Về quan điểm chỉ đạo
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện nền kinh tế và đời sống xã hội, ngày càng dựa nhiều hơn vào sự phát triển của công nghiệp và dịch vụ trên nền tảng của khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; là nhiệm vụ trung tâm của tỉnh trong quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững. Quan tâm đầu tư phát triển hệ thống thủy lợi, nguồn nước mặt, nước ngầm khi thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa do tỉnh thuộc vùng trũng của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa là sự nghiệp của toàn dân và cả hệ thống chính trị, lấy con người là trung tâm, doanh nghiệp là chủ thể, bảo đảm hài hoà mục tiêu phát triển kinh tế đi đôi với tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; gắn kết chặt chẽ và đồng bộ với quá trình đô thị hóa, xây dựng nông thôn mới, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế.
Công nghiệp hóa, hiện đại hóa phải khai thác và phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế của tỉnh; chuyển dịch nhanh từ gia công, lắp ráp sang sáng tạo, thiết kế và tự sản xuất; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu; chú trọng dịch vụ hóa các ngành công nghiệp. Coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Ưu tiên nguồn lực, triển khai thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách đột phá về phát triển các cực tăng trưởng, các ngành công nghiệp nền tảng, công nghiệp ưu tiên, các ngành dịch vụ có giá trị gia tăng cao; tăng cường liên kết ngành và liên kết vùng; thu hút đầu tư trong nước là động lực chính, chủ đạo; thu hút đầu tư FDI có vai trò quan trọng.
Chủ động và tích cực hội nhập; khơi dậy khát vọng phát triển, tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo; phát huy giá trị văn hóa truyền thống, vai trò xung kích, đi đầu của đội ngũ trí thức và doanh nhân.