Tuổi trẻ sáng tạo và cống hiến

Thứ hai - 01/07/2013 03:44
Phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đang được tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh tỉnh Tiền Giang hưởng ứng một cách sôi nổi với nhiều việc làm thiết thực. Trưởng thành trong những năm sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng và lớn lên trong “tình Đảng dạy, dân nuôi”, họ đã miệt mài lao động sáng tạo, làm chủ khoa học công nghệ ứng dụng vào đời sống nhằm mục tiêu xây dựng đất nước ta ngày càng “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn” như ước mong của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang
Anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang
Anh Nguyễn Văn Hòa, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang kiêm phụ trách Trại giống thủy sản Cồn Cống (Tân Phú Đông) là một trong những tài năng tiêu biểu. Qua thực tế nghiên cứu khoa học và ứng dụng trên lĩnh vực nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, anh Nguyễn Văn Hòa đã giúp tỉnh Tiền Giang phát huy tiềm năng ngành nuôi trồng thủy sản, một ngành kinh tế mũi nhọn hiện nay của địa phương.

Tốt nghiệp Trường Đại học Thủy sản Nha Trang vào năm 1998, anh Nguyễn Văn Hòa từng trải qua nhiều công việc: công nhân một trại nuôi thủy sản tận Cà Mau những năm 1998 - 2000, công nhân rồi cán bộ kỹ thuật trại tôm giống Cồn Cống những ngày đầu thành lập - tiền thân Trại giống thủy sản Cồn Cống hiện nay trước khi được bổ nhiệm vào cương vị lãnh đạo Trung tâm Giống nông nghiệp tỉnh Tiền Giang. Đó là những công tác mang tính thực tế bổ ích và là nền tảng để anh củng cố kiến thức, phát triển tài năng, đáp ứng đòi hỏi nhiệm vụ một cán bộ khoa học trong tình hình mới.

Nhớ lại những ngày gian nan về làm công nhân rồi cán bộ kỹ thuật gây dựng nghề sản xuất tôm giống tại Trại giống thủy sản Cồn Cống các năm 2000, 2001, anh Nguyễn Văn Hòa cho biết:  Thời đó, theo khảo sát và nghiên cứu, xác định của những chuyên gia đầu ngành về nuôi trồng thủy sản, đặc biệt nuôi tôm sú thì vùng ven biển Gò Công trong đó có Cồn Cống không thể cho tôm đẻ, ương dưỡng tôm giống cung ứng thị trường nuôi tại các tỉnh ven biển Nam bộ đang “khát” con giống. Nguyên nhân do nằm giữa các vàm sông lớn: Cửa Tiểu, Cửa Đại nên nước biển “nhạt”, không đủ độ mặn cần thiết 25 phần ngàn - điều kiện thích hợp cho tôm bố mẹ sinh sản. Hơn nữa, vùng ven biển này đặc thù 6 tháng nước ngọt, 6 tháng nước mặn nên cố lắm cũng chỉ nuôi được có 1 vụ tôm/ năm.

Tiếp thu kiến thức khoa học chuyên ngành thủy sản từ giảng đường đại học cộng với kinh nghiệm thực tiễn những năm lăn lộn cùng nghề sản xuất tôm giống tại Cà Mau, tâm huyết vượt khó xây dựng quê hương của tuổi trẻ thế hệ Hồ Chí Minh, anh Nguyễn Văn Hòa không bằng lòng với kết luận như trên mà thay vào đó đề xuất một giải pháp mới: xây bể bằng composite cho tôm đẻ đồng thời đem ghe tàu chở nước mặn chất lượng tốt, thích hợp cho tôm bố mẹ sinh sản từ ngoài khơi xa về trại phục vụ sản xuất. Vào những năm đầu thế kỷ XXI tại Tiền Giang có thể xem đây là giải pháp táo bạo. Thế nhưng nhận rõ trong đó một tư duy mới, mang tính khoa học của tuổi trẻ sáng tạo nên lãnh đạo Công ty thủy sản Tiền Giang (đơn vị chủ quản của anh) tán thành, nhiệt liệt ủng hộ.     

Kết quả thật mỹ mãn. Năm 2003, 300.000 con tôm post giống đã được sinh sản từ bể composite đầu tiên tại Trại Cồn Cống gây nức lòng mọi người. Vui nhất là anh Nguyễn Văn Hòa - cha đẻ của giải pháp đột phá trên. Từ đó, mở ra bước ngoặt cho nghề sản xuất tôm sú giống tại vùng duyên hải Gò Công (Tiền Giang) sau sự kiện trên, giúp địa phương giảm bớt lệ thuộc vào nguồn tôm giống sản xuất từ các tỉnh duyên hải miền Trung mà nhiều khi không kiểm soát được một cách chặt chẽ về chất lượng. Còn hiện nay, sau hơn 10 năm miệt mài phát huy thắng lợi đầu tiên, cán bộ kỹ thuật Trại giống thủy sản Cồn Cống đã làm chủ qui trình sản xuất tôm giống. Qui mô sản xuất ngày một mở rộng và hiện nâng lên 30 bể composite tôm giống, mỗi năm đạt sản lượng khoảng 6 triệu con tôm post.

Trong quá trình sản xuất tôm giống, anh Nguyễn Văn Hòa cũng có những cải tiến đáng kể phù hợp với thực tế vừa nâng được chất lượng nguồn tôm giống do trại cung cấp như: xử lý nước, nuôi vỗ tôm bố mẹ, đưa men vi sinh vào quá trình chăm sóc và ương dưỡng tôm giống, ứng dụng sản xuất tôm giống theo qui trình sinh học... Trong quí I năm 2013, Trại giống thủy sản Cồn Cống do Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Tiền Giang Nguyễn Văn Hòa trực tiếp phụ trách cũng vừa sản xuất một mẻ tôm giống 450.000 con post. Trong nhiều năm qua, chất lượng tôm giống do Trại giống thủy sản Cồn Cống được người nuôi xác nhận và tín nhiệm. Trại đang hướng tới những mục tiêu: ứng dụng rộng rãi qui trình khoa học, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất, giảm giá thành nâng chất lượng con giống phục vụ nhu cầu thị trường...

Bản thân anh Nguyễn Văn Hòa bên cạnh thành tích mở đường cho nghề sản xuất tôm giống du nhập và phát triển mạnh tại duyên hải Gò Công cách đây hơn 10 năm, đang là điển hình miệt mài nghiên cứu khoa học ứng dụng vào thực tiễn, phát triển tiềm năng nuôi trồng thủy sản xuất khẩu, giúp nhân dân ven biển Gò Công vượt khó làm giàu. Những đề tài nghiên cứu anh Nguyễn Văn Hòa đã và đang cùng nhóm cộng sự thực hiện như: “thử nghiệm sản xuất tôm sú giống không sử dụng thuốc kháng sinh” (năm 2004); các năm 2011 - 2012 có đề tài nghiên cứu “Sản xuất giống sò huyết tại Tiền Giang”, “ương cá chẻm từ giai đoạn phôi lên cá giống” trong thời gian 2013 - 2015. Đây là những đề tài nghiên cứu mang tính thực tiễn, đáp ứng nhu cầu về giống thủy sản cho nghề nuôi thủy sản xuất khẩu ven biển Gò Công nói riêng và duyên hải Nam bộ nói chung.

Anh Nguyễn Văn Hòa đánh giá, Tiền Giang có 32 km bờ biển, 3 cửa sông lớn: Soài Rạp trên sông Vàm Cỏ, Cửa Tiểu và Cửa Đại trên sông Tiền giàu tiềm năng nuôi thủy sản xuất khẩu với những đối tượng giá trị kinh tế cao: tôm sú, tôm thẻ, cá chẻm, nghêu, sò huyết,... Do vậy, các nghiên cứu khoa học của anh hướng đến những mục tiêu: thiết thực, cập nhật được kỹ thuật nuôi tiên tiến, dễ thực hiện, giúp người dân vùng nuôi ứng dụng vào sản xuất...Từ đó, không chỉ tạo tiền đề phát triển bền vững nghề nuôi thủy sản mặn, lợ mà còn nâng chất lượng nguồn nguyên liệu phục vụ chế biến xuất khẩu nói chung.   

Sinh năm 1975, thời điểm miền Nam được hoàn toàn giải phóng cách đây 38 năm, quê quán ở Thạnh Phú, Châu Thành - một miền quê giàu truyền thống cách mạng trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ của Tiền Giang, Nguyễn Văn Hòa đại diện cho lớp thanh niên khát khao cống hiến, khát khao học tập và làm chủ khoa học công nghệ làm giàu cho quê hương. Anh được kết nạp Đảng năm 2004, 2006 - 2008 tiếp tục theo học nâng cao chuyên ngành thủy sản và vinh dự nhận bằng Thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản năm 2008. Với khả năng của mình, anh Nguyễn Văn Hòa chắc chắn còn tiến xa trên đường sự nghiệp cũng như đóng góp công sức tuổi trẻ vì một ngày mai thịnh vượng của quê hương.

Cẩm Sơn

Tổng số điểm của bài viết là: 2 trong 1 đánh giá

Xếp hạng: 2 - 1 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập291
  • Máy chủ tìm kiếm40
  • Khách viếng thăm251
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,658,609
  • Tổng lượt truy cập40,027,985
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây