Học và làm theo chỉ dẫn của nhà báo Hồ Chí Minh

Thứ ba - 25/06/2013 21:08

Ảnh tư liệu

Ảnh tư liệu
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng.

Nhà báo vĩ đại Hồ Chí Minh đã đi xa, song những những lời căn dặn của Người được đúc kết từ cuộc đời, sự nghiệp cách mạng và nghề viết báo, phản ánh những vấn đề bức thiết của cuộc sống dân sinh, mang đậm bản sắc dân tộc và hơi thở thời đại, được thể hiện qua lối viết ngắn gọn, trong sáng, giản dị mà không kém phần tài hoa, sắc sảo… bám sát cuộc sống, "nằm lòng" với những sự kiện thời sự đương thời càng trở nên có ý nghĩa lớn lao.
 
Từ những ngày còn hoạt động ở nước ngoài, với Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh, báo chí luôn là một kênh thông tin quan trọng, nhanh nhạy, kịp thời góp phần lên án chủ nghĩa thực dân, đánh thức lòng yêu nước của nhân dân thuộc địa, cổ vũ họ đoàn kết lại, tiến hành đấu tranh để giải phóng khỏi ách áp bức… Thông qua các bài báo của Người, các tờ báo do Người sáng lập, thiết thực tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới đối với cuộc đấu tranh giải phóng các dân tộc thuộc địa nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng. Không chỉ có vậy, với những thông tin cập nhật về những vấn đề của thế giới đương đại, báo chí đã góp phần đưa ánh sáng của thời đại mới- thời đại của cuộc cách mạng giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội đang ngày một phát triển đến được với các dân tộc thuộc địa và cùng đó đưa cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân các thuộc địa, của nhân dân Việt Nam hòa vào dòng chảy chung của sự nghiệp cách mạng thế giới.
 
Khi ấy, những bài báo của Người về vấn đề dân tộc, thuộc địa, chế độ thực dân, về nỗi thống khổ của người dân các nước thuộc địa, trong đó có nhân dân Đông Dương đã không chỉ phơi bày bộ mặt thật cùng dã tâm xâm lược cái gọi là "khai hoá văn minh" của thực dân Pháp, cổ vũ nhân dân và các dân tộc thuộc địa vùng lên, đoàn kết lại để đấu tranh chống lại cường quyền, áp bức, bất công, mà còn thông qua đó tập hợp được những bạn cùng chí hướng, những người yêu nước để tuyên truyền về những nguyên lý của học thuyết Mác- Lênin, về Đảng cộng sản, chủ nghĩa xã hội và con đường đấu tranh giải phóng dân tộc... Đặc biệt, từ việc khẳng định rằng, “cách mạng trước hết phải tuyên truyền, tổ chức, huấn luyện, sau cùng mới dùng đến vũ lực, đừng chăm chỉ biết làm cách mạng bạo động” (Báo Thanh niên, số 72, ngày 5/12/1926), đến “thành lập Đảng chính trị là cần thiết cho một dân tộc đòi quyền tự do, một Đảng là tổ chức của những người cùng chung một tôn chỉ, mục đích” (Báo Thanh niên, số 5, ngày 19/7/1925), và “làm cách mạng phải biết cách mạng là việc chung, nên phải lấy lòng chí công vô tư mà theo dõi các công việc, lại phải biết cách mạng cốt nhất là sự hy sinh, hy sinh gia đình, hy sinh tính mệnh, hy sinh lợi quyền, hy sinh ý kiến (Báo Thanh niên, số 65, ngày 17/10/1926), v.v.. Báo Thanh niên (ra đời ngày 21/6/1925) - tờ báo khởi nguồn của báo chí cách mạng Việt Nam do Người sáng lập đã góp phần tuyên truyền về chủ nghĩa Mác-Lênin, về Đảng Cộng sản, về CNXH, về đoàn kết... để cổ vũ, động viên nhân dân ta trong cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dựng chế độ xã hội mới.
 
Sau này khi trở về Tổ quốc trực tiếp lãnh đạo sự nghiệp giải phóng dân tộc, lãnh đạo nhân dân tiến hành hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ xâm lược và xây dựng CNXH ở miền Bắc, Người càng quan tâm hơn đến việc phát triển báo chí. Người coi báo chí là một mặt trận xung kích trong cuộc đấu tranh chống lại những luận điệu xâm lược của thực dân, đế quốc; trong xây dựng và củng cố khối đoàn kết toàn dân, trong truyền đến đồng bào và chiến sĩ cả nước khát vọng và niềm tin vàò một ngày mai tươi sáng của dân tộc, đồng thời cũng thông qua báo chí, tranh thủ sự ủng hộ của nhân dân thế giới cho cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, độc lập, thống nhất, dân chủ và giàu mạnh, góp phần vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới.
 
Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, báo chí vừa là bộ phận cấu thành của văn hóa vừa là phương tiện xây dựng, truyền bá và thực thi văn hóa, luôn là vũ khí sắc bén có vai trò xung kích trong công tác tư tưởng. Vì vậy, mà thấu hiểu sâu sắc lời dạy của Lênin: báo chí là người tuyên truyền, cổ động, tổ chức chung và lãnh đạo chung, Hồ Chí Minh đã "Việt Nam hóa" vai trò của báo chí cách mạng Việt Nam và cụ thể hóa yêu cầu để nó làm tròn nhiệm vụ tuyên truyền, tổ chức, hướng dẫn nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
Nói về một tờ báo cách mạng, Người chỉ rõ, "Tờ báo của chúng ta có mấy điểm chính: 1- Nhiệm vụ của tờ báo là tuyên truyền, cổ động, huấn luyện, giáo dục, và tổ chức dân chúng để đưa dân chúng đến mục đích chung. 2-  Mục đích là kháng chiến và kiến quốc. Để đi đến kháng chiến thắng lợi, kiến quốc thành công… 3- Tôn chỉ của tờ báo là đoàn kết toàn dân, thi đua ái quốc…4-  Đối tượng của tờ báo là đại đa số dân chúng. Một tờ báo không được đại đa số công chúng ham chuộng, thì không xứng đáng là một tờ báo. Muốn được công chúng ham chuộng, coi tờ báo ấy là tờ báo của mình… 5- Nội dung tức là các bài báo giản đơn, dễ hiểu, phổ thông, thiết thực, hoạt bát… 6- Hình thức tức là cách sắp đặt các bài, cách in phải sạch sẽ, sáng sủa".
 
Cũng theo lời Người, ở mỗi một giai đoạn, thời kỳ lịch sử, báo chí sẽ trực tiếp đề cập những vấn đề khác nhau, nhưng phải luôn giữ vững quan điểm, mục đích, nhiệm vụ, tôn chỉ hoạt động của mình. Đề tài của các tin, bài viết của Người và mỗi nhà báo cách mạng theo đuổi không ngoài các nội dung phục vụ nhân dân lao động, phục vụ CNXH, phục vụ cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và hoà bình thế giới.
 
Đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ những người làm báo, luôn nhấn mạnh vai trò “chiến sỹ” của người làm báo, Người khẳng định: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ. Để làm tròn nhiệm vụ vẻ vang của mình, cán bộ báo chí cần phải tu dưỡng đạo đức cách mạng, cố gắng trau dồi tư tưởng, nghiệp vụ và văn hoá; chú trọng học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng và Chính phủ; đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động”. Trên tinh thần “cây bút là vũ khí sắc bén, bài báo là tờ hịch cách mạng động viên quần chúng đoàn kết, đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới”, nên mỗi nhà báo chân chính đều phải trung thực và nêu cao tinh thần “trong sự nghiệp phò chính, trừ tà”. Đồng thời còn phải "phải hết sức cẩn thận về hình thức, về nội dung, về cách viết… Muốn tiến bộ, muốn viết hay thì phải cố gắng học hỏi, ra công rèn luyện… Mỗi khi viết một bài báo thì tự đặt câu hỏi: Viết cho ai xem? Viết để làm gì? Viết thế nào cho phổ thông, dễ hiểu, ngắn gọn dễ đọc? Khi viết xong thì nhờ anh em sửa giùm".
 
Luôn thực hành nguyên tắc: Muốn tuyên truyền cho quần chúng, phải học cách nói của quần chúng, mới nói lọt tai quần chúng…Cách nói của quần chúng rất đầy đủ, rất hoạt bát, rất thiết thực mà lại rất đơn giản”, nhà báo Hồ Chí Minh tâm niệm và căn dặn đội ngũ những người làm báo phải “viết sao cho giản đơn, dễ hiểu, thiết thực, sao cho mỗi đồng bào, mỗi chiến sĩ đều đọc được, hiểu được, nhớ được, làm được”… Văn phong báo chí phải “dễ hiểu, phổ thông hoạt bát”, “không dây cà dây muống”… nhưng lại phải viết cho văn chương, cho người đọc thấy hay, thấy văn chương mới thích đọc,v.v..
 
Báo chí cách mạng - thời kỳ nào cũng vậy, là một bộ phận của công tác tư tưởng, quan hệ mật thiết với yêu cầu và nhiệm vụ của công tác tư tưởng, nhằm phục vụ công tác tư tưởng. Đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và hoạt động trong khuôn khổ pháp luật, báo chí phản ánh tâm tư nguyện vọng của nhân dân, biểu dương cái tốt, cái đúng, cái đẹp, đấu tranh với cái sai, cái xấu, cái ác, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy phong trào cách mạng, nhân nguồn sức mạnh nội lực của nhân dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với ý nghĩa đó, những người làm báo hiện nay hơn lúc nào hết, càng phải rèn đức luyện tài để “phò chính trừ tà”, chiến thắng các thế lực thù địch trong tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, về kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH…
 
Trong bối cảnh đổi mới và hội nhập sâu vào đời sống kinh tế quốc tế, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, sự đồng loạt xuất hiện của dịch vụ phát thanh truyền hình, các phương tiện truyền thông đại chúng, các loại hình báo in, báo hình, báo phát thanh, báo điện tử…, cùng với những cải tiến về nội dung, phương thức hoạt động, phát hành, đã mang đến cho các nhà báo cơ hội thuận lợi để tác nghiệp, cho các tờ báo sự nhanh nhạy khi cập nhật thông tin trong nước và thế giới, tạo ra môi trường hoạt động, kinh doanh báo chí sôi động… Điều này, một mặt mang đến cho công chúng những tin tức, sự kiện, những hình ảnh, bình luận cập nhật, giá trị, giàu ý nghĩa; mặt khác, đồng thời tạo sự cọ xát đấu tranh trong tư tưởng, tâm lý, tình cảm, lối sống ngày càng quyết liệt.
 
Trước yêu cầu mới, đón nhận những hiệu ứng tích cực và thuận lợi, đối mặt với những nguy cơ, thách thức, báo chí và mỗi nhà báo chân chính càng phải có trách nhiệm hơn với sứ mệnh cao cả “phò chính trừ tà”. Theo Người: “Chính trị phải làm chủ. Đường lối chính trị đúng thì những việc khác mới đúng được. Cho nên các báo chí của ta đều phải có đường lối chính trị đúng”... Vì vậy mà, khi đâu đó vẫn còn những tờ báo, nhà báo chạy theo lợi nhuận, bị chủ nghĩa cá nhân, đồng tiền, danh vọng cám dỗ, đưa tin bài thiếu trung thực, lành mạnh theo kiểu gật gân câu khách… thì càng cần nhiều hơn những nhà báo trung thực, giỏi nghề, “tích cực tuyên truyền, cổ vũ thành tựu của công cuộc đổi mới. Coi trọng đúng mức việc phát hiện, biểu dương các nhân tố mới, điển hình tiên tiến; tích cực đấu tranh, góp phần ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí, quan liêu, các tiêu cực và tệ nạn xã hội”.

Kỷ niệm 88 năm ngày báo chí cách mạng Việt Nam, khâm phục trước ý chí, nghị lực, tài năng, bản lĩnh chính trị, trí tuệ mẫn tiệp của nhà báo cách mạng Hồ Chí Minh, mỗi nhà báo, nhất là những nhà báo trẻ càng phải nỗ lực học tập và làm theo tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng của Người. Phải thường xuyên rèn luyện và nâng cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ của mỗi nhà báo, phải “viết để nêu những cái hay, cái tốt của dân ta, của bộ đội ta, của bạn ta. Đồng thời để phê bình những khuyết điểm của chúng ta, của cán bộ, của nhân dân, của bộ đội. Không nên chỉ viết cái tốt mà giấu cái xấu. Nhưng phê bình phải đúng đắn. Nêu cái hay, cái tốt thì phải có chừng mực, chớ phóng đại. Có thế nào nói thế ấy. Bộ đội và nhân dân ta cũng đủ nhiều cái hay để nêu lên không cần phải bịa đặt ra. Phê bình thì phải phê bình một cách thật thà, chân thành đúng đắn; chứ không phải để địch lợi dụng để nó phản tuyên truyền”... gây rối nội bộ và phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân như nhà báo Hồ Chí Minh từng căn dặn, để mang lại những món ăn, tinh thần bổ ích, làm phong phú đời sống tâm hồn, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đông đảo nhân dân lao động.

TS Lê Thị Hòa

Nguồn tin: Tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập393
  • Máy chủ tìm kiếm20
  • Khách viếng thăm373
  • Hôm nay95,755
  • Tháng hiện tại1,172,170
  • Tổng lượt truy cập34,757,815
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây