Đến dự khai mạc Hội nghị có PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng; đồng chí Lê Mạnh Hùng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; PGS.TS. Phan Trọng Thưởng, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng; TS. Bùi Thế Đức, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng cùng đại diện lãnh đạo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, Hội đồng Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương; Tỉnh ủy, UBND và các sở, ban, ngành tỉnh Kiên Giang.
Lớp tập huấn có 220 học viên là cán bộ Ban Tuyên giáo phụ trách công tác văn hóa - văn nghệ, những người làm công tác quản lý nhà nước về văn hóa - văn nghệ; lãnh đạo Hội Văn học - Nghệ thuật, những người làm công tác nghiên cứu lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật; lãnh đạo phòng văn hóa - văn nghệ các Ban Tuyên giáo của 34 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung, Tây Nguyên và Nam Bộ (từ Quảng Trị trở vào) tham gia Hội nghị tập huấn. Đoàn Tiền Giang do đồng chí Ngô Huỳnh Quang Thái - Phó Trưởng ban Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm trưởng đoàn.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS. Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương nhấn mạnh, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn quan tâm tới công tác văn hóa, văn học nghệ thuật; đã có nhiều nghị quyết, chỉ thị của Đảng lãnh đạo lĩnh vực này; Quan điểm chỉ đạo của Đảng đối với sự nghiệp phát triển văn hóa Việt Nam trước yêu cầu mới văn hóa, văn nghệ là một bộ phận khắng khít của sự nghiệp đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo. Mọi hoạt động văn hóa nhằm xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, trí tuệ, đạo đức, thể chất, năng lực sáng tạo, có ý thức cộng đồng, lòng nhân ái, khoan dung, tôn trọng nghĩa tình, lối sống có văn hóa, quan hệ hài hòa trong gia đình, cộng đồng và xã hội. Do vậy, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đề nghị cán bộ quản lý cũng như đội ngũ văn nghệ sĩ cần nắm vững quan điểm, đường lối phát triển văn học, nghệ thuật của Đảng, Nhà nước; không ngừng nâng cao trình độ nhận thức lý luận và năng lực lãnh đạo, quản lý, đặc biệt là nâng cao khả năng xử lý các vấn đề nảy sinh trong thực tiễn đời sống văn học, nghệ thuật hiện nay.
Trong thời gian 4 ngày, các học viên sẽ được nghiên cứu 6 chuyên đề gồm: “Quan điểm của Đảng về văn hóa, văn nghệ trong một số nghị quyết gần đây; Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phòng, chống diễn biến hòa bình, phản bác các quan điểm sai trái thù địch; Vấn đề tự do sáng tạo trong văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện nay; Nghiên cứu, quán triệt các quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn học, nghệ thuật; Một số nét nổi bật của đời sống mỹ thuật trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng và phương hướng cho nhiệm kỳ tới; Kinh nghiệm tổ chức loạt bài về đấu tranh chống tiêu cực trên báo Công an nhân dân.