Lập gia đình từ năm 2006, gia đình ít đất sản xuất, cuộc sống của vợ chồng chị Nguyễn Thị Nga gặp nhiều khó khăn khi 2 đứa con lần lượt chào đời. Với ý chí, quyết tâm vươn lên làm giàu chính đáng, năm 2015 từ nguồn vốn vay Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang, chị làm vốn mua bàng đan nón để kiếm thêm thu nhập.
Tham gia công tác hội phụ nữ xã nhiều năm, lại là người địa phương nên chị Nga biết rõ hoàn cảnh, điều kiện và nhu cầu của chị em hội viên, nhất là những chị lớn tuổi không thể vào làm việc tại các công ty, xí nghiệp; nhiều chị phải chăm con, giữ cháu, làm công việc nội trợ, rất cần có công việc phù hợp, có thể tận dụng thời gian nhàn rỗi kiếm thêm thu nhập cho gia đình.
Sau khi khảo sát, nắm bắt rõ nhu cầu thị trường, chị mạnh dạn tham mưu Hội LHPN xã Tân Hòa Thành thành lập Tổ liên kết phụ nữ đan các sản phẩm bàng. Lúc mới thành lập, tổ có 22 thành viên. Với vai trò là tổ trưởng, ngoài việc tìm nguồn vốn hỗ trợ hội viên để mua nguyên liệu, chị phải chịu trách nhiệm về đầu ra sản phẩm.
Chị Nguyễn Thị Nga chia sẻ: "Tuy đa số thành viên trong tổ đều có tay nghề đan các sản phẩm bàng nhưng chủ yếu là những sản phẩm truyền thống đơn giản, mẫu mã không đa dạng nên việc tìm đầu ra gặp nhiều khó khăn. Do vậy, bản thân chị phải lặn lội đến nhiều nơi để giới thiệu sản phẩm, đồng thời tìm hiểu, học hỏi những mẫu mã mới về hướng dẫn lại cho chị em hội viên trong tổ".
Từ sự hướng dẫn nhiệt tình của chị Nga, nhiều chị đã biết cách đan thêm những sản phẩm mới đáp ứng nhu cầu thị trường, được người tiêu dùng ưa chuộng như: vỏ xách đi chợ, túi thời trang, cặp học sinh, nón,...; giá cả thu mua sản phẩm trong tổ luôn cao hơn so với thị trường. Những chị đan giỏi có thể kiếm thêm thu nhập cho gia đình từ 100.000 - 150.000 đ/ngày, từ đó chị em tin tưởng tham gia vào tổ ngày càng đông. Đến nay, Tổ liên kết phụ nữ đan các sản phẩm bàng ấp Tân Quới có 48 thành viên.
Để có nguồn nguyên liệu, chị đầu tư toàn bộ 0,5 ha đất trồng bàng, hàng năm thu hoạch hơn 3.000 neo (bó). Số bàng này chị dùng hỗ trợ cho các thành viên khó khăn mượn làm nguyên liệu đan sản phẩm. Chỉ sau hơn 3 năm khởi nghiệp, kinh tế gia đình chị khá hơn, thu nhập ổn định hơn 100 triệu đồng/năm.
Bằng sự cần cù, sáng tạo, với mô hình thiết thực, phù hợp với điều kiện của đa số phụ nữ nông thôn, năm 2018 chị Nguyễn Thị Nga đã đạt giải nhì Hội thi nữ doanh nhân do Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế tỉnh Tiền Giang tổ chức.
"Chị Nga không chỉ là một phụ nữ chịu khó, dám nghĩ, dám làm mà còn là một cán bộ hội cơ sở nhiệt tình, năng nỗ trong công tác. Với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ ấp, chị luôn có những sáng kiến hay, đóng góp vào phong trào hội ở cơ sở. Là tổ trưởng Tổ phụ nữ đan các sản phẩm bàng, chị Nguyễn Thị Nga đã có đóng góp rất lớn trong việc duy trì làng nghề đan nón bàng buông truyền thống của địa phương. Những đóng góp của chị Nga đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh đẹp của người phụ nữ nông thôn, là tấm gương điển hình trong phong trào "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình, hạnh phúc", xứng đáng là tấm gương sáng để chị em phụ nữ học tập và noi theo” - Chị Nguyễn Thị Thùy Trang, Chủ tịch Hội LHPN xã Tân Hòa Thành, khẳng định.