Thật vậy, trở lại Tân Phú vào những ngày hạ tuần tháng 9, thật cảm động khi nghe những câu chuyện về tinh thần “tương thân, tương ái”, giúp nhau vượt khó. Tại Tổ Phụ nữ số 5, ấp Tân Xuân, khi đề cập đến việc hỗ trợ phụ nữ khó khăn, chị Trần Thị Ánh, Tổ trưởng bộc bạch: Nhiều chương trình quá không nhớ hết, chỉ xem sổ mới biết chú ơi! Mô hình ra đời gần nhất vào tháng 5 vừa qua là tiết kiệm Thi đua ái quốc, học tập làm theo Bác. Đợt đầu tiên, tổ đã huy động được 2 triệu đồng, giúp một hội viên trong ấp gặp khó khăn mua bán nhỏ, làm kế sinh nhai. Trước đó, tổ cũng đã có các mô hình tiết kiệm như nuôi heo đất, góp vốn xoay vòng… Sau hơn hai năm hoạt động, mô hình nuôi heo đất đã giúp được 12 tổ viên, với số tiền hỗ trợ trung bình từ 500.000 - 1.000.000 đồng/người; mỗi tháng, các tổ viên còn giúp nhau qua hình thức góp vốn xoay vòng.
Đến thăm chị Lưu Thị Kim Hương, chúng tôi được biết, chiếc xe hàng ngày chị đẩy bán trà sữa là do Tổ Phụ nữ số 5 cho mượn 2 triệu đồng từ đợt thực hành tiết kiệm Thi đua ái quốc mà có. Chị Hương bày tỏ: “Vợ chồng không có đất, làm thuê kiếm sống qua ngày, nên rất bấp bênh. Các chị em trong ấp thấy vậy góp tiền giúp tôi có điều kiện mưu sinh. Nhờ chiếc xe đẩy này, mỗi ngày tôi cũng kiếm được vài chục nghìn đồng, cộng với tiền làm thuê của chồng, nên giảm bớt phần nào khó khăn cho gia đình”.
Đây là một trong rất nhiều những mô hình cụ thể, hiệu quả mà Hội Phụ nữ xã thực hiện làm theo Bác trong hơn hai năm qua. Cụ thể, từ khi triển khai việc học tập và làm theo Bác đến nay, Hội Phụ nữ xã thực hiện hơn 15 mô hình tiết kiệm, giúp nhau vượt khó như: Hủ gạo tình thương, hàng tháng hỗ trợ cho 10 hộ khó khăn; tiết kiệm tiền chợ, điện, chi phí trong sinh hoạt để nuôi heo đất; giúp nhau sửa nhà; hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế... Riêng trong năm 2013, Hội đã cho ra đời thêm mô hình tiết kiệm Thi đua ái quốc, học tập theo Bác giúp nhau giảm nghèo. Mô hình đã giúp được 2 gia đình chị em khó khăn, từng bước cải thiện cuộc sống. “Bằng những hoạt động cụ thể trong học tập và làm theo Bác, nhận thức về tiết kiệm, giúp nhau giảm nghèo; tinh thần tương thân tương ái, tình làng nghĩa xóm ngày càng được thắt chặt. Việc thực hành tiết kiệm thường xuyên dần trở thành ý thức, từng bước xây dựng thói quen văn hóa tiết kiệm trong đời sống hàng ngày, đồng thời làm tấm gương cho các con, cháu noi theo”- chị Nguyễn Thị Hồng Phụng, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã cho biết.
Cùng chung tay xây dựng quê hương Tân Phú từng bước vượt qua khó khăn, vươn lên khá, giàu, ngoài những việc làm bình thường, nhưng có ý nghĩa cao cả của Hội Phụ nữ xã, các đoàn thể chính trị địa phương như Hội Nông dân xã cũng đã tích cực thực hiện các phong trào, như: giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... Đoàn Thanh niên xây dựng quỹ góp vốn xoay vòng, thực hiện mô hình và phong trào lập thân, lập nghiệp, trợ vốn cho thanh niên phát triển kinh tế. Tổ chức Công đoàn phát động phong trào góp ít nhất 5.000 đồng/người giúp công đoàn viên nghèo hàng tháng và vận động đóng quỹ xây dựng nhà tình thương. Ban vận động và tiếp nhận quà cứu trợ mỗi năm trên 200 triệu đồng từ các mạnh thường quân trong và ngoài xã, vận động khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho trên 300 người/năm, vận động các tổ chức cứu trợ cấp thường xuyên cho 6 đối tượng già neo đơn, bệnh tật mỗi tháng 200.000 đồng đến cuối đời. Hội Cựu Chiến binh xã đã xây dựng Quỹ nghĩa tình giúp đỡ hội viên khó khăn; tham gia phong trào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát trển kinh tế địa phương… Ông Nguyễn Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã cho biết, dù số tiền không nhiều nhưng qua các mô hình này hoạt động hội được duy trì thường xuyên; tình đồng chí, đồng đội càng gắn bó hơn.
Có thể nói, việc học tập và làm theo Bác ở xã Tân Phú thời gian qua đã được các ban, ngành, đoàn thể, chi bộ tích cực hưởng ứng, thực hiện bằng các phong trào, mô hình cụ thể, thiết thực, đặc biệt là các hình thức giúp nhau vượt khó, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Theo đó, quán triệt, học tập các chỉ thị, hướng dẫn, kế hoạch cấp trên, cán bộ, công chức có sự chuyển biến rõ nét về nhận thức và hành động, nhất là trong công tác cải cách hành chính, sửa đổi lề lối làm việc tại cơ quan, ban, ngành của xã… Nơi tiếp nhận và giải quyết các thủ tục hành chính được sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp; việc phân công, bố trí cán bộ trực, tiếp nhận, hướng dẫn và giải quyết công việc nhanh chóng; tinh thần, thái độ, ý thức trách nhiệm trong công tác của cán bộ, công chức được nâng lên. Từng chi bộ, từng ngành đã xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, quy chế dân chủ; xây dựng và thực hiện nếp sống văn hóa nơi công sở. Điển hình học tập trên lĩnh vực này có Ban Chỉ huy Quân sự xã, bộ phận một cửa của UBND xã, trường trung học cơ sở, tiểu học Tân Phú, trạm y tế và các ban, ngành khác cũng thể hiện rất tích cực.
Nói về kết quả thực hiện học tập và làm theo Bác, ông Lê Văn Màng, Phó Bí thư Đảng ủy xã nhận xét: Bên cạnh kết quả đạt được về nâng cao nhận thức, đạo đức, trách nhiệm, thái độ của cán bộ, công chức trong thực thi công vụ cũng như quan hệ với đồng nghiệp, đồng đội và nhân dân, các mô hình giúp nhau vượt khó, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất, phát triển kinh tế đã góp phần chia sẻ khó khăn trong xã hội, giảm nghèo… Tuy nhiên, bước đầu triển khai việc học tập và làm theo Bác còn lúng túng; có nơi nhận thức còn chưa thấu đáo; còn cá nhân, đơn vị chưa thấy hết trách nhiệm của mình. Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo hướng sâu và rộng hơn.