Hơn 60 năm trước (12/1958) trong bối cảnh toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta tập trung cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đồng thời ra sức khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh ở miền Bắc, những biểu hiện suy thoái về đạo đức trong đội ngũ cán bộ, đảng viên có chiều hướng gia tăng, trở thành những căn bệnh, nguy cơ của Đảng. Trước tình hình đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm “Đạo đức cách mạng” với bút danh Trần Lực, một mặt khẳng định vai trò quan trọng của đạo đức cách mạng, mặt khác chỉ rõ kẻ thù, nguy cơ của đạo đức cách mạng, từ đó Người đề xuất những giải pháp để ngăn ngừa và chữa căn bệnh này.
Đặt trong bối cảnh hiện nay, trước “tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên chưa bị đẩy lùi; có mặt, có bộ phận còn diễn biến phức tạp hơn” thì tác phẩm này một lần nữa được xem là ngọn đuốc soi đường, là “cẩm nang” để mỗi tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên tự soi rọi lại chính bản thân mình; cùng nhau nâng cao nhận thức về vai trò của đạo đức cách mạng; tìm ra phương thức rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng đúng đắn; ra sức đấu tranh với những biểu hiện của chủ nghĩa cá nhân; góp phần đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
ThS. Đoàn Văn Re - Phó Trưởng khoa phụ trách khoa Lý luận chính trị, cho biết: Hội thảo đã nhận được 32 bài tham luận của các tác giả trong và ngoài trường với nội dung hết sức đa dạng, phong phú. Với tinh thần làm việc nghiêm túc, khoa học, đánh giá khách quan, Ban tổ chức đã chọn ra 12 bài đăng trong Kỷ yếu Hội thảo. Các bài tham luận nêu bật một số vấn đề về: Vai trò, sức mạnh to lớn của đạo đức và đạo đức cách mạng; Nội hàm của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh; Thực trạng đạo đức của tổ chức đảng và cán bộ, đảng viên, sinh viên Trường Đại học Tiền Giang hiện nay; Giải pháp để xây dựng, giáo dục, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức cách mạng cho cán bộ, đảng viên; Giáo dục đạo đức cho sinh viên Trường Đại học Tiền Giang.
Tại Hội thảo có 5 bài tham luận và 15 phát biểu tập trung làm rõ vai trò, nội dung của đạo đức cách mạng; những giá trị lý luận và thực tiễn của đạo đức cách mạng theo tư tưởng Hồ Chí Minh; thực trạng đạo đức cách mạng và công tác giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay; con đường rèn luyện đạo đức cách mạng của đội ngũ cán bộ, đảng viên; vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức hiện nay; tự phê bình và phê bình là vũ khí sắc bén để mỗi cán bộ, đảng viên và tổ chức đảng tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; những vấn đề cốt lõi, cấp bách trong học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh đối với cán bộ, đảng viên hiện nay…
Phát biểu tại Hội thảo, TS. Nguyễn Phúc Nghiệp nhấn mạnh ý nghĩa của Hội thảo, đây là dịp để làm sâu sắc hơn những giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm Đạo đức cách mạng, đồng thời góp phần tuyên truyền các chuẩn mực đạo đức cách mạng tới mỗi cán bộ, đảng viên. Đã hơn 60 năm trôi qua, nhưng những tâm huyết, chỉ dẫn kịp thời của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tác phẩm Đạo đức cách mạng vẫn còn sống mãi. Ngày hôm nay, chúng ta cùng nhau ôn lại, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người chính là thấm nhuần lời dạy sâu sắc của Người: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
TS. Phan Văn Nhẫn - Nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: Chủ tịch Hồ Chí Minh rất tin tưởng vào đạo đức cách mạng và thực hành đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân ta. Tác phẩm Đạo đức cách mạng của Người là những chỉ dẫn về việc xây dựng nhân cách, phẩm chất và giá trị cao quý của người làm cách mạng, cũng là thông điệp về xây dựng một đảng cầm quyền liêm chính, trong sạch, vững mạnh, trí tuệ và bản lĩnh ngang tầm nhiệm vụ mà Tổ quốc và nhân dân giao phó. Nâng cao đạo đức cách mạng là chiến lược lâu dài của Đảng ta, là yếu tố làm nên thắng lợi bền vững cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta vì một Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát biểu bế mạc Hội thảo, TS. Lê Quang Trí - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tiền Giang đánh giá cao các tham luận và ý kiến phát biểu tại Hội thảo: Kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019) trong bối cảnh toàn Đảng, toàn dân đang ra sức học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Hội thảo là dịp để chúng ta ôn lại, để hiểu sâu sắc hơn những lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời nhìn lại chính mình để phát huy những ưu điểm, khắc phục những yếu kém, vươn lên.