Nghệ sĩ nhân dân Trần Hữu Trang

Thứ hai - 06/06/2022 23:01
Giáo sư, Tiến sĩ Âm nhạc học Trần Văn Khê viết về Nghệ sĩ Nhân dân Trần Hữu Trang (Tư Trang) như sau: “Tôi rất trân trọng tài năng và nhân cách của anh Tư Trang vì chính nhờ có anh, cải lương Việt Nam có được niềm tự hào khi đi ra với bạn bè thế giới. Những người Việt Nam xa xứ đã khóc, cười cùng nhau khi cùng ngồi xem “Đời cô Lựu”, “Tô Ánh Nguyệt” hay “Lan và Điệp”. Vốn văn hóa cha ông, tình yêu nghệ thuật của dân tộc vì thế mà chưa bao giờ phai nhạt trong họ”.

Nghệ sĩ nhân dân Trần Hữu Trang
Trần Hữu Trang, thường gọi là Tư Trang, sinh năm 1906 tại làng Phú Kiết, quận Chợ Gạo, tỉnh Mỹ Tho (nay là xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang) trong một gia đình nông dân.

Tuy chỉ học hết bậc Tiểu học; nhưng bằng con đường tự học, ông có kiến thức sâu rộng về nhiều lĩnh vực, nhất là về xã hội và nghệ thuật đờn ca tài tử.

Đồng thời, ông đã sớm bộc lộ tinh thần yêu nước, tham gia phong trào đấu tranh đòi thả Phan Bội Châu (1925), dự các buổi diễn thuyết và phong trào để tang Phan Châu Trinh (1926). Từ năm 1930-1931, ông đã phong trào cộng sản. Có lần, một chiến sĩ cách mạng bị mật thám bám riết, phải chạy vào hiệu hớt tóc của ông. Ông đã che giấu và còn tặng 20 đồng làm lộ phí . Trong thời gian ông gắn bó với gánh hát Phụng Hảo của nghệ sĩ Phùng Há, chiến sĩ cộng sản Nguyễn Chí Diểu đã từng đến gặp ông để trao đổi về khuynh hướng sáng tác “tả thực xã hội”. 

Khoảng cuối thập niên 20 của thế kỷ XX, được soạn giả kiêm nghệ sĩ cải lương Nguyễn Thành Châu giới thiệu, ông vào làm thư ký chép tuồng cho một gánh cải lương. Sau đó, được soạn giả Đặng Công Danh (Mười Giảng) tận tình hướng dẫn, ông bắt đầu sáng tác kịch bản cải lương. Năm 1928, ông cho ra mắt vở cải lương đầu tay Lửa đỏ lòng son. Trong thập niên 1930, ông là soạn giả lừng danh với các vở cải lương nổi tiếng, như Tô Ánh Nguyệt (1934),  Hoa rơi cửa Phật, tức Lan và Điệp (1936), Đời cô Lựu (1937). Ông cộng tác với các gánh hát Trần Đắc, Năm Phỉ, Phụng Hảo, Năm Châu. Sau đó, ông có những sáng tác tiếp theo tạo nên tiếng vang lớn, như các vở  Tìm hạnh phúc, Mộng hoa vương, Chị chồng tôi, Tình lụy, Khi người điên biết yêu  (viết chung với Nguyễn Thành và Lê Hoài Nở).

Sở dĩ các vở cải lương do ông sáng tác tạo nên dấu ấn sâu đậm trong quần chúng, được công luận đặc biệt chú ý là do giá trị nghệ thuật và nội dung thấm đậm chủ nghĩa nhân văn, tinh thần yêu nước và tư tưởng tiến bộ cách mạng. Đặc biệt, hai vở Tô Ánh Nguyệt và Đời cô Lựu đã phản ảnh hiện thực xấu xa, thối nát của xã hội thực dân; tố cáo những thủ đoạn thâm độc, bỉ ổi của bọn điền chủ gian ác; nêu bật nỗi khổ của quần chúng nhân dân lao động và động viên họ dũng cảm đứng lên đấu tranh chống cường quyền, áp bức và bóc lột, mưu cầu cuộc sống  tự do, bình đẳng, ấm no và hạnh phúc.

Tháng 8 - 1945, ông tham gia cách mạng, giữ chức Chủ tịch Ủy ban Hành chánh - Kháng chiến xã Phú Kiết. Năm 1946, nhằm động viên tinh thần chiến đấu của quân dân ta trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, năm 1946, ông sáng tác vở cải lương Hậu chiến trường. Năm 1947, ông được phân công về Sài Gòn, hoạt động trong Hội Liên Việt. Ở vị trí công tác mới, ông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ vận động, tập hợp giới trí thức, văn nghệ sĩ trong vùng địch tạm chiếm hướng về cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của toàn dân tộc và sử dụng sân khấu làm nơi đấu tranh chống địch trên phương diện văn hóa - văn nghệ.

Để có điều kiện hoạt động công khai, ông thành lập gánh cải lương “Con Tằm” và sau đó là gánh cải lương “Phước Chung”. Lúc bấy giờ, gánh “Phước Chung” là gánh cải lương duy nhất ở nước ta được quản lý và hoạt động theo cung cách mới dựa trên nguyên tắc dân chủ, tập thể và bình đẳng. Về vấn đề này, ông phát biểu: “Khi biểu diễn một vở, tài nghệ cá nhân có quan trọng thật; nhưng không quan trọng bằng lối biểu diễn của toàn thể. Chúng tôi bỏ lối đề cao cá nhân cũ kỷ trước kia vì sân khấu là nơi làm việc tập thể. Từ anh kéo màn, vai phụ đến anh diễn viên hạng nhất, ai cũng liên quan với nhau. Một vở diễn không phải là một công trình của một cá nhân thì việc “làm nổi” một anh A, một chị B là không hợp lý. Hơn nữa, cái tinh thần trọng vọng cá nhân bao giờ cũng có hại cho một việc làm tập thể như sân khấu”.

Đó là một quan điểm được xem là cách tân và táo bạo lúc bấy giờ. Với chức vụ Chủ tịch Hội Tương tế Ái hữu Nghệ sĩ, ông luôn là người đi đầu trong việc giúp đỡ, chăm sóc đời sống vật chất và tinh thần cho giới nghệ sĩ sân khấu. Bản tính hiền lành, nếp sống đức độ, chuẩn mực, trong sáng, hòa đồng, ông được giới nghệ sĩ thương mến và kính trọng, thường gọi là “ông Tam Tạng”.

Sau năm 1954, ông hoạt động trong Phong trào bảo vệ hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, đấu tranh đòi chính quyền Ngô Đình Diệm thực thi hiệp định Genève, thống nhất đất nước và các quyền dân sinh, dân chủ. Năm 1960, ông ra vùng giải phóng, tham gia Ủy ban Trung ương Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Do có uy tín lớn trong giới văn nghệ sĩ, ông được cử làm  Chủ tịch Hội Văn nghệ Giải phóng.

Ngoài công tác quản lý Hội, ông còn tập trung bút lực và tâm huyết sáng tác vở cải lương “Nguyễn Văn Trỗi”. Nhưng mới chỉ xong phần một, thì ngày 1-10-1966, ông đã anh dũng hy sinh sau một cuộc oanh kích khốc liệt của máy bay B.52 Mỹ vào trụ sở của Hội Văn nghệ Giải phóng ở chiến khu miền Đông Nam bộ.

Ông được Nhà nước truy tặng Huân chương Thành đồng, danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND) và Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt I (1996). Tên của ông được đặt tên đường ở quận Phú Nhuận, tên trường trung học phổ thông ở Quận 5, tên nhà hát ở Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh, tên một giải thưởng  dành cho những nghệ sĩ cải lương có đức hạnh và tài năng: Giải Trần Hữu Trang.

Ông là một trong những soạn giả hàng đầu của nghệ thuật cải lương Việt Nam. Các nhà nghiên cứu và nghệ sĩ cải lương nhận xét ông như sau:

Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Hoàng Như Mai: “Trần Hữu Trang là một trong số rất ít soạn giả - nếu không muốn nói là soạn gia duy nhất - có ý thức lao động nghiêm túc trong công việc viết văn. Soạn giả viết kỹ, gọt rủa cẩn thận. Lời văn giản dị, tự nhiên”.

NSND soạn giả Viễn Châu: “Anh Tư Trang (soạn giả Trần Hữu Trang) là người có học, ham đọc sách, rành chữ nho. Từ thuở nhỏ, do đã có chí hướng thoát khỏi kiếp nông nô nên sau khi lập gia đình, anh rời quê ra tỉnh làm thợ hớt tóc. Ở Mỹ Tho, Tư Trang gặp Nguyễn Công Mạnh, người khuyến khích anh gắn với phong trào đờn ca tài tử. Từ phong trào này, anh đã đam mê cổ nhạc rồi từng bước dấn thân vào sự nghiệp sáng tác”.

Tiến sĩ, NSND Bạch Tuyết: “Soạn giả Trần Hữu Trang là một nghệ sĩ tài danh, là niềm tự hào cho nghệ thuật cải lương cách mạng Việt Nam. Nếu không có những vở diễn của ông, liệu khán giả mộ điệu có dành tình yêu nhiều đến như thế cho cải lương hay không? Tiếc là ông ra đi vì bị trúng bom Mỹ quá sớm, nếu không sân khấu cải lương sẽ còn nhiều vở diễn đỉnh cao hơn nữa”.

NSND Ngọc Giàu: “Hầu hết các vở của soạn giả Trần Hữu Trang đều có giá trị “tả thực xã hội” sâu sắc. Ông là người giương cao ngọn cờ “tả thực xã hội” và kiên trì với đường lối sáng tác này, không bị ngả nghiêng trước những đợt gió đổi chiều trong xã hội. Những tác phẩm đó cho đến nay vẫn còn giữ nguyên giá trị thời sự”.

Song Lan

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập314
  • Máy chủ tìm kiếm85
  • Khách viếng thăm229
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,663,636
  • Tổng lượt truy cập40,033,012
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây