Gần 30 tham luận tại hội thảo đã ghi nhận nhiều đóng góp của văn học đồng bằng sông Cửu Long cho sự phát triển của nền văn học nước nhà; Những chia sẻ, trao đổi về tình hình sáng tác, thực trạng đội ngũ sáng tác của khu vực hiện nay. Đồng thời đại biểu dự hội thảo cũng đưa ra những đề xuất để tiếp tục xây dựng và phát triển văn học khu vực trong thời gian tới.
Nhìn lại chặng đường 45 năm
Điều đáng ghi nhận ở văn học ĐBSCL từ 1975 đến nay đó là sự phong phú về đề tài, và sự đa dạng về phong cách. Các thế hệ nhà văn, nhà thơ đã và đang chung sức tạo dựng một nền văn học đậm đà hương sắc của vùng đất Nam bộ nhưng cũng không kém phần sâu sắc, độc đáo trên bước đường hiện đại. “Nếu những năm 80 của thế kỷ trước, người viết văn của đồng bằng sông Cửu Long chỉ đếm đủ trên đầu ngón tay thì hiện nay đã hình thành là một đội ngũ vững vàng với tâm thế của những nhà văn sở hữu những tác phẩm có giá trị”, nhà văn Bích Ngân nhận định. Theo chị, dễ nhận ra ở người viết văn vùng đất này là đại đa số sống lặng lẽ, khiêm nhường nhưng giàu lòng tự trọng. Tuy nhiên, khác với vẻ ngoài, tác phẩm của các nhà văn đồng bằng sông Cửu Long, càng ngày càng bộc lộ nội lực sáng tạo phong phú, có bề dày trải nghiệm, chiêm nghiệm với chiều sâu nhân văn và đầy trách nhiệm.
Về thơ ĐBSCL, nhà thơ Lê Chí đánh giá: “Điểm nổi trội của thơ ĐBSCL là trong trẻo, giản dị. Tính triết lý của thơ ĐBSCL thường được ẩn trong toàn bài hơn là chăm chút từng câu chữ. Từ đó cũng bộc lộ một số hạn chế đáng suy ngẫm. Đó là chất sống trong thơ chưa nhiều, dấu ấn, tâm trạng xã hội còn mờ nhạt, đơn giản. Cảm giác giữa thơ và hiện thực đời sống chưa thật liền mạch. Thơ tình yêu chung chung còn nhiều với màu sắc và ngôn ngữ ít chắt lọc...”.
Nhà văn Kim Quyên cho rằng: “ĐBSCL vẫn còn nhiều vấn đề mới mẻ, mang tính cấp thiết chưa được các tác giả khai thác. Nếu đủ tài năng, tâm huyết và sự nỗ lực không ngừng nghỉ, tin chắc rằng các tác giả sẽ dần thoát khỏi những khuôn mòn sẵn có mà mạnh dạn đào sâu những đề tài mới, biến những vấn đề đó thành “đứa con tinh thần”, phản ánh hiện thực cuộc sống khách quan, bồi đắp tâm hồn, đồng thời tạo nên luồng gió mới mẻ cho văn học đồng bằng...”.
Những trăn trở...
Nhà thơ Lê Chí là một trong những gương mặt thơ tiêu biểu của đồng bằng sông Cửu Long nửa thế kỷ qua, dù đã xuất bản hàng chục tập thơ ông vẫn luôn trăn trở với câu hỏi “Thơ là gì? Làm thế nào để viết được một câu thơ hay, một bài thơ nhiều người đồng cảm?”. Điều trăn trở của nhà thơ cũng chính là nỗ lực tìm con đường chinh phục trái tim của độc giả. Ông ví người làm thơ cũng không khác mấy người trồng hoa và làm vườn. Khi chọn giống, chọn đất và chăm bón tốt thì mới mong có được những mùa hoa đẹp, trái ngon. “Khi đã đẹp và ngon thì chắc là nhiều người sẽ thích”, nhà thơ Lê Chí ví von.
Nhà thơ Lê Chí cũng đã nêu lên thực trạng hiện nay nhiều tờ báo đã quay lưng với thơ, không còn in thơ nữa, còn các đơn vị phát hành sách thì đã lắc đầu với thơ từ lâu. Xuất bản thơ bây giờ hầu như là tác giả tự bỏ tiền ra in để làm vui, tặng bạn bè, người quen là chính. Lê Chí đưa ra một hiện tượng rất lạ, đó là người yêu thơ, đọc thơ ngày một thưa vắng mà người làm thơ thì hình như ngược lại. Vậy có phải thơ hiện nay đang rơi vào “khủng hoảng thừa” vì quá ít thơ hay, nên có vẻ nó đang “sống gượng”? Nhà thơ Lê Chí cho rằng thơ càng ngày càng nhẹ đi về chất và tẻ nhạt hơi thở cuộc sống đời thường. Chính sự khó hiểu và không “ăn nhập” gì với đời sống làm phần lớn người yêu thơ lạnh nhạt, công chúng dần quay lưng với thơ.
Nhà thơ Hữu Thỉnh phát biểu tại hội thảo
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất giàu tiềm năng về văn hóa và văn học nghệ thuật. Từ sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước 30/04/1975, cùng với sự phát triển, đổi mới của văn học cả nước, văn học ĐBSCL ngày càng xuất hiện nhiều tác giả với những tác phẩm mang được nhiều dấu ấn văn học. Tuy nhiên, “phê bình văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long đang thiếu những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp”, nhà thơ Võ Tấn Cường nhận định.
Theo anh, sự vắng bóng của các nhà phê bình văn học chuyên nghiệp dẫn đến hiện trạng mối quan hệ giữa hoạt động sáng tác và tiếp nhận tác phẩm văn học chưa có sự tương tác, giao hòa và xảy ra tình trạng bất cập, tác phẩm văn học xuất bản không có sự đánh giá và thẩm định đúng mức. Bên cạnh đó, do thiếu vắng tiếng nói của những nhà phê bình văn học nên nhiều tác phẩm có giá trị về nghệ thuật tư tưởng được xuất bản nhưng lại chìm vào quên lãng; một số hiện tượng văn học vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng chưa được các nhà phê bình văn học quan tâm, đánh giá.
Với tham luận “Văn học trẻ đồng bằng cần thêm những cú huých để bứt phá”, nhà thơ Trương Trọng Nghĩa cho rằng văn học trẻ ĐBSCL đang cùng cả nước làm nên bức tranh văn chương đa sắc của những người trẻ bằng bản sắc độc đáo của vùng đất và con người Nam bộ. Văn học trẻ ĐBSCL đang bắt nhịp hơi thở của cuộc sống đương đại, đa dạng và phong phú với rất nhiều dòng chảy khác nhau nhưng hầu hết tác phẩm của họ vẫn giữ được bản sắc vùng miền tạo nên nét đặc sắc riêng. Tuy nhiên, so với các khu vực khác trong cả nước, lực lượng viết văn trẻ ở ĐBSCL hiện nay vẫn còn khá khiêm tốn về mặt số lượng.
Trương Trọng Nghĩa trăn trở với việc phát triển đội ngũ sáng tác văn học trẻ của ĐBSCL khi việc kiếm sống bằng văn chương ngày càng khó. Thử thách về “cơm áo gạo tiền” đã khiến không ít cây bút trẻ đã phải rẽ sang một hướng khác, hoặc chỉ xem văn chương như là cuộc dạo chơi ngắn ngủi. Trong khi đó, tình yêu và sự quan tâm dành cho văn chương của nhiều bạn trẻ dường như không còn như trước đây, “đất” dành cho văn chương ngày càng bị thu hẹp, độc giả “mê” văn chương cũng không nhiều. Và một điều nữa là việc tìm kiếm, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ nhiều lúc, nhiều nơi dường như vẫn còn bị bỏ ngõ, được chăng hay chớ, phần lớn vẫn chờ đợi những tài năng văn chương tự tỏa sáng, tự phát lộ mà không có những “cú huých” cần thiết, không có sự quan tâm hỗ trợ cũng như động viên khích lệ dành cho lực lượng viết trẻ.
Chủ trì buổi hội thảo, nhà thơ Hữu Thỉnh khái quát 3 cái nhất của văn học ĐBSCL, đó là: Vùng có nhiều cây bút nữ nổi tiếng nhất; độ sung sức của các tác giả cao nhất; tiềm năng dồi dào nhất. “Ở một nơi nào đó vừa gần vừa xa chúng ta, nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sẽ vui mừng khi nhìn thấy thế hệ hậu duệ kế tục sự nghiệp cầm bút giỏi giang, tâm huyết, đầy tài năng, đóng góp chung vào nền văn học của cả nước. Đây là tài sản chung của nhân sinh trong khu vực...”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhận định. Tuy nhiên, ĐBSCL hiện vẫn còn rất ít những cây bút phê bình, làm nhiệm vụ giải mã, khám phá và đánh giá tác phẩm văn học.
“Các tác giả đồng bằng hoàn toàn có tiềm năng và khả năng để giới thiệu đến bạn đọc cả nước và thế giới về hình ảnh của một vùng đất đầy quyến rũ và tràn đầy sức sống”, nhà thơ Hữu Thỉnh khẳng định. Ông cũng bày tỏ mong muốn những người sáng tác văn học ở ĐBSCL cần phấn đấu theo hướng chuyên nghiệp và hiện đại. Theo nhà thơ thì có thể mất 5-10 năm hay thậm chí lâu hơn nữa để các cây bút đồng bằng có những đột phá về đội ngũ lẫn chất lượng tác phẩm. Và để làm được điều đó, tới đây Hội Nhà văn Việt Nam sẽ không đầu tư dàn trải mà phải đầu tư đích đáng hơn, triệt tiêu các giá trị trung bình phổ biến trong quá trình sáng tác; quan tâm phát triển những cây bút lý luận phê bình để làm nổi bật và chấp cánh cho văn thơ khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn