Mạng xã hội phát triển, Internet phủ sóng rộng rãi từ thành thị đến nông thôn không chỉ giúp con người dễ dàng kết nối với bạn bè, người thân, mà còn là kho dữ liệu khổng lồ về tri thức, thông tin, giải trí…, đem lại tiện ích cho người sử dụng. Không nằm ngoài xu hướng chung, dù có những rào cản nhất định nhưng khá nhiều người cao tuổi vẫn đang cố gắng tiếp cận với công nghệ để làm phong phú hơn cuộc sống của mình. Hiện nay, một bộ phận khá lớn người cao tuổi tại nước ta đã làm quen và sử dụng thành thạo điện thoại thông minh để đọc báo qua mạng, tra cứu các thông tin cần thiết, xem các chương trình vui chơi, giải trí, thể dục thể thao… đặc biệt, nhiều người đã sử dụng các phương tiện và mạng xã hội (email, chat, messenger, youtube, zalo, facebook, facetime, telegram…) để liên lạc, giao tiếp thường xuyên với nhau, gửi cho nhau những thông tin, hình ảnh, video clip để cùng nắm bắt những thông tin kịp thời và chia sẻ, thưởng thức những cái hay, cái đẹp trong cuộc sống. Từ đó, cuộc sống của người cao tuổi trở nên vui vẻ, năng động, trẻ trung hơn; họ hòa nhập nhanh chóng với cộng đồng xã hội, không còn cảm thấy cô đơn, lạc lõng giữa những câu chuyện với con cháu vì không hiểu, không thể bắt kịp nhịp sống của người trẻ.

Năm 2021, dịch bệnh COVID-19 tác động rất lớn đến kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của các tầng lớp nhân dân, nhất là người cao tuổi. Hiện nay người cao tuổi sống chủ yếu ở nông thôn, đời sống còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo của người cao tuổi còn cao so với tỷ lệ hộ nghèo chung cả nước; người cao tuổi đối diện với gánh nặng bệnh tật do các bệnh mạn tính, đối diện với nguy cơ tàn phế do quá trình lão hóa, chi phí điều trị lớn… Vì vậy, Ủy ban Quốc gia về Người cao tuổi Việt Nam và Trung ương hội Người cao tuổi Việt Nam đã phát động hưởng ứng Tháng hành động vì Người cao tuổi Việt Nam năm nay với chủ đề "Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn". Các mô hình ứng dụng công nghệ kỹ thuật số hướng đến người cao tuổi ngày càng trở nên phổ biến trước tình trạng giá hóa dân số thế giới. Do đó, bên cạnh việc toàn xã hội cùng chung tay giúp đỡ, chăm sóc người cao tuổi về vật chất và tinh thần, thì việc động viên, hỗ trợ người cao tuổi tiếp cận công nghệ là vô cùng cần thiết, tạo cho cuộc sống người cao tuổi được thuận lợi, thoải mái hơn, giúp cho họ cải thiện sức khỏe bản thân, đồng thời có được tinh thần lạc quan, yêu đời, quên đi những phiền muộn trong cuộc sống để mà tiếp tục “sống vui, sống khỏe, sống yêu đời” cho quãng đời còn lại của mình.


BS CKII Trần Thanh Thảo

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập228
  • Máy chủ tìm kiếm54
  • Khách viếng thăm174
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,654,193
  • Tổng lượt truy cập40,023,569
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây