Thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định qua văn tế và thơ điếu Trương Định của Nguyễn Đình Chiểu

Thứ ba - 21/06/2022 22:50
1. Tháng Giêng năm Kỷ Mùi (1859) thành Gia Định thất thủ. Trương Định mang quân đồn điền Gia Thuận (Gò Công) lên Thuận Kiều đánh Pháp và lập được nhiều chiến công. Ngày 25/2/1861, phòng tuyến Chí Hòa bị quân Pháp chọc thủng, quân triều đình buộc phải lui về giữ Biên Hòa, còn Trương Định rút về Tân Hòa (Gò Công), lập căn cứ kháng chiến: “Lúc tan cuộc rồi về huyện Tân Hòa đắp lũy hàn sông, giữ một góc bày lòng địch khái” (Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu).

2. Tháng 4/1961, quân Pháp chiếm Gò Công. Tháng 3/1862, do bị tấn công ở nhiều nơi, quân Pháp buộc phải rút khỏi Gò Công. Nhân cơ hội đó, Trương Định tiếp tục củng cố và mở rộng căn cứ Gò Công, biến nơi này thành trung tâm kháng chiến Tân Hòa và cùng với những trung tâm kháng chiến khác trên đất Định Tường tiến công mãnh liệt thực dân Pháp.

Trên địa bàn Gò Công, Trương Định đã cho thiết lập rất nhiều đồn lũy, pháo đài. Đồng thời, ông còn cho nghĩa quân đắp các cản trên sông Cửa Tiểu và ở cửa biển để ngăn tàu chiến địch. Đại bản doanh của Trương Định được đặt tại giồng Sơn Quy: Giồng này cách huyện lỵ Tân Hòa (thị xã Gò Công ngày nay) khoảng 3km về hướng Tây Bắc, thuộc làng Tân Niên Đông (xã Tân Đông ngày nay).

Bên cạnh dó, ông còn cho xây dựng đồn trại ở Gia Thuận vốn là sở đồn điền do chính ông tạo lập ra năm 1854. Gia Thuận, tuy đã được khai khẩn, nhưng thời bấy giờ, đất đai còn hoang hóa rất nhiều. Vì thế, ở đây còn được gọi là “Đám lá tối trời”.

Trong việc xây dựng căn cứ Tân Hòa, Trương Định đã nhận được sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn của nhân dân Gò Công. Với hệ thống đồn lũy liên hoàn, trãi rộng trên khắp địa bàn Gò Công, lại phải xây dựng trong khoảng thời gian ngắn, từ năm 1861 – 1862, rõ ràng nếu không có sự đóng góp nhân lực, vật lực của nhân dân và lòng người không thuận, thì Trương Định và nghĩa quân chắc chắn sẽ gặp khó khăn không ít trong việc xây đồn đắp lũy, rèn đúc súng gươm, tích trữ lương thực cho công cuộc chống xâm lăng.

Mặc dù xây dựng căn cứ ở Gò Công, vốn là nơi được khai phá sớm, đông dân nhiều của, thuận tiện cho việc chiêu tập nghĩa quân và sản xuất quyên góp tiền của phục vụ kháng chiến và là địa bàn quen thuộc, có họ hàng thân thích bên vợ, bạn bè… của Trương Định, nhưng ông vẫn nhận thấy những mặt hạn chế của Gò Công, nhất là về mặt địa - chiến lược: địa hình tuy có sông rạch, nhưng nhìn chung bằng phẳng rất thuận lợi cho địch trong việc sử dụng các phương tiện cơ động để tung quân đi đàn áp. Phía Bắc và phía Nam đều giáp sông, phía Đông và phía Đông Bắc giáp biển, dễ bị tấn công từ nhiều phía và dễ bị quân địch bao vây cô lập, triệt đường tiếp tế quân lương từ bên ngoài vào. Diện tích Gò Công nhỏ hẹp, thiếu bề rộng và chiều sâu cần thiết để phòng ngự và rút lui, còn địch dễ dàng tập trung binh lực để công phá. Hơn nữa, Gò Công lại rất gần Mỹ Tho và Sài Gòn, vốn là những nơi địch có lực lượng mạnh, lại có đường thủy - bộ nối liền khiến địch dễ hành quân càn quét.

Dẫu vậy, Trương Định vẫn quyết định xây dựng căn cứ của cuộc khởi nghĩa ở Gò Công:

“… Dẫu biết dụng binh nhờ đất hiểm.
Chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công
(Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Quả thế, tuy căn cứ Gò Công không có địa thế hiểm trở như căn cứ Đồng Tháp Mười của Võ Duy Dương; hoặc như các căn cứ ở Trung – Bắc của các phong trào kháng Pháp sau này, nhưng ở Gò Công có thế trận lòng dân vô cùng vững chắc, mà Trương Định xem đó như là yếu tố quyết định của cuộc khởi nghĩa, để khiến ông: “chẳng đành xa bỏ cõi Gò Công”.

Tuy sinh ra ở huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi; nhưng khi lớn lên và đến lúc hy sinh, cuộc đời và sự nghiệp của Trương Định gắn chặt với Gò Công và nhân dân ở đây. Tại Gò Công ông đã lập gia đình với hai người phụ nữ, trước là bà Lê Thị Thưởng (chánh thất) và sau là bà Trần Thị Sanh. Với sự giúp đỡ ít nhiều của gia đình bà Thưởng, năm 1854, hưởng ứng chính sách đồn điền của Nguyễn Tri Phương, Trương Định chiêu mộ dân nghèo, khai khẩn đất hoang lập ra đồn điền Gia Thuận, vừa góp phần phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống của nhân dân địa phương, vừa chăm lo luyện tập quân sự cho dân binh đồn điền, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ đất nước. Bởi vậy, với tư cách là một người luôn quan tâm đến quốc kế dân sinh, Trương Định được nhân dân Gò Công hết lòng mến mộ, tin yêu. Và cũng chính vì vậy, đến năm 1861, với tinh thần yêu nước nồng nàn và ý chí đấu tranh bất khuất, nhân dân Gò Công đã tích cực hưởng ứng và tham gia phong trào. Lực lượng nghĩa quân lên đến 6.000 người, bao gồm các tầng lớp nhân dân Gò Công mà trong đó đa số là nhân dân lao động và dân binh đồn điền – những người, theo nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, chỉ biết:

“…Cui cút làm ăn, riêng lo nghèo khó,
Chẳng quen cung ngựa, đâu tới trường nhung,
Chỉ biết ruộng trâu ở theo làng bộ
Việc cuốc, việc cày, việc bừa, việc cấy, tay vốn quen làm
Tập khiên, tập súng, tập mác, tập cờ mắt chưa từng ngó
… Vốn chẳng phải quân cơ, quân vệ, theo dòng ở lính diễn binh.
Gốc thiệt rằng dân ấp, dân lân, mến nghĩa làm quân chiêu mộ...”
(Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc - Nguyễn Đình Chiểu)

Tháng 7/1862, sau khi ký hòa ước nhường đứt cho thực dân Pháp đảo Côn Lôn và ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ là Biên Hòa, Gia Định và Định Tường, vua Tự Đức phong Trương Định làm Lãnh binh tỉnh An Giang và buộc ông phải giải tán nghĩa quân, chấm dứt cuộc kháng chiến ở Gò Công.

Thế nhưng, nhân dân Gò Công đã tỏ lòng thiết tha mong muốn Trương Định ở lại và cùng với nhân dân chiến đấu. Trước tấm lòng vì đại nghĩa của nhân dân, Trương Định đã không tuân theo lịnh bãi binh của triều đình và với chức vụ Chủ soái do nhân dân đồng thanh đề cử, ông vẫn ở lại Gò Công, tiếp tục chỉ huy cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược:
“…Bởi lòng chúng chẳng nghe thiên tử chiếu, đón ngăn mấy dặm mã tiền.
Theo bụng dân phải chịu tướng quân phù, gánh vác một vai khổn ngoại
Gồm ba tỉnh dựng cờ phấn nghĩa, sĩ phu lắm kẻ vui theo.
Tom (1) muôn dân gây sổ mộ quân, luật lệnh nào ai dám nhạy. Văn thời Tham Biện, Thương Biện, giúp các cơ bàn bạc nhung công
Võ thời Tổng binh, Đốc binh, coi mấy đạo sửa sang khí giới”.
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Đây là bước ngoặc to lớn trong tư tưởng của Trương Định và của cuộc khởi nghĩa do ông lãnh đạo. Trương Định đã ý thức được tấm lòng của nhân dân; nên ông càng tin tưởng sức dân và quyết định đi cùng với nhân dân chiến đấu: “Bằng son ứng nghĩa thấm lòng dân” (2) (Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu).

Để phất cao cờ nghĩa hiệu triệu và chiêu tập anh hùng hào kiệt ở khắp nơi, theo “Lãnh binh Trương Định truyện” của Nguyễn Thông, Trương Định tự xưng là Bình Tây đại tướng quân, còn “Đại Nam chính biên liệt truyện” của Quốc sử quân triều Nguyễn ghi là Trung Thiên tướng quân. Ông đã ra hịch hiệu triệu sĩ dân, mà trong đó, ông luôn luôn nhấn mạnh đến lòng dân.
Cờ đề chữ Bình Tây đại tướng
Trước trí quân ư Nghiêu, Thuấn thượng (3)

Sau vì xã tắc thần (4)

Phải cạn lời rao khắp muôn dân
Sửa tất dạ dắt dìu về một mối
Bớ trẻ, già, bé, lớn ai ai
Đều bội ám, đầu minh cho kíp” (5).
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Hoặc ở trong một bài Hịch khác, Trương Định cho rằng: “Từ ngày lòng dân đã muốn, ta lên làm Nguyên nhung ba tỉnh, trước hết ta cố gắng điều khiển Tân Hòa chống quân cướp nước, (ta) chỉ còn trông cậy vào tấm lòng yêu thương không phai của người người đối với ta…; ta đã thu thập những ý kiến của bình dân để chiêm nghiệm và phụng sự nhân dân… để cuối cùng sau dứt một hiệu trống, dân chúng đều thở trong không khí thong thả… vì lẽ ấy, ta ra tờ Hịch này, yêu cầu mọi người hãy đến đây… ta cầu xin với mọi người hãy giúp ta… để đem về một kết quả lớn lao”.

Dưới trướng của Trương Định, ngoài các vị vốn là trí thức khoa bảng, quan lại của triều đình, còn có các vị xuất thân từ tầng lớp nhân dân lao động như Đốc binh Tình, Phó Đốc binh Chung người làng Vĩnh Hựu (Gò Công Tây ngày nay), các ông Hòa, Quới ở làng Tân Niên Trung (xã Tân Trung, thị xã Gò Công Đông) (6), Đốc binh Chấn (7) ở Giồng Tháp, làng Tân Niên Tây (xã Tân Tây, huyện Gò Công Đông ngày nay) và “Bốn đầu lãnh “Phan Văn Dõng, La Văn Bản, Phan Văn Tiết, Tạ Văn Thái (8), Võ Đăng Được ở làng Đồng Sơn (huyện Gò Công Tây), Trương Công Luận ở làng Tăng Hòa (huyện Gò Công Đông), Phan Văn Dõng ở làng Bình Phục Nhứt (huyện Chợ Gạo),… Ngoài ra, phụ nữ Gò Công cũng tích cực tham gia cuộc khởi nghĩa, như bà Viết và bà Lưu. Hai bà phụ trách việc dò la tin tức của địch và vận động nhân dân đóng góp tiền bạc, lương thực để cung cấp cho nghĩa quân.

Cuộc chiến đấu của nghĩa quân Trương Định hợp với lòng dân, nên được nhân dân hết lòng đùm bọc che chở và ủng hộ. Sức mạnh của nghĩa quân cũng là sức mạnh của nhân dân. Chính nhờ vậy, nghĩa quân đã tạo nên những chiến công vang dội; mặc dù cán cân lực lượng càng về sau càng nghiêng về phía thực dân Pháp:

“… Sức giặc Lang sa,
Nhiều phường quỷ quái
Giăng dưới nước, tàu đồng, tàu sắt, súng nổ hơn sấm ran
Kéo trên bờ, ma ní, mã tà, đạn bay như mưa vãi.
Dầu những Đại Đồn (9) thuở trước, cũng khó toan đè trứng ngàn cân (10).
Huống chi cô lũy (11) ngày nay, đâu dám chắc treo chuông một giải” (12).
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Nhưng vậy mà:

Vì nước tấm thân đã nấy (13), còn mất cũng cam,
Giúp đời cái nghĩa đáng làm, nên hư nào nại. (14)
Rạch Lá, Gò Công mấy trận, giặc thấy đã kinh,
Cửa Khâu, Trại Cá mấy nơi ai nghe chẳng hãi.
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Hay là:

Trong Nam tên họ nổi như cồn,
Mấy trận Gò Công để tiếng đồn.
Dầu đạn, hay rêm tàu bạch quỷ, (15)
Hơi gươm thêm rạng thẻ hoàng môn” (16)
(Thơ điếu Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

3. Cuối cùng, cuộc khởi nghĩa Trương Định bị thực dân Pháp đàn áp dã man và Trương Định đã hy sinh anh dũng trong vòng tay của các đồng chí ngay trên mảnh đất Gò Công – quê hương thứ hai biết mấy thân thương của ông. Cuộc đời xả thân cứu nước cứu dân và nghĩa khí của Trương Định được nhân dân đời đời thương tiếc và truyền tụng:

Ôi!
Trời Bến Nghé mây mưa sùi sụt, thương đấng anh hùng gặp thuở gian truân.
Đất Gò Công cây cỏ ủ ê, cảm niềm thần tử, mắc nơi họa hại.
Xưa còn lầm tưởng dốc rạng giồi (17) hai chữ Bình Tây
Nay thác về thần xin vâng hộ (18) một câu phục thái” (19)
(Văn tế Trương Định - Nguyễn Đình Chiểu)

Từ thế trận lòng dân trong cuộc khởi nghĩa Trương Định, nhân dân Gò Công đã phát huy truyền thống quý báu đó trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, giải phóng đất nước, đem lại độc lập, tự do cho Tổ quốc. Bài học về thế trận lòng dân vẫn còn nguyên ý nghĩa và giá trị cho công cuộc đổi mới, xây dựng đất nước hiện nay.

Chú thích:
(1) Tom: Gom lại, thu về một mối

(2) Ở Gò Công, có rất nhiều truyện tích dân gian nói về việc Trương Định ý thức được sức mạnh của nhân dân. Chẳng hạn như đoạn đối thoại dưới đây giữa Trương Định và Nguyễn Đình Chiểu vào mùa hè 1862.
“…Trương Định hỏi, giọng còn đượm vẻ ấm ức:
- Thánh chỉ đòi tôi giải binh về đầu Pháp, ông xử sự thế nào?
Đồ Chiểu hừ một tiếng và không trả lời hẳn vào câu hỏi của Trương Định, ông chỉ ra hàng dừa trước ngỏ và hỏi lại:
- Cái cây tươi tốt cần ở gốc hay ngọn hả ông?
Trương Định đã nhắc chén trà lên rồi lại đặt xuống:
- Lẽ đời xưa nay cây cỏ tươi tốt là nhờ gốc. Gốc bền thì cây vững.
- Phải lắm! –Đồ Chiểu tiếp lời – Nhưng biết được cái gốc ở đâu mà theo mới là cặp mắt tinh tường.
Trương Định hiểu ngay, nói:
- Ở đây, cái gốc ở ngay đây. Trong thôn xóm thường dân này. Một ngày lòng dân còn thì một ngày quốc thể còn, vậy đó!
Nói rồi. Trương Định cười vang. Còn Đồ Chiểu thì hào hứng đọc cho nghe bài thơ mới!”
(Trích từ “Chuyện hay sử cũ” của Lê Thi trong “Những mẩu chuyện về cuộc chiến đấu của nghĩa binh Trương Định”, Tài liệu đánh máy của Chi hội Văn Nghệ thị xã Gò Công).

(3) Có nghĩa là trước giúp vua trở thành vua Nghiêu, vua Thuấn.

(4) Có nghĩa là sau làm người bề tôi của xã tắc.

(5) Có nghĩa là bỏ chỗ tối theo chỗ sáng.

(6) Ở Gò Công còn lưu truyền câu đối:
Vĩnh Hựu Tình Chung, chơn nghĩa khí
Tân Niên Hòa Quới, thị anh hùng
Tức là: Làng Vĩnh Hựu có hai ông Tình và Chung đầy nghĩa khí. Làng Tân Niên Trung có hai ông Hòa và ông Quới đều là bậc anh hùng.

(7) Đốc binh Chấn, theo tư liệu địa phương, tên là Nguyễn Ngọc Chấn, quê ở Giồng Tháp, làng Tân Niên Tây. Ông là một trong những cộng sự thân tính nhất của Trương Định. Ngày 20-8-1864, trong trận chiến đấu cuối cùng tại xóm Rạch Già, làng Tân Phước (nay là ấp 3, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông) Trương Định đã anh dũng hy sinh trong vòng tay của đốc binh Chấn. Bản thân ông Chấn cũng bị trọng thương và bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo chín năm. Sau khi ra tù, ông Chấn về Giồng Tháp làm nghề dạy học và mất ở đó.

(8) Hiện nay, ở Giồng Tháp có miếu thờ Trương Định cùng bài vị ghi tên năm người khác là Nguyễn Ngọc Chấn, Phan Văn Dõng, La Văn Bản, Phan Văn Tiết, Tạ Văn Thái. Về Nguyễn Ngọc Chấn xin xem chú thích (7). Bốn người còn lại phải chăng là “bốn đầu lãnh” mà Đô đốc De Lagrandière trong một báo cáo gởi về bộ Hải quân về thuộc địa Pháp, cho biết: “Tảng sáng hôm sau, cuộc tấn công bắt đầu. Quản Định đã lọt được ra khỏi vòng vây. Đội Tấn hết hy vọng bắt sống, bèn bắn một phát súng vào lưng khiến cho Trương Định chết liền. Bốn đầu lãnh thuộc địa hạt Phước Lộc cũng bị giết (chúng tôi nhấn mạnh – NPN) tên thứ năm thuộc địa hạt Tân Hòa mà người ta đồn là một yếu nhân bị thương nặng và bị dẫn giải”.
(Vài tư liệu Pháp về khởi nghĩa Trương Công Định ở Gò Công, Nguyễn Ngọc Cư, Tập san Sử Địa, Sài Gòn, số 22 (1971).

(9) Tức Đại đồn Chí Hòa.

(10) Đè trứng ngàn cân: dịch từ câu “Thiên quân áp noãn”, ý nói việc hiểm nghèo.

(11) Cô lũy: Có nghĩa là thành lũy lẻ loi, có lẽ Nguyễn Đình Chiểu muốn nói căn cứ Tân Hòa nằm ở địa thế không thuận lợi.

(12) Treo chuông một giải lấy từ câu “Nhất phát thiên quân” có ý nghĩa tương tự như Đè trứng ngàn cân.

(13) Nấy: Gởi trao, phó thác.

(14) Nại: Nề hà.

(15) Bạch quỷ: Quỷ trắng, chỉ giặc Pháp với ý khinh miệt.

(16) Hoàng môn: Chức quan của triều đình, ý nói Trương Định làm vẻ vang thêm cho Trương Cầm, cha ông cũng từng là một chức quan của triều đình.

(17) Rạng giồi: Làm sáng tỏ, rạng rỡ.

(18) Vâng hộ: Bảo bọc, giúp đỡ.

(19) Phục thái: Trở lại thái bình.

Nguyễn Phúc Nghiệp

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Học tập Bác
Điều tra nắm bắt nghiên cứu dư luận xã hội
Văn phòng điện tử
Bản tin thời tiết
Bản tin thông báo nội bộ
LIÊN KẾT WEBSITE
Quốc hội
Cổng thông tin điện tử
Báo điện tử
Nhân dân điện tử
Tạp chí cộng sản
Thăm dò ý kiến

Bạn đánh giá giao diện mới của Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tiền Giang thế nào?

Thống kê truy cập
  • Đang truy cập279
  • Máy chủ tìm kiếm72
  • Khách viếng thăm207
  • Hôm nay92,976
  • Tháng hiện tại1,664,296
  • Tổng lượt truy cập40,033,672
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây